THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:39

Bốn ngày cùng sơn nữ “du hành” Tây Nguyên

 

Người bạn mới đến từ đại ngàn
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là TP. Buôn Ma Thuột vốn được mệnh danh là thủ phủ của Cao nguyên. Thành phố vùng cao hiện ra trước mắt chúng tôi mơ hồ giữa màn sương chiều mờ ảo. Đứng giữa phố xá đông đúc, chúng tôi bỗng cảm thấy lạc lõng và dường như… mất phương hướng, khi không biết phải bắt đầu công việc từ đâu. 
Chợt nghĩ tới một người bạn đã hàng chục năm không gặp, hiện đang làm giáo viên ở đây, chúng tôi “đánh bạo” gọi điện để… nhờ vả. May mà người bạn cũ vẫn kịp nhận ra và hứa sẽ cố gắng giúp đỡ. Người bạn hẹn chúng tôi ở một quán cà phê gần trung tâm thành phố, ít phút sau chị đi ra cùng một cô gái người dân tộc còn khá trẻ. Người bạn giới thiệu, đó là học trò cũ của chị, cô gái dân tộc J’rai, một cây bút nghiệp dư và có nhiều hiểu biết về đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. 
Cô gái có dáng người chắc đậm, khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương và nhất là đôi mắt rất sáng, tên là H’ Yên, quê ở một làng vùng sâu thuộc tỉnh Gia Lai. Câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu một cách khá dè dặt, như vẫn thường thấy giữa những người còn xa lạ. Nhưng khi nghe chúng tôi bày tỏ ý định nhờ cô đưa đi thực tế tại một số làng dân tộc, mắt cô bỗng sáng lên. “Em biết nhiều chuyện, hiểu nhiều thứ, nhưng lâu nay không biết viết như thế nào”, cô cười bẽn lẽn.
H’ Yên tại quê nhà ở huyện Krông Pa (Gia Lai).
Và ngay sau đó, với đúng tính cách vừa chân thành, vừa mạnh mẽ của một cô gái Tây nguyên, H’ Yên đã đưa chúng tôi vào “bài nhập môn”, với những lời giới thiệu sơ lược về cuộc sống của những cô gái Tây Nguyên, giống như cô: “Đến những năm đầu thế kỷ 21, chế độ mẫu hệ vẫn tồn tại trong nhiều dân tộc ở Tây Nguyên. Ở đó, người phụ nữ vẫn được coi là “nữ chúa của buôn làng”. Thế nhưng, thực tế họ lại bị bó buộc giữa vòng vây những luật tục hà khắc tồn tại từ bao đời…”. 
Chiều muộn, cô chào tạm biệt, hẹn sáng hôm sau lên đường sớm.
Chuyện ly kỳ của những sơn nữ
Chúng tôi ra bến xe khi còn tờ mờ đất, đã thấy H’ Yên chờ sẵn. Cô cho biết, hôm nay sẽ cùng cô về quê. Chiếc xe khách cũ kỹ băng qua những cánh rừng trên con đường gập ghềnh, đưa chúng tôi đến huyện Krong Pa, tỉnh Gia Lai vào giữa trưa. “Từ đây về tới nhà em phải mất gần một buổi, trong đó có mấy cây số phải đi bộ”, H’ Yên nói.
Sau hơn 4 tiếng vừa đi xe ôm vừa đi bộ, cuối cùng chúng tôi cũng đến làng của H’ Yên khi trời vừa tối. Cha mẹ cô rất mừng khi thấy con gái về, lại dắt theo mấy người khách, nên đãi bữa cơm “đặc biệt”, có món gà nướng cùng ché rượu cần. Trong bữa cơm, xuất hiện một cô gái lạ, H’ Yên giới thiệu đó là Ksor H'Sướt, ở buôn Blak, xã Ia Rmok, một người bạn của cô, cũng là nhân vật mà cô muốn giới thiệu với chúng tôi. 
Ksor H'Sướt kể rằng, khoảng 1 năm trước cô quen Nay Trung, chàng trai ở buôn Tring, xã Krông Năng trong lễ hội cồng chiêng, múa xoang. Cô thấy ưng cái bụng, quyết bắt Trung về làm chồng, nhưng gia đình Trung đòi sính lễ quá cao. “Nhà mình nghèo, bố mất sớm, không ruộng đất, mẹ nuôi 5 anh chị em. Vậy mà gia đình Nay Trung đòi tới 60 triệu đồng, 6 con bò, 3 con heo, mình đâu có để bắt chồng”. 
Từ khi bắt chồng không thành, cô sơn nữ này phải chịu nhiều đàm tiếu. Bởi theo quan niệm của người J’Rai ở Krông Pa, một người con gái khi đã sang nhà trai hỏi bắt chồng đồng nghĩa với việc đã qua một đời chồng. Nếu bắt chồng không được, bị dân làng coi là đứa con gái hư, sau này rất khó lấy chồng. 
H’ Yên nói rằng, tình trạng “ra giá” sính lễ bắt chồng quá cao đã trở thành gánh nặng cho nhiều bậc cha mẹ có con gái. Có nhà phải chạy vạy khắp làng, khắp buôn vay mượn với lãi suất 40%/tháng, sau đó đành bán cả đất đai, nhà cửa để trả nợ. 
H’Yên kể, cũng ở đây dân bản lâu nay không ngừng xì xào về chuyện một chàng trai có thói trăng hoa, cứ con trăng này sống với một cô gái, thì vài ba con trăng sau lại có một người mới. Cứ vậy, trong vòng vài năm, anh ta đã trải qua 5 - 7 đời vợ. Lẽ ra, theo luật tục anh ta sẽ phải đền cho những người vợ bị phụ bạc, nhưng đằng này, anh ta lại vận dụng luật tục theo hướng khác: Người vợ mới muốn bắt anh ta về làm chồng thì phải… đền trâu bò, dê cho người vợ trước!
Lại có câu chuyện khác: Một chàng trai bị vợ bắt chồng từ khi còn nhỏ. Theo luật tục, gia đình vợ phải nuôi con rể ăn học. Khi đến tuổi trưởng thành, anh ta lên tỉnh học (cũng bằng chi phí của gia đình vợ), nhưng lại đem lòng yêu một cô gái khác. Đến một ngày, anh ta nhờ một người quen mang chiếc kông (chiếc vòng cầu hôn) trả lại cho người vợ, coi như đoạn tuyệt tình nghĩa vợ chồng. Gia đình nhà vợ quyết làm ra nhẽ, mang chuyện ra kiện tại chính quyền địa phương. Nhưng ngặt nỗi, khi chính quyền hỏi giấy Đăng ký kết hôn để giải quyết theo Luật Hôn nhân và Gia đình, nhà cô vợ mới… ngớ người. Họ chỉ có chiếc kông để làm tin, chứ lấy đâu ra giấy Đăng ký kết hôn!
Những câu chuyện của cô gái Tây Nguyên lôi cuốn chúng tôi đến mức khi chuyện tạm dừng cũng là lúc nghe gà rừng gáy… 
Ngày của những… bất ngờ
Tảng sáng, H’ Yên đã đánh thức chúng tôi để bắt đầu một ngày đi thực tế. Điểm cô đưa chúng tôi đến chính là buôn Blak. Ghé một căn nhà ở gần đầu buôn, chỉ thấy một người đàn ông ở nhà. Anh cho biết, vợ mình đi lên rẫy từ sớm. “Nó phải lo đi làm mà nuôi chồng, nuôi con, chứ ở nhà lấy gì mà ăn”. Chưa dứt lời, anh đã kéo chúng tôi vào góc nhà, nơi đặt ché rượu cần uống dở, sai đứa con lấy nước đổ thêm vào để tiếp khách. 
Anh kể, vợ chồng anh lấy nhau được gần chục năm, và đó cũng là khoảng thời gian mà vợ anh phải lao động cật lực để nuôi sống cả gia đình: “Vợ là chủ gia đình, tui muốn làm chuyện gì, muốn mua con heo, con bò cũng phải hỏi ý kiến nó. Vì vậy mà nó phải đi làm để kiếm miếng ăn nuôi cả nhà”. Chúng tôi hỏi: “Sao anh không đi làm rẫy cùng vợ để được nhiều lúa, bắp hơn?” - Anh cười: “Hầu hết đàn ông ở đây đều chỉ ở nhà lo chăm sóc con cái, dọn dẹp cửa  nhà. Mình cũng vậy!”. “Thế có việc lớn nào vợ không đồng ý mà anh vẫn làm không” - Anh chồng lại cười: “Theo luật lệ xưa là vậy, nhưng cũng có những chuyện mình thích mà vợ không chịu, thì lại đưa ra nhờ làng giải quyết, mà già làng thì cũng là đàn ông như mình, dễ thông cảm những chuyện đàn ông với nhau. Do đó, thường mình đã thích làm gì thì vợ cũng chẳng cản được”. 
Lý giải về điều này, H’ Yên cho biết: Mặc dù trong chế độ mẫu hệ, người phụ nữ được tôn trọng nhất định vì những giá trị truyền thống và tạo nên sức ảnh hưởng trong nhiều thời đại, nhưng càng ngày địa vị cũng như sự chi phối xã hội của họ càng mất dần. Thật ra, mầm mống sự thất thế của người phụ nữ dân tộc đã manh nha từ xưa, trong nhiều luật tục. Bản chất của xã hội mẫu hệ là mẫu quyền về hình thức, nhưng là phụ quyền trên thực tế, bởi những việc trọng đại, như ma chay, cưới hỏi, làm nhà, việc làm ăn, mua bán những đồ vật quý… người đàn ông phải trực tiếp quyết định, thực hiện. Người phụ nữ chỉ biết âm thầm làm lụng trên nương rẫy, núi rừng để cố gắng chứng tỏ vai trò là trụ cột của mình. Cơ hội để phần lớn phụ nữ dân tộc đi làm việc Nhà nước, hay tham gia công việc xã hội là rất ít.
Tiếp tục cuộc hành trình, cô đưa chúng tôi đến gặp Ksor Hưu (chàng trai 17 tuổi) trú tại buôn Hýu, xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa. Cách đây ít lâu, Ksor Hưu đã gửi đơn tới các cơ quan chức năng huyện tố cáo cha ruột mình là ông Rơ Ô Moar, giáo viên trường tiểu học số 2 xã Ia Hdreh huyện Krông Pa, đi ngoại tình, về đánh mẹ đến phát điên. Nỗi đau tinh thần lẫn thể xác đã biến người vợ trở nên điên loạn. Thương mẹ, Ksor Hưu phải nghỉ học giữa chừng, ngày ngày làm thuê lo thuốc thang cho mẹ và nuôi các em nhỏ. Tiếp chúng tôi trong căn nhà lạnh lẽo, tay chân Ksor Hưu run rẩy khi kể về những trận đòn mà người cha đã giáng xuống đầu mẹ mình bấy nay. Còn người phụ nữ khi thấy người lạ đến thì cười nói vu vơ như đứa trẻ lên ba. Khi con trai đưa ảnh chồng đang ôm ấp người đàn bà khác, chị ôm bức ảnh rồi… cười -  nụ cười đầy ám ảnh, chắc hẳn chị đã chịu quá nhiều nỗi đau đến mức không còn biết đau là gì nữa!
Sau 4 ngày đưa chúng tôi băng rừng, vượt suối đến nhiều buôn làng dân tộc, H’Yên đã giúp chúng tôi có được cái nhìn chân thực về cuộc sống của những phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa Tây Nguyên - những nơi mà trước giờ chúng tôi chỉ hình dung qua những trang sách hay những thước phim ngắn. Sự hiểu biết sâu sắc của người trong cuộc của H’Yên để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng sâu sắc.
Và có lẽ, điều lớn nhất mà cô mang lại cho chúng tôi, đó là bài học về nghề nghiệp của mình, có thâm nhập thực tế, tiếp cận với nhân vật thì mới có được những bài báo hay, phản ánh chân thực những lát cắt muôn hình vạn trạng của cuộc sống.

BẢO KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh