Bộ GD&ĐT lên tiếng về việc đưa game online vào trường học
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 18:27 - 09/12/2016
Một phụ huynh có tên là Trần Trọng An (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vừa gửi tâm thư lên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Nội dung bức thư bày tỏ sự lo lắng về việc các trường học hiện đang tổ chức cho học sinh chơi trò chơi trực tuyến (game online) có tên là “Chinh phục vũ môn” với yêu cầu nạp tiền bằng thẻ cào.
Phụ huynh Trần Trọng An khẳng định, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các địa phương đề nghị các trường phối hợp tổ chức chơi game online này cho học sinh THCS.
Ngoài ra, phụ huynh này cũng lo ngại, với thể chất và trí tuệ còn rất non nớt mà sớm bị "cài đặt" game online vào trí não (có chiến thuật, tranh đua và thu phí) thì sẽ có nhiều tác hại về lâu dài.
Được biết, bức tâm thư của anh Trần Trọng An đang được chia sẻ trên mạng xã hội và được dư luận hết sức quan tâm.
Với những băn khoăn của phụ huynh Trần Trọng An và sự quan tâm của xã hội về vấn đề trên, phóng viên VOV.VN đã phỏng vấn ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT).
Bìa mô tả về một bài trong cuộc thi "Chinh phục vũ môn" (ảnh: appstore.zing.vn)
Cuộc thi đã được thẩm định dưới sự tham gia của các nhà khoa học
PV: Trên trang facebook cá nhân, một phụ huynh tên là Trần Trọng An có thư gửi cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ lo ngại về cuộc thi có tên là “Chinh phục vũ môn” đang được tổ chức cho học sinh tham gia nhưng phụ huynh cho rằng đây là trò chơi game online. Ông có thể giải thích về cuộc thi này như thế nào, tại sao lại được đưa vào trường học?
Ông Bùi Văn Linh: Cuộc thi trực tuyến “Chinh phục vũ môn” là cuộc thi tìm hiểu kiến thức tổng hợp giành cho học sinh phổ thông do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức từ năm học 2014 - 2015. Từ hiệu quả của cuộc thi dành cho các em học sinh THCS, theo đề xuất của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, sau khi nghiên cứu, Bộ GD-ĐT đã thống nhất phối hợp với đơn vị này tổ chức cuộc thi lần thứ II (năm học 2015-2016) và lần thứ III (năm học 2016 - 2017).
Trong 2 lần đầu, cuộc thi được tổ chức cho các em học sinh THCS trên toàn quốc. Lần thứ III, năm học 2016 – 2017, cuộc thi đã mở rộng đối tượng cho các em học sinh lớp 3 – 5. Nội dung các câu hỏi của cuộc thi bao gồm:
Kiến thức các môn văn hóa: chiếm 30% tổng số câu hỏi (gồm Văn, Toán, Anh, Lý, Hóa, Sinh...).
Kiến thức xã hội chiếm: 30% tổng số câu hỏi (các lĩnh vực : Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Thể thao, IQ...)
Kiến thức đời sống xã hội: chiếm 40% tổng số câu hỏi (các hiểu biết về xã hội, kiến thức giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng…).
PV: Phụ huynh đang lo lắng về sự an toàn của cuộc thi với học sinh. Ông có thể nói rõ hơn căn cứ nào để Bộ GD-ĐT đưa cuộc thi vào trường học?
Ông Bùi Văn Linh: Cuộc thi được tổ chức nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát triển tư duy sáng tạo cho thiếu nhi; nâng cao nhận thức về khả năng khai thác hiệu quả internet phục vụ học tập, giải trí và rèn luyện, giúp các em tránh xa các trò chơi online độc hại, bạo lực, ảnh hưởng không tốt đến thiếu niên, nhi đồng.
Cuộc thi cung cấp kiến thức cần thiết, bổ ích cho học sinh, qua đó hình thành thói quen chủ động học tập và tiếp cận tri trức thông qua nền tảng công nghệ thông tin. Cuộc thi được tổ chức sinh động, thân thiện, vui tươi, an toàn; giúp các em nắm chắc kiến thức về văn hóa, xã hội và kỹ năng sống. Ngoài ra, cuộc thi cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, hoàn thiện nhân cách, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.
Nội dung câu hỏi, đáp án và hình thức tổ chức cuộc thi đã được các nhà khoa học, các nhà giáo có uy tín tham gia xây dựng và thẩm định.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của cuộc thi?
Ông Bùi Văn Linh: Tôi cho rằng, với nội dung và hình thức thi nêu trên, cuộc thi đã đáp ứng được nhu cầu tìm tòi, sáng tạo, bổ sung tri thức, nâng cao hiểu biết về lịch sử dân tộc, xã hội, kỹ năng sống... cho học sinh. Cụ thể: Thứ nhất, cuộc thi kết hợp hài hòa giữa học tập và giải trí. Khi học sinh tham gia cuộc thi Chinh phục vũ môn, phụ huynh có thể yên tâm vì con em mình đang được học tập và giải trí trong một môi trường an toàn, lành mạnh. Các kiến thức được đề cập, lồng ghép một cách sáng tạo giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên, không áp lực.
Thứ hai, hệ thống kiến thức trong cuộc thi rất phong phú, chuẩn mực. Cuộc thi "Chinh phục vũ môn" với thử thách 63 ô câu hỏi bao hàm lượng kiến thức rộng, trải dài ở nhiều môn học và nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội... Nội dung kiến thức trong cuộc thi được xây dựng đúng chuẩn với sự cố vấn của nhiều chuyên gia giáo dục của trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Thứ ba, học sinh có thể tham gia cuộc thi mọi lúc mọi nơi, trên nhiều thiết bị: "Chinh phục vũ môn" được phát triển đa nền tảng trên máy tính, điện thoại thông minh và máy tính bảng, giúp học sinh có thể tham gia giải trí và học tập mọi lúc mọi nơi cùng bạn bè.
Không những vậy, với việc ứng dụng internet, cuộc thi còn tạo điều kiện cho nhiều học sinh vùng sâu vùng xa, những nơi điều kiện học tập còn khó khăn có cơ hội được tiếp cận với một mô hình học tập tiên tiến và bổ ích. Phụ huynh có thể đăng nhập để theo dõi, giám sát nội dung cuộc thi.
Ông Bùi Văn Linh
Không có chuyện học sinh tham gia cuộc thi phải trả chi phí
PV: Có ý kiến phản ánh rằng, tham gia cuộc thi phải nạp tiền bằng thẻ điện thoại, ông có thể cho biết thêm thông tin về vấn đề này?
Ông Bùi Văn Linh: Trước tiên xin khẳng định quan điểm của Bộ GD&ĐT đối với Trung ương Đoàn - đơn vị chủ trì tổ chức cuộc thi là học sinh khi tham gia thi “Chinh phục vũ môn” không phải trả bất cứ chi phí nào cho việc tham gia thi. Đây là cuộc thi hoàn toàn miễn phí cho học sinh và phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để học sinh tham gia, không làm ảnh hưởng đến quá trình học tập của các em.
PV: Sau những ý kiến của phụ huynh, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo, kiểm tra tổ chức hoạt động của cuộc thi “Chinh phục vũ môn” ở các địa phương, trường học cũng như kịp thời chấn chỉnh việc chơi game online như thế nào?
Ông Bùi Văn Linh: Phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi, Bộ GD&ĐT đã cử cán bộ tham gia thành viên Ban tổ chức cuộc thi. Thực hiện nhiệm vụ phân công của Ban Tổ chức cuộc thi, Bộ đã ban hành công văn trên để chỉ đạo các Sở GD&ĐT phối hợp với tỉnh/thành Đoàn tạo điều kiện, khuyến khích, động viên học sinh tham gia cuộc thi “Chinh phục vũ môn”.
Có thể khẳng định rằng “Chinh phục vũ môn” là cuộc thi kiến thức tổng hợp cho dành học sinh như một số cuộc thi trực tuyến khác. Giao diện, nội dung câu hỏi của cuộc thi được thiết kế phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh, rất dễ hiểu và dễ thao tác thi; việc tham gia thi là việc hoàn toàn tự nguyện đối với học sinh; các nhà trường không được để ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh.
PV: Xin cảm ơn ông.