THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:42

Xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội thảo

 

Hôm nay 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị “Tổng kết Kết luận 60-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột và Phương hướng xây dựng, phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Ê ban Y Phu đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nêu bật những kết quả đạt được sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận 60-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020; phương hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2010-2018 đạt 61.566 tỷ đồng; tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2010-2018 đạt 9,38%. Năm 2018, tổng thu ngân sách đạt hơn 1.545 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2009; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 11.372 tỷ đồng, tăng 3,17 lần so với năm 2009; giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đạt 9.109 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 78 triệu đồng, tăng 3,17 lần so với năm 2009.

Giai đoạn 2010 - 2018, TP Buôn Ma Thuột có 35 dự án phát triển đô thị được phê duyệt, tăng gấp ba lần so với giai đoạn trước 2010. Đến nay, các công trình, dự án trọng điểm được triển khai đầu tư; hạ tầng giao thông đô thị được đầu tư tương đối đồng bộ, bước đầu thể hiện được vai trò đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên...

Phát biểu tham luận tại hội thảo, Giáo sư danh dự, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW, quá trình phát triển của thành phố cũng đã bộc lộ một số hạn chế và phát triển thiếu bền vững. Đó là chưa có ngành, lĩnh vực kinh tế tạo bước đột phá. Công tác đầu tư, xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột bị ảnh hưởng chính sách tài khóa, nhiều quy hoạch không có vốn đầu tư để thực hiện, ảnh hưởng đến phát triển hạ tầng đồng bộ của thành phố. 

Để TP Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, theo ông Chính, phải có cơ chế, chính sách và các giải pháp thích hợp để tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, từ đó tạo động lực và hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ vùng Tây Nguyên.

Toàn cảnh Hội thảo


Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, để xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận 26-KL/TW, cần có tư duy đột phá, phải thoát khỏi tư duy cục bộ, coi phát triển Buôn Ma Thuột là việc riêng của Đắk Lắk mà phải thống nhất về tầm quan trọng của phát triển Tây Nguyên để có cách tiếp cận phát triển TP Buôn Ma Thuột đúng tầm, đúng cách.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình,  Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Nhận thức được tầm quan trọng của thành phố Buôn Ma Thuột nên Bộ Chính trị đã ban hành kết luận riêng. Điều này cho thấy Trung ương rất coi trọng việc phát triển của thành phố có vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng về an ninh - quốc phòng cấp quốc gia.

Vì vậy, hội thảo này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm trao đổi, thảo luận, định hướng, xác định mục tiêu phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian tới.

Từ hội thảo này, các ý tưởng, ý kiến của các cơ quan Trung ương, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ là cơ sở hoàn thiện Đề án tổng kết và đề xuất phương hướng phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh