THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:04

Mơ hồ dấu ngựa trong nhạc Trịnh Công Sơn

 

Tôi cũng mê nhạc Trịnh, tôi nghĩ mãi cũng không biết vì cái gì mà nhạc của anh lại mê hoặc người ta đến vậy. Và có lẽ một trong những nguyên nhân chính tạo nên điều đó, chính là sự mơ hồ đến xa vắng trong tiết tấu cũng như lời bài hát của anh, nhất là những hình ảnh về ngựa xe.

Trịnh Công Sơn viết tác phẩm đầu tay “Ướt mi” năm 1958 tại Đà Lạt, cho đến khi rời xa cõi tạm năm 2001, anh để lại khoảng 600 ca khúc. Trong đó 13 bài hát có nhắc đến ngựa, còn những bài có hình bóng về ngựa xe thì nhiều hơn.

Chưa ai biết vì sao Trịnh lại ưa đưa hình ảnh ngựa vào bài hát như vậy. Nhưng có thể khẳng định nhiều câu viết về ngựa là những câu hay nhất trong nhạc của anh. Có lẽ do hồi trẻ, Trịnh từng nhiều năm sống ở Đà Lạt – nơi có những chuyến xe thổ mộ luôn song hành cùng những con dốc.

Khi về Sài Gòn, ở khu vực ngoại ô như Củ Chi, Tân Qui, Tân Thuận, mỗi khuya về thế nào lại chả nghe lóc cóc, lộc cộc tiếng ngựa xe. Nhưng tôi cho rằng, Trịnh Công Sơn thích viết về ngựa xe là bởi anh mê sự xê dịch, sự thay đổi.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.


Nếu đi bằng máy bay, tàu hoả, ô tô hay đi bộ thì chỉ là sự di chuyển, những chuyến xe ngựa mới mang lại cho người ta cái cảm giác của sự chia lìa, cái cảm giác mơ hồ của đời sống.

 Là bởi ngựa xe bấy giờ chỉ còn là cái cớ, nó gợi cho người nghe cảm giác của sự chia xa, của vô thường, của ảo vọng. Khi Trịnh Công Sơn viết: “Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa” (Một cõi đi về), thì sự nghe này là không có thật, nó chỉ có trong tiềm thức, nghe rất buồn và cô đơn dù vẫn khiến người ta nhớ lại những chuyến xe mỗi sớm mai lại chở các bà, các cô xuống chợ.

 Trịnh Công Sơn quen thuộc với sự cô đơn, với anh “một ngày” đều như “mọi ngày” và “đi về một mình tôi” thì khi đó hình bóng ngựa – một con vật đẹp đẽ, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn cũng “xe ngựa về ngủ say” (Một ngày như mọi ngày).

Hình ảnh ngựa xe cứ trở đi, trở lại trong những bài hát của Trịnh như một ẩn dụ, nó lôi cuốn đến độ ám ảnh người nghe. Nó thể hiện ra ở mọi cung bậc, khi vui ngựa tung vó, ngựa hý vang, lúc buồn “ngựa buông vó” còn người thì “chùng chân đã bao lần”, cũng có khi là “ngựa hồng đã mỏi vó, chết trên đồi quê hương”  (Xin mặt trời ngủ yên).

Nhưng có lẽ nhiều nhất hình ảnh ngựa trong nhạc Trịnh vẫn là sự xa vắng đến mơ hồ. Ở bài hát “Em còn nhớ hay em đã quên”, hình ảnh ngựa xe: “Nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng” dù xa xôi nhưng cũng hiểu được.Mơ hồ dấu ngựa trong nhạc Trịnh Công Sơn

Hay “một ngày như mọi ngày vó ngựa về ngủ say” (Một ngày như mọi ngày), làm người nghe cảm được nhưng không thể lý giải ngựa đã ngủ say vẫn phải nói làm gì.

Nhưng khi Trịnh viết “một chuyến xe tựa như vừa đến nơi chia lìa” (Đoá hoa vô thường), thì không thể độc đáo, không thể mơ hồ hơn và tất nhiên không thể viết hay hơn. Bởi vì theo lẽ thường xe ngựa phải đưa người ta đến một nơi nào đó, gặp gỡ một ai đó chứ làm gì có chuyện đến nơi chia lìa.

Nhưng điều tưởng chừng như phi lý đó lại rất đúng trong đời sống, có hội ngộ thì cũng có chia li. Nó cũng nằm trong cảm hứng nghệ thuật chung của Trịnh Công Sơn – sự cảm nhận của người nghệ sĩ về sự hữu hạn, những vô thường của kiếp người.

Hình ảnh ngựa hồng có thể coi là một ẩn dụ để nói về chính nhạc sĩ. Người yêu quý nhạc sĩ có thể hình dung ra anh qua hình ảnh chú ngựa đẹp đẽ, đầy kiêu hãnh nhưng cũng rất hiền lành, thậm chí là yếu đuối và cô đơn. Cũng có khi Ngựa hồng đã mỏi vó, chết trên đồi quê hương. (Xin mặt trời ngủ yên)

Quê hương đã bao mùa chìm trong chiến tranh, loạn lạc. Ngựa chết trên đồi quê hương là hình ảnh con ngựa sau bao lần tung vó xông pha nơi trận mạc. Ngựa chết nhưng là cái chết đẹp. Chết cũng có thể coi là sự nghỉ ngơi, là sự chủ động lựa chọn như sự tất nhiên của cuộc sống vậy.

Tranh vẽ ngựa của Trịnh Công Sơn.

Tranh vẽ ngựa của Trịnh Công Sơn.


 Có thể nói hình ảnh ngựa xe, những gì liên quan đến ngựa như tiếng chuông, tiếng hí hay tiếng vó ngựa... cứ ẩn hiện vừa gần gũi vừa xa xăm không chỉ trong những bài hát mà cuộc đời Trịnh.

Nó dường như đã hằn sâu trong ký ức, để có dịp là bộc lộ ra mà thôi:

 Từ đó trong hồn ta, ơi tiếng chuông não nề

Ngựa hí vang rừng xa

Vọng suốt đất trời kia

Từ đó ta ngồi mê

Để thấy trên đường xa

Một chuyến xe tựa như vừa đến nơi chia lìa.

Ngựa gần như là một trong những cảm hứng sáng tác đặc biệt của Trịnh. Từ cái cảm giác chia li rất thật từ ngàn xưa “người lên ngựa, kẻ chia bào” nhạc sĩ đã biến nó thành sự mơ hồ của kiếp người, cái mong manh của phận người và cái ngập ngừng, chần chừ trong tình người cũng như lẽ sống.

 Ngày còn trẻ Trịnh đã viết: “Đời vẽ tôi tên mục đồng, rồi vẽ thêm con ngựa hồng, từ đó lên đường phiêu linh". (Mục Đồng). “Gió núi bay qua lao xao bụi bờ, lao xao bờm ngựa” (Giọt lệ thiên thu).

Khi lại bất chợt rạo rực với mơ ước cho quê hương liền một dải: “Ngựa bay theo gió lòng reo muôn vó, cho dân ta bừng lớn trong tự do” (Huế – Sài Gòn – Hà Nội). Nhưng nhiều nhất và cơ bản nhất ngựa trong nhạc Trịnh vẫn là sự mơ hồ và cô đơn dù rất đẹp.

Là bởi rồi ra cũng như kiếp người “vó ngựa trên đời” không phải “hay” mà chỉ là “dấu chim bay” (Xa dấu mặt trời). Rồi khi đã từng trải, thậm chí mệt mỏi Trịnh viết:

 Đường phố buồn, mọi người đi vắng

Trong kinh đô tiêu điều dấu ngựa hồng.

          (Có những con đường)

Trịnh Công Sơn thường đưa vào ca khúc của mình rất nhiều hình ảnh thân thuộc của đời sống như tiếng gà, còn đường, góc phố, thậm chí cả đàn bò hay tiếng giun, dế.

Nhưng nhiều nhất và sâu đậm nhất, ấn tượng hơn cả vẫn là hình ảnh ngựa xe. Kể cả trong hội họa, Trịnh cũng vẽ rất nhiều, rất đẹp về ngựa. Ngựa là hình ảnh lý tưởng giúp Trịnh truyền đạt những ý tưởng, những suy tư, những cảm nhận về phận người.

 Đã nhiều năm rồi, Trịnh rời xa cõi tạm, cuộc sống hiện đại cũng vắng dần bóng ngựa xe. Nhưng mỗi khi nghe nhạc Trịnh người ta sẽ lại thấy hiển hiện bóng ngựa hồng, thấy ngân mãi cho đến hư không tiếng vó ngựa dần xa.

Nguyễn Kim Tuấn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh