THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:16

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Nâng cao chất lượng lao động, "chìa khóa" làm chủ cách mạng 4.0”

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời phỏng vấn báo Lao động & Xã hội (Báo điện tử Dân Sinh) - Ảnh: Văn Giáp

 

Trải lòng về một năm qua, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH với phong thái nhanh nhẹn, dứt khoát thường ngày: “Chưa thể nói là tất cả đều hoàn hảo, nhưng quan trọng hơn, tôi và lãnh đạo Bộ đều tin tưởng, việc quản lý điều hành đã đi đúng hướng…”- Bộ trưởng Dung mở đầu câu chuyện.

Nhớ lại những ngày “tổng lực” cho Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2017), ông không giấu nổi niềm vui: “Năm 2017 là năm “Đền ơn đáp nghĩa”, đến giờ phút này, chúng ta có thể thở phào nhẹ nhõm rằng, ngành LĐ-TB&XH đã hoàn thành một năm tri ân, để tự tin bước những bước vững chãi trên hành trình mới của năm 2018, và cố gắng hoàn thành toàn diện mọi nhiệm vụ được giao”.

Trong không khí đầu Xuân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dành nụ cười thân thiện và bắt đầu câu chuyện với chúng tôi.

1.250 hồ sơ người có công tồn đọng: bằng ấy hồ sơ là bằng ấy cuộc đời

- Khép lại một năm, “dồn sức” cho các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ, như  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, chúng ta tổ chức rất thành công, “làm rung chuyển mọi tấm lòng người dân”. Bộ trưởng có hài lòng với công tác tổ chức lễ kỷ niệm?

Phải khẳng định, trước tiên đây là một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước, của nhân dân, nhằm thực hiện lời dạy của Bác tri ân người có công. Cũng là dịp để chúng ta bày tỏ trách nhiệm bằng những việc làm thiết thực, đền ơn đáp nghĩa đến những người đã hi sinh cho sự trường tồn của dân tộc.

Việc chuẩn bị cho kỷ niệm 70 năm, chúng ta chuẩn bị với tâm thế chủ động, và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Hàng loạt các hoạt động tiêu biểu, thiết thực như thăm hỏi, tặng quà, xây nhà cho người có công, tôn tạo tượng đài, xác nhận và giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng, tổ chức lễ mít tinh quốc gia.v.v… 

Không chỉ thế, năm 2017 ngành LĐ-TB&XH đã hoàn thiện khối lượng khổng lồ về thể chế. Một năm ngành phải “gồng mình” lên trong công việc. Một năm chúng ta chọn chủ đề “Đền ơn đáp nghĩa”; tập trung đẩy mạnh quản lý Giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng CNTT. Nay chúng ta đã hoàn thành 100% các chương trình, đề án được giao. Không nhiệm vụ nào tồn đọng!

Năm qua, giải quyết được 1.250 hồ sơ người có công tồn đọng, bằng ấy hồ sơ là bằng ấy cuộc đời- với cách làm sáng tạo quyết liệt, nhưng dân chủ, minh bạch trong nhân dân... Cũng nhân dịp này, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều các văn bản, chính sách liên quan đến người có công.

Đặc biệt Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 14-CT/TW của Ban Bí thư, về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng; đã quyết định dành ra hơn 11 ngàn tỷ để năm 2018 giải quyết căn bản việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công theo quyết định 22 của Thủ tướng… Đây là những việc làm rất có ý nghĩa, được nhân dân thừa nhận.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “ Bộ LĐ-TB&XH, các cấp, các ngành đã có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, thiết thực, chăm sóc người có công, trở thành phong trào quần chúng lan tỏa sâu rộng, đến từng ngõ xóm, làng xã, và từng gia đình…”, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội nhân Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (Ảnh trong bài: Văn Giáp - Mạnh Dũng)

 

- Thực tế, vẫn còn đó nhiều gia đình người có công còn khó khăn mà chúng ta phải quan tâm, giải quyết. Quá trình đi địa phương, sâu sát cơ sở, gia đình người có công đã gửi gắm lòng tin với ông những gì?

Đi cơ sở gặp nhiều hoàn cảnh lắm. Có những mẹ Việt Nam anh hùng, sau khi gặp rồi, về day dứt mãi.Vì Mẹ đã hi sinh cả cuộc đời vì dân vì nước- mất đi người chồng, người con, nhưng nhiều khi chỉ thiếu sót rất nhỏ đã làm Mẹ không vui.

Có nhiều Mẹ bảo rằng, mẹ chỉ có một tâm nguyện thôi, gửi gắm đứa con, thậm chí đứa cháu, đứa chắt… cả đời tôi hi sinh nhưng đến nay, có mỗi đứa cháu đã tốt nghiệp đại học không có công ăn việc làm. Ngay lập tức, bàn với cơ quan chức năng, rồi trong ngành xử lý. Một vài tuần sau, nhận được điện thoại của gia đình cảm ơn. Những lúc đấy vui lắm!

Rồi hoàn cảnh một chị thanh niên xung phong khi tôi đến, chị nằm liệt giường liệt chiếu, mái nhà dột nát, hết áo mưa này đến áo mưa khác buộc chồng lên nhau để che chắn mưa. Hỏi ra mới biết, đang chờ hỗ trợ theo quyết định 22. Nếu chờ thì bao giờ mới có nhà đây. Khi đó, cả đoàn quay sang nhìn nhau, không ai bảo ai, mỗi người bỏ ra một ít đem theo, giao ngay cho lãnh đạo địa phương đi cùng để lo lợp mái nhà, sửa nhà cho chị. Địa phương thấy thế, cũng chung tay vào cuộc, chỉ sau một tháng nhận được thông tin là chị đã có nhà mới.

“Những ngày cận tết này, nhận được rất nhiều thư cảm ơn của các bậc lão thành, thân nhân các gia đình liệt sĩ, của những người mà ngành Lao động-TB&XH đã cùng góp phần giải quyết, trả lại niềm tin, quyền lợi cho họ- những lời cảm ơn ấy, chính là những món quà vô giá, không gì sánh được dành cho những người đang làm công tác ngành Lao động-TB&XH”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Việc giải quyết hồ sơ tồn đọng cũng vậy. Khi ngồi duyệt, khó cầm được nước mắt. Có liệt sĩ hi sinh đã 86 năm như cụ Nguyễn Văn Sớm, quê xã Chánh Hội (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) cán bộ tuyên truyền xã hi sinh năm 1931… Nếu đấy là ông, là cha mình, mình chịu được nỗi đau hơn 80 năm thế này không?

Thú thật với anh chị em, tôi nói thế này: cứ giải quyết được một trường hợp hồ sơ tồn đọng, trong tôi đan xen cảm xúc, vừa vui, vừa buồn vừa day dứt.

Hôm trước, tại lễ trao bằng Tổ Quốc ghi công, có lẽ suốt cuộc đời không thể quên hình ảnh Mẹ VNAH người miền nam, trong ngày tháng 7/2017 ấy, đã cùng đoàn con cháu ra nhận bằng Tổ quốc ghi công của chồng mình... Mẹ cứ ôm cái bằng khư khư trong lòng, rồi dẫn đầu đoàn con cháu vào viếng Bác, nói rưng rưng: “Tôi cùng ông ấy và cháu con vào viếng Người...” Làm sao chúng ta có thể quên được!

1.250 hồ sơ được xác nhận liệt sĩ vừa qua hầu hết là những trường hợp không còn giấy tờ, nhưng chúng ta lần lượt bổ sung hồ sơ, xác minh, cùng cách làm sáng tạo để giải quyết được, đã củng cố niềm tin của nhân dân. Hay là biết bao vụ việc kéo dài - có nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan…

Tất cả những vấn đề đó, chúng ta giải quyết được cơ bản trong năm qua, thì đấy là nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị. Đó cũng chính là một trong những thành công lớn của đợt kỷ niệm 70 năm ngày TB-LS.

Để giải quyết được những công việc như vậy, chúng tôi không phải chỉ gặp gỡ, làm việc với địa phương, mà còn gặp nhiều thân nhân gia đình NCC, trực tiếp lắng nghe tâm nguyện của họ; rồi thông qua việc xử lý các cuộc khiếu kiện đang kéo dài; những trường hợp mà thân nhân đủ điều kiện nhưng vì nhiều lý do khác nhau chưa được công nhận; thế rồi hàng ngày, khoảng 50- 60 đơn thư gửi đến tôi. Trực tiếp đọc tất cả các lá đơn đó, thấy nhiều việc chúng ta phải day dứt, đau lòng và phải tìm cách xử lý ngay…

Đổi mới Giáo dục nghề nghiệp: chuyển biến quan trọng

- Mới chỉ một năm nhận nhiệm vụ thống nhất thực hiện chức năng quản lý Giáo dục nghề nghiệp, ngay lập tức đã có những bước vận hành và phát triển, nhất là sau khi Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời. Bộ trưởng có thể cho biết rõ hơn những chuyển biến trong lĩnh vực này?

Tôi chưa thật sự hài lòng với những gì đã làm và đang có. Nhưng khách quan mà nói, sau một năm nhận trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về Giáo dục nghề nghiệp, chúng ta đã làm được nhiều việc cần phải ghi nhận.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi, trò chuyện cùng sinh viên trường Cao đẳng nghề Bà Rịa - Vũng Tàu

 

Trước hết, đã xây dựng được một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tương đối đồng bộ; tham gia trình Thủ tướng Chính phủ  ban hành được khung giáo dục quốc dân, góp phần tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương đưa thành một nội dung trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 về định hướng trong quản lý Giáo dục nghề nghiệp.

Thứ 2, bước đầu định hướng, quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới theo hướng tinh gọn. Năm qua, giảm được 252 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp các loại. Sắp xếp lại các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cấp huyện, rồi tích hợp lại 3 trong 1; siết lại một số trường nghề; Tiến hành giải thể, hoặc sáp nhập một số trường hoạt động kém hiệu quả.

Thứ 3, năm qua về tuyển sinh đạt 102%, thì đây là thành công rất lớn. Thế rồi, Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng Giáo dục nghề nghiệp, rồi đề án quy hoạch cũng đã được trình.

Thứ 4, nhiều trường đã dám đảm nhận tự chủ, và kết nối với doanh nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều trường cam kết sinh viên ra trường không có việc làm, nhà trường trả học phí. Như vậy, các giải pháp trong Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng Giáo dục nghề nghiệp, nhất là ba khâu đột phá đã từng bước được thực hiện.

Đổi mới Giáo dục nghề nghiệp phải có hàng chục năm, ngay cả những nước phát triển về Giáo dục nghề nghiệp trên thế giới cũng như vậy. Không thể nôn nóng được. Không thể như ông Bụt hiện lên hô “biến” một cái mà xong được. (Cười)

Tôi cho rằng, trong bối cảnh và cơ chế thị trường hiện nay, hệ thống Giáo dục nghề nghiệp bước đầu đạt được như vậy, mà mới chỉ vẻn vẹn một năm, thì đó là chuyển biến quan trọng.

Tuy nhiên, cũng không hoàn toàn hài lòng về điều này, bởi lẽ, chất lượng Giáo dục nghề nghiệp trong chừng mực nào đó vẫn phải chú ý. Giáo dục nghề nghiệp cũng như giáo dục chung thôi, chưa thật sự gắn kết với thị trường. Chúng ta đang thiếu một chiến lược phát triển nguồn nhân lực, và dự báo cung cầu lao động, nhất là chuyển dịch lao động và yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0.

Nói thế để thấy, năm 2018, 2019 phải coi đây là một trọng tâm - dày công tìm tòi, triển khai các giải pháp mạnh để tiếp tục đẩy lĩnh vực này lên.

- Bộ trưởng vừa nhắc đến cách mạng công nghiệp 4.0, lĩnh vực học nghề chắc chắn sẽ chịu tác động lớn? Làm thế nào để “hóa giải” những thách thức này?

Câu chuyện nhân lực 4.0 là một câu chuyện lớn, là vấn đề đại sự quốc gia rất đáng để bàn. Phải bàn về nguồn nhân lực một cách bài bản, chứ không phải chỉ nói về mỗi Giáo dục nghề nghiệp không thôi. Bởi lẽ nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng lao động, chính là “chìa khóa” để làm chủ cách mạng 4.0. Giáo dục nghề nghiệp chỉ là 1 góc độ rất nhỏ. Bàn về nhân lực trong thời kỳ 4.0 phải bàn một cách căn cơ, có chiến lược.

Từ việc cái gì là cốt lõi của 4.0? Theo tôi chỉ có hai chuyện thôi. Đó là công nghệ và con người! Chúng ta phải nhìn rất căn bản vấn đề này. Nhân lực VN chưa sẵn sàng. Chúng ta có tiến bộ, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu 4.0.

Không có nhân lực thì khó có thể hội nhập và đón đầu “làn sóng” 4.0. Nếu không chủ động sẽ mất thời cơ và phải gánh chịu hệ lụy lớn, nhất là các ngành thâm dụng nhiều lao động. Vì vậy, các trường phải tiên phong trong lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết ngành cũng đã yêu cầu ngành chỉ đạo hệ thống Giáo dục nghề nghiệp phải thay đổi tư duy hoạt động, đổi mới theo hướng tự chủ, gắn với doanh nghiệp, chuẩn hóa và gắn với công nghệ mới, nhất là CNTT. Đây là những định hướng rất lớn, ngành sẽ xây dựng để triển khai càng sớm, càng tốt.  

Làm bằng được, dứt khoát phải chuyển động

- Xin được chuyển sang lĩnh vực xuất khẩu lao động, vốn cũng được Bộ trưởng dành rất nhiều tâm sức. Từ việc trực tiếp đi đàm phán, tháo gỡ khó khăn để thị trường Hàn Quốc tiếp nhận lại lao động Việt Nam, đến việc Ký kết thỏa thuận MOC với Nhật Bản… Bộ trưởng có thể chia sẻ câu chuyện đàm phán với Nhật vừa qua, để đi đến ký kết với thị trường lao động vốn rất khó tính này?

Đấy là chuyến tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (6/2017) đi thăm và làm việc với Nhật Bản. Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến lao động Việt Nam sang Nhật làm việc.

 

Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Nhật Bản Shizo Abe chứng kiến Lễ ký Bản Ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Tư pháp; Bộ Lao động - Y tế - Phúc lợi; Bộ Ngoại giao của Nhật Bản.

 

Phải nói rằng, công tác cử người đi thực tập sinh, rồi lao động nước ngoài với Nhật lâu nay đã có, xuất phát từ nhu cầu của cả hai phía. Tuy nhiên, nhiều năm liền, chúng ta ký kết với JITCO- Cơ quan hợp tác tu nghiệp quốc tế tại Nhật Bản. Tức là chưa từng ký với cơ quan Nhà nước của Nhật.

Về vấn đề này, chúng tôi có trao đổi với Bộ Y tế, lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản, rằng phía Việt Nam không muốn dừng lại ở ký kết thông qua Hiệp hội, mà mong muốn ký kết ở cấp quốc gia. Đấy là cuộc đàm phán không thể nói một câu là xong. Phải bàn đi, bàn lại, trao đổi đi trao đổi lại. Cuối cùng chúng ta đạt được bản Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) giữa Việt Nam- Nhật Bản, với sự chứng kiến của Thủ tướng hai quốc gia.

Bản ghi nhớ đã mở ra một thị trường đầy tiềm năng, chất lượng tốt, thu nhập ổn định. Từ chỗ VIệt Nam chỉ có khoảng 20 ngàn lao động sang Nhật, năm 2017 đạt tới 59 ngàn lao động. Và thời gian hợp đồng sang Nhật không phải chỉ 3 năm nữa, mà là 5 năm. Hiện phía Nhật lại đưa ra nhu cầu tuyển điều dưỡng viên. Và ngay trong tháng 1/2018, chúng ta đang tiếp tục bàn mở 1 mã ngành, mã nghề mới đó là môi trường.

Năm 2017, về xuất khẩu lao động đạt kỷ lục mới, “cán mốc” 134 ngàn người, vượt 128% kế hoạch. Không chỉ thế, xuất khẩu lao động đang chuyển dần tỷ trọng vào các thị trường thu nhập cao khác như Đức, Hàn Quốc, Austrialia… và cũng không chỉ dừng lại ở mục tiêu là việc làm và thu nhập…

- Đấy là những thành công lớn của ngành năm qua, nhưng còn về cải cách hành chính vẫn đang… ì ạch. Khẳng định sẽ quyết tâm đẩy mạnh lĩnh vực này trong năm 2018, Bộ trưởng có lo sẽ không thực hiện được?

Nói “không lo” thì không đúng. Nếu chỉ nói “lo” suông, rồi ngồi đấy mà “lo” thì làm thế nào được! Với tiềm năng con người thế này. Quyết tâm chính trị có thừa. Cơ sở vật chất, phương tiện cho phép. Tại sao chúng ta không làm được!

Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2018.Ví dụ, giờ chúng ta có 240 thủ tục hành chính cần công khai. Thế thì phải phấn đấu! Năm 2018, phải đặt ra chỉ tiêu tối thiểu đạt được bao nhiêu? Giao chỉ tiêu cho từng địa phương, từng cục, vụ, từng đơn vị, nếu không thực hiện được nhiệm vụ cải cách hành chính gắn với CNTT thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Sở dĩ vừa qua không làm được, là do chúng ta tản mát như giỏ khoai tây. Mạnh anh nào anh nấy làm. Thiếu một nhạc trưởng chỉ đạo. Muốn bứt phá, rõ ràng toàn Bộ, toàn ngành phải quyết tâm thực sự, phải có mục tiêu rõ ràng, giải quyết từng việc một, việc gì trước, việc gì sau. Bộ đã chỉ ra được vấn đề này.

Tôi tin rằng hết 2018, Bộ không còn ở thứ hạng như trước đây. Còn “đứng” ở đâu, không bàn đến, nhưng dứt khoát phải có sự chuyển động, để tạo ra hiệu quả nhất định, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Đó phải là điều tiên quyết!

- Vậy, với tâm thế luôn mang trong mình “trăn trở nợ dân”, năm 2018 đâu sẽ là những ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng?

Thể chế, thể chế và thể chế! Xây dựng thể chế luôn phải đặt lên hàng đầu!

Tiếp nữa là tất cả các lĩnh vực của ngành đều phải tập trung một cách toàn diện, và điều này đã nêu rõ trong các chỉ tiêu, kế hoạch của ngành năm 2018, nên ở đây tôi chỉ nêu một số lĩnh vực nổi bật: sẽ tập trung cao cho Giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động.

Tiếp đó là công cuộc cải cách hành chính và CNTT, để tác động cho các nhiệm vụ của ngành được thúc đẩy, tạo cho ngành chuyển động một cách thực chất, bền vững và hiệu quả!

Về lĩnh vực người có công, năm 2018 hiện đang làm tiếp đợt thứ 4 về giải quyết hồ sơ tồn đọng, dự kiến trao vào dịp 30/4 , vẫn là hồ sơ cấp tỉnh. Sau đó, sơ kết việc thực hiện Quyết định 408 xử lý cụ thể hồ sơ tồn đọng, để nghiên cứu mở rộng địa bàn xuống cơ sở, phấn đấu đến năm 2020 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng theo chỉ thị 14 của Ban Bí thư.

Cũng ngay trong quý I/ 2018, sẽ tiến hành làm điểm, giải quyết chính sách đối với cựu thanh niên xung phong ở 3 địa phương: Nghệ An, Bình Định và Quảng Ngãi. Sau đó, sẽ rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung các quy trình cụ thể để triển khai đồng loạt trên cả nước. Đến năm 2020 cũng sẽ giải quyết căn bản hồ sơ này.

Cùng với đó, việc căn bản của năm 2018, là đánh giá một cách toàn diện việc thực hiện chính sách Người có công trên cả nước, từ đó cập nhật, bổ sung thay thế và trình với UB Thường vụ Quốc hội cho sửa đổi toàn diện Pháp lệnh Người có công theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư và của Chính phủ.

Về xuất khẩu lao động, bên cạnh duy trì các thị trường truyền thống, sẽ mở rộng một số thị trường mới. Đã có kế hoạch rồi. Phải hướng mạnh theo hướng Đề án “Đưa người có trình độ cao đi học tập, lao động và công tác tại nước ngoài”.

Tôi dùng từ nhé, vế thứ nhất là: đi “học tập” này, “lao động” này, “công tác” ở nước ngoài này; vế thứ 2 là “Người có trình độ cao”. Có 2 vế đó, với 1 tính chất chiến lược, để không chỉ nghĩ đến việc làm và thu nhập, mà phải nghĩ đến chiến lược nhân lực dài hơn cho đất nước.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 

“Về lĩnh vực Người có công với cách mạng, tuy năm 2018 không xác định là khâu đột phá, nhưng thực chất, trong tâm thức và trong chỉ đạo điều hành vẫn coi đây là một việc trọng tâm, và phải làm với một tinh thần vào cuộc quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, và minh bạch hơn trong nhân dân. Để tất cả Người có công sớm được hưởng chính sách, đồng thời, đấu tranh không khoan nhượng với trục lợi chính sách. 

Rồi giải quyết công ăn việc làm, mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, xóa đói giảm nghèo… là những thách thức lớn, đặt lên vai ngành Lao động-TB&XH những nhiệm vụ nặng nề. Đây cũng chính là trăn trở lớn của tôi khi nhận trách nhiệm trước Đảng, Quốc Hội, Chính phủ và trước nhân dân”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

 

 

THANH NHUNG (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh