Chủ tịch Quốc hội: Không thể để tình trạng Luật ban hành xong, cả nước ngồi chờ hướng dẫn
- Tây Y
- 08:22 - 26/10/2021
Nội dung còn ý kiến khác nhau không nhiều
Cho rằng đây là lý do không thuyết phục, tại phiên họp tổ ngày 25.10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nhất là trong thời gian tới vừa phải phòng, chống dịch vừa phải phục hồi, phát triển kinh tế thì việc có một luật mới được đưa thực thi ngay có thể đẩy thị trường lên cũng là một giải pháp thiết thực cho việc phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
Nhận xét chung về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã chủ động vào cuộc từ rất sớm, quá trình góp ý tiếp thu qua nhiều vòng.
Bộ Tài chính cũng đã giải trình, tiếp thu rất chi tiết nhiều ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Do đó, chất lượng dự án Luật trình Quốc hội lần này đã được nâng lên, nội dung tiếp thu rất nhiều, nội dung còn ý kiến khác nhau không nhiều”, ông Huệ nói.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội cho hay, trước đây, khi dự luật mới được đưa ra thì các doanh nghiệp nước ngoài, các hiệp hội kinh doanh băn khoăn, lo ngại về nhiều vấn đề nhưng “đến nay, đều đã được tháo gỡ”, các quy định trong dự thảo Luật đã tiệm cận thông lệ tốt của quốc tế, bảo đảm phát triển thị trường bảo hiểm bền vững, đáp ứng yêu cầu.
Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành đã ban hành được 20 năm. Việc sửa đổi Luật lần này nhằm tháo gỡ các vướng mắc, các quy định không còn phù hợp với thực tiễn phát triển và thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, dư địa phát triển của thị trường bảo hiểm nước ta còn rất lớn. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường bảo hiểm cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn.
Mặt khác, bảo hiểm là loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao và ngày càng hiện đại. Chủ trương, mong muốn của chúng ta là tốc độ tăng trưởng của các loại hình dịch vụ phải nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP và đặc biệt chú trọng vào các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistic, khoa học, công nghệ... “Các văn kiện Đại hội Đảng đều nhấn mạnh tinh thần này”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Bảo hiểm vi mô đến được vùng sâu, người nghèo… thì rất tốt
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ một số nội dung cần tiếp tục rà soát để nâng cao hơn nữa chất lượng dự thảo Luật.
Trước hết, cần tiếp tục rà soát các quy định về lĩnh vực bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm để bảo đảm sự phát triển cân đối, hài hòa hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường bảo hiểm kể cả bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm vi mô…
Trong bảo hiểm phi nhân thọ, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần hết sức quan tâm đến sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp.
Đặc thù nước ta bị ảnh hưởng rất nặng nề của thiên tai, mưa lũ, dịch bệnh khiến lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp bị thiệt hại rất lớn, nhưng hiện nay mới chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước và hoạt động trợ giúp, thiện nguyện của xã hội còn việc bù đắp thiệt hại qua bảo hiểm còn rất ít, thậm chí bảo hiểm ngư nghiệp, lâm nghiệp hiện chưa có, bảo hiểm cây trồng vật nuôi cũng mới đang thí điểm.
Để tính toán được phí bảo hiểm trong các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp là rất khó nhưng Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không thể không làm. Về lâu dài, phải hướng đến việc bù đắp thiệt hại của các lĩnh vực này bằng bảo hiểm để người nông dân yên tâm hơn, có bệ đỡ để khôi phục sản xuất khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
“Đương nhiên, trong dự án luật này thì không thể quy định được hết nhưng phải có quy định những vấn đề căn bản nhất để Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Nghị định hướng dẫn về bảo hiểm nông nghiệp…”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tiếp tục nghiên cứu Chiến lược tài chính toàn diện
Về bảo hiểm vi mô, Chủ tịch Quốc hội cho biết đã có ý kiến tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo cũng đã tiếp thu nhưng cần tiếp tục nghiên cứu thêm. Trong đó, cần tiếp tục nghiên cứu Chiến lược tài chính toàn diện để thể chế hóa bảo hiểm vi mô trong dự án luật này bởi Chiến lược tài chính toàn diện là do Ngân hàng Nhà nước xây dựng nhưng bảo hiểm vi mô lại thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.
Bảo hiểm vi mô đến được với người dân vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người yếu thế thì rất tốt nên cần tổng kết, đánh giá cả việc thực hiện hình thức bảo hiểm vi mô do các tổ chức chính trị xã hội thực hiện thời gian qua, nhất là do Mặt trận Tổ quốc và Hội phụ nữ thực hiện để quy định cụ thể hơn về bảo hiểm vi mô trên cơ sở chiến lược tài chính toàn diện.
Các quy định về hợp đồng bảo hiểm theo Chủ tịch Quốc hội cũng phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo hướng bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cả người cung cấp dịch vụ và người mua bảo hiểm, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Liên quan đến doanh nghiệp bảo hiểm và quản trị doanh nghiệp bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải đánh giá kỹ lưỡng kết quả thực hiện Đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào quản trị của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm mà cần nâng chuẩn hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, không chấp nhận các doanh nghiệp kinh doanh dưới chuẩn (cả về vốn, quản trị…)
Bộ Tài chính cần tiếp thu thêm vấn đề này, như dự thảo hiện nay theo Chủ tịch Quốc hội “chưa thuyết phục lắm”. Ví dụ kiểm toán nội bộ thì có nhiều mô hình, các luật hiện hành liên quan đến đầu tư kinh doanh đã rõ rồi.
Chắc chắn không có đại biểu nào chấp nhận lý do này
Về thời điểm có hiệu lực của Luật sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ đề nghị lấy mốc thời gian là 1.7.2023, tức là hơn một năm sau khi được Quốc hội thông qua. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, giải trình của Chính phủ về vấn đề này không thuyết phục. “Không có lý do gì để kéo dài như vậy”, ông nói.
Chưa kể, lẽ ra, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì tất cả các dự thảo văn bản hướng dẫn đã phải được trình Quốc hội kèm theo dự thảo Luật. “Chắc chắn không có đại biểu nào chấp nhận lý do này. Tôi đề nghị hiệu lực thi hành Luật là 1.1.2023. Bắt đầu từ bây giờ, các cơ quan phải dự thảo văn bản hướng dẫn đi, sau khi Quốc hội thông qua (dự kiến kỳ họp tháng 5.2022), còn tới 6 tháng để ban hành văn bản hướng dẫn”, ông Huệ nói. “
Không thể lấy lý do không ban hành kịp văn bản hướng dẫn để chậm trễ áp dụng luật được, nhất là trong thời gian tới đây chúng ta vừa phải phòng, chống dịch vừa phải phục hồi, phát triển kinh tế thì việc có một luật mới được ban hành có thể đẩy thị trường lên cũng là một giải pháp thiết thực cho việc phục hồi kinh tế hậu đại dịch”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.