Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đề nghị tạm dừng tổ chức cuộc thi “Chinh phục vũ môn”
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:18 - 10/12/2016
Đó là một nội dung mà Bộ GD&ĐT xác định liên quan tới lo ngại của phụ huynh về cuộc thi trực tuyến có tên “Chinh phục vũ môn” đang được tổ chức cho học sinh.
Giao diện cuộc thi với game online Chinh phục vũ môn.
Cuộc thi “Chinh phục vũ môn” với hình thức thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức tổng hợp dành cho học sinh trung học cơ sở do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khởi xướng và chủ trì tổ chức từ năm học 2014-2015. Từ hiệu quả của Cuộc thi lần thứ nhất, theo đề xuất của Trung ương Đoàn, sau khi nghiên cứu, Bộ GD&ĐT đã thống nhất phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức Cuộc thi lần thứ II (năm học 2015-2016) và lần thứ III (năm học 2016-2017).
Cuộc thi được tổ chức với mục đích tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh, giúp các em nắm chắc kiến thức về văn hóa, xã hội và kỹ năng sống. Đồng thời giúp các em nâng cao nhận thức và kỹ năng khai thác hiệu quả internet phục vụ học tập, giải trí và rèn luyện.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Bộ GD&ĐT, Cuộc thi còn một số tồn tại, bất cập như thành phần tham gia thi chưa phù hợp; công tác tuyên truyền, tổ chức điều hành Cuộc thi chưa tốt đã gây ra sự lo ngại làm ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập của các em học sinh.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ trưởng Bộ Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu Vụ Công tác học sinh - sinh viên (đơn vị đầu mối phối hợp với Trung ương Đoàn) báo cáo về việc này. Bộ trưởng Nhạ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ khẩn trương làm việc với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đề nghị tạm dừng tổ chức Cuộc thi nói trên, tiến hành rà soát kỹ lưỡng, nghiêm túc, khoa học các vấn đề liên quan đến cuộc thi mà dư luận đang quan tâm.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ chủ động rà soát tất cả các cuộc thi tương tự đang diễn ra hoặc dự kiến sẽ tổ chức, nếu không thiết thực, hiệu quả thì dừng ngay. Chủ trương của Bộ GD&ĐT là không tổ chức hoặc ủng hộ tổ chức các cuộc thi không thiết thực, làm ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh, gây băn khoăn cho phụ huynh và dư luận xã hội. Trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ GD&ĐT luôn khuyến khích các em học sinh năng động, tìm tòi học tập qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có hình thức học tập trực tuyến, nhưng đó phải là những kênh học tập lành mạnh và hiệu quả, thiết kế phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh.