CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:10

Tên các Anh đã thành tên Đất nước

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dự lễ an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Viêt Nam hi sinh tại Lào về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Nghi Lộc, Nghệ An tháng 5/2017.

 

Hành trình tri ân không có điểm dừng…

Những ngày tháng 7, phóng viên báo, đài rất khó có thể gặp Tư lệnh ngành Đào Ngọc Dung để thực hiện một cuộc trò chuyện nhân ngày 27/7 này. Sáng vừa thấy ông ở Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào Sân bay Biên Hòa Tết Mậu Thân 1968; chiều đã thấy ông thị sát hiện trường tìm kiếm hài cốt liệt sĩ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Hôm sau, ông đã có mặt ở Phú Thọ thăm thương bệnh binh, tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), thương bệnh binh; rồi lại thấy ông đi thăm, tặng quà gia đình người có công (NCC) Hà Nam, Nam Định; cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước có mặt ở khu di tích huyện Côn Đảo- nơi khắc tên, lưu danh hàng ngàn liệt sĩ trong cả nước; nơi vẫn còn đó dấu tích oai hùng, các trại giam của nhà tù Côn Đảo, nơi từng giam giữ các đồng chí cách mạng kiên trung của Đảng… Những chuyến đi, những hành trình tri ân các liệt sĩ dường như không có điểm dừng.

Gặp ông được ít phút ở một hội nghị, cũng chỉ kịp nghe người đứng đầu ngành chia sẻ ngắn gọn: “Công việc tri ân có nặng dày sâu nặng đến bao nhiêu, cũng khó bù đắp hết những mất mát hi sinh…” Không ai nhớ mặt đặt tên, nhưng các Anh đã làm nên Đất nước!

Dẫu phóng viên chúng tôi có nhiều dịp theo chân Bộ trưởng Dung trong những chuyến đi thăm, tri ân, và dù mỗi một chuyến đi đều đem lại những cảm xúc khác nhau, nhưng trong ông vẫn luôn vẹn nguyên quyết tâm: “Dù còn một manh mối nhỏ nhất cũng tìm bằng được các anh, các chị. Phải làm hết sức mình, càng sớm càng tốt để tìm được các chiến sĩ về mái nhà chung”.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi, tri ân NCC tỉnh Quảng Ngãi, tháng 7/2017.

 

Dịp này, người ta thấy ông rất vui, sau những nỗ lực của ngành trong vấn đề giải quyết hồ sơ tồn đọng NCC, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 989/QĐ-TTg cấp Bằng "Tổ Quốc ghi công" cho 498 liệt sĩ, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày mà 70 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn “một ngày làm ngày để cả nước nhớ và tri ân các thương binh, tử sĩ”. 498 liệt sĩ được cấp Bằng "Tổ Quốc ghi công" đợt này phần lớn đều đã hy sinh vài chục năm, có những trường hợp nằm trong những nghĩa trang liệt sĩ nửa thế kỷ, nhưng lại chưa được công nhận… liệt sĩ.

Thậm chí có cả chiến sĩ cách mạng hy sinh nằm trong nghĩa trang liệt sĩ đã 75 năm, đó là liệt sĩ Đặng Văn Tiết quê Long An, bị địch bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh cách đây 75 năm không có một giấy tờ gì, qua xác minh thông tin tại nhà tù, đồng thời được sự tôn vinh của các bậc lão thành cách mạng và nhân dân đã lập hồ sơ xác nhận liệt sĩ, giờ mới chính thức được vinh danh, tri ân. Việc xác minh công nhận liệt sĩ cho chiến sĩ Đặng Văn Tiết từng được báo chí viết nhiều và dư luận đánh giá cao.

Còn nhớ, tại lễ trao Bằng Tổ Quốc ghi công tới đại diện 498 gia đình liệt sĩ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã biểu dương những nỗ lực và quyết tâm của Bộ LĐ-TB&XH và các địa phương trong việc khẩn trương thực hiện các thủ tục xác nhận, giải quyết hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh, nhằm đảm bảo chính sách đền ơn đáp nghĩa tới được với tất cả người có công trong cả nước.

Đây là niềm cổ vũ tinh thần to lớn đối với những người công tác trong ngành LĐ-TB&XH, đã âm thầm nỗ lực ngày đêm để đạt được mục tiêu phấn đấu tới năm 2020 giải quyết được các hồ sơ còn tồn đọng; 100% người có công có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống tối thiểu của người dân nơi cư trú; quyết tâm giải quyết việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin...

Giải quyết hồ sơ tồn đọng NCC: trả lại tên cho Anh

Để giải quyết được 498 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ kể trên không hề dễ dàng, kể cả những trường hợp chiến đấu, rồi anh dũng hy sinh, đồng đội, nhân dân đều biết, được nghe nói đến nhưng vẫn phải cần những quyết tâm, cố gắng rất lớn trong xác minh, cân nhắc vì có những hồ sơ phải mất cả năm trời để giải quyết, nhiều lúc tưởng như bế tắc. Đúng như tâm sự của người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, giải quyết chính sách hồ sơ tồn đọng NCC, là công việc “khó khăn nhất, gai góc nhất, thách thức lớn nhất” .

Những khó khăn ấy, với người dân, có lẽ ai cũng hiểu, nhưng lòng mong mỏi để được thấy các anh hùng liệt sĩ, các gia đình người có công sớm được thỏa lòng đã đặt lên vai toàn thể các cấp các ngành, từ trung ương đến địa phương nói chung cần phải nhanh chóng và tìm kiếm nhiều cách “gỡ khó”, nhanh chóng xác nhận hồ sơ tồn đọng một cách chính xác nhất và hợp lòng dân.

“Khó khăn lắm chứ”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung không khỏi băn khoăn, vì trải qua các thời kỳ kháng chiến, chiến tranh khốc liệt, lâu dài, nhiều cơ quan quản lý thay đổi, người hy sinh, bị thương không còn lưu giữ được hồ sơ, bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ lên đường không bao giờ nghĩ đến giấy tờ riêng cho mình và cũng không giữ được giấy tờ gốc...

 

Bộ trưởng thăm các thương, bệnh binh nặng đang điều dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng người có công Phú Thọ.

Mặc dù các cơ quan chức năng trong nhiều năm qua đã hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu, ban hành các chính sách để xác nhận người có công không còn căn cứ, giấy tờ gốc bằng nhiều hình thức nhưng vẫn chưa thật sự mang lại kết quả như mong muốn, nguyện vọng của người có công và thân nhân.

 “Đặc biệt là đối với những trường hợp hy sinh đã mấy chục năm trôi qua, gia đình và người thân khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh. Đây là một điều trăn trở và day dứt đối với thế hệ chúng ta, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Còn nhớ, mới đây nhất, Bộ trưởng thông tin một vài trường hợp nữa, khá “nan giải”. Đó là vừa qua, lãnh đạo hai Bộ LĐ-TB&XH - Công an ngồi rà soát lại các hồ sơ đề nghị công nhận là liệt sĩ, mới thấy còn nhiều trường hợp nữa nằm trong nghĩa trang cùng các đồng đội, nhưng bản thân họ vẫn không được công nhận liệt sĩ. “Cùng trong nghĩa trang, bên cạnh là 3 đồng đội được công nhận liệt sĩ - họ cùng hi sinh trong một trận chiến, nhưng đến nay một người trong số đó vẫn chưa được công nhận. Chỉ vì không có căn cứ, không có hồ sơ, không người làm chứng… Xử lý sao đây? Khó khăn vô cùng”- Bộ trưởng trăn trở.

Cũng theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, mỗi trường hợp là một thách thức khác nhau. Mỗi trường hợp là một bài toán phải giải quyết khác nhau. Để giải quyết những trường hợp mang tính cá biệt này, toàn ngành LĐ-TB&XH đang áp dụng Quy trình 408 (QĐ 408/QĐ-TTg ngày 20/3/2017 do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ký ban hành), xử lý các hồ sơ có tính chất cụ thể.

Vì rằng, những trường hợp nêu trên chỉ là phần nhỏ trong hàng nghìn trường hợp chưa được xác nhận liệt sĩ do vướng mắc về giấy tờ, thủ tục. “Nhiều thân nhân liệt sĩ cũng đã mất hoặc tuổi đã cao, sức yếu không thể đi lại lo thủ tục được, cũng không còn nhiều thời gian để chờ đợi”- Tư lệnh ngành Đào Ngọc Dung nói.

Với sự vào cuộc quyết tâm, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các Sở LĐ-TB&XH địa phương, phối hợp các bộ, ngành có liên quan trong việc xem xét giải quyết hồ sơ xác nhận liệt sĩ nói chung và theo quy trình giải quyết tồn đọng nói riêng. Do đó, “kết quả 498 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ vừa qua chính là hành động thiết thực nhất, ý nghĩa nhất, bày tỏ tấm lòng thành kính, một nén tâm nhang của thế hệ đi sau của chúng tôi - những người làm công tác thương binh liệt sĩ đối với những anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trân trọng nói.

Việc “trả nợ” này là mãi mãi

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hàng trăm nghìn mộ liệt sĩ chưa biết tên, chưa được quy tập. Thân nhân, đồng đội luôn mong mỏi được đón các liệt sĩ trở về quê hương an nghỉ. Biết bao câu chuyện cảm động, đẫm nước mắt diễn ra trong suốt hành trình đi tìm người thân. Có những người mẹ VNAH, gần trăm tuổi, nước mắt tưởng như đã không còn để khóc, bỗng nhòe đi và rơi ướt tấm khăn bao bọc phần hài cốt của con khi đón con về…

 

Bộ trưởng thăm hỏi, chia sẻ với thân nhân gia đình đại tá phi công Trần Quang Khải, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bay huấn luyện chiến đấu tại vùng trời Thanh Hóa và Nghệ An.

 

Tư lệnh ngành chia sẻ, trong những lần ông đến thăm các mẹ VNAH, các mẹ nắm tay ông mừng tủi, đặt tất cả niềm tin vào những người đang ngày đêm âm thầm tìm kiếm để đưa các anh trở về, mới thấy hết xót xa nỗi lòng người mẹ mỏi mắt chờ con. Còn đó những người mẹ vẫn đang mòn mỏi ngóng trông được đón di cốt chồng, con trở về với gia đình, với quê hương.

Thi thoảng, trong những chuyến tri ân, bất giác người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH lại chia sẻ hình ảnh những ngày tháng bé thơ, “vẫn thường thấy các anh chiến sĩ trong làng ra trận, tuổi chưa đến đôi mươi, đúng như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã tả “Chúng con lớn nới từng quai súng mới…” nhưng lần lượt các anh không trở về”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ngậm ngùi.

Và không phải thân nhân nào cũng kiếm tìm được liệt sĩ về với gia đình, với quê hương. Các anh vẫn còn lưu lạc đâu đó trên mọi miền Tổ quốc, quạnh quẽ nơi góc rừng, chân núi xa xôi. Những lúc ấy, ông lặng lẽ thắp lên bàn thờ các liệt sĩ khi đến thăm gia đình, thân nhân một nén nhang thơm, cầu chúc các anh trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình…

Do đó, việc tìm kiếm, xác định và quy tập mộ liệt sĩ đang đòi hỏi phải được thúc đẩy thật nhanh chóng và mạnh mẽ, bởi càng để lâu, cơ hội càng giảm xuống. Bộ trưởng LÐ-TB&XH Ðào Ngọc Dung khẳng định, Bộ sẽ nỗ lực để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 sẽ xác định bằng phương pháp thực chứng 7 nghìn hài cốt liệt sĩ, bằng phương pháp giám định ADN 70 nghìn hài cốt liệt sĩ.

Đến tháng 9/2017 sẽ hoàn tất các bước để ra đời ngân hàng gene hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ, phục vụ so sánh, đối chiếu, xác định thông tin. Từ những nỗ lực này, nhiều gia đình sẽ có thêm cơ hội tìm được hài cốt của người thân với độ chính xác cao. Những nỗ lực ấy, toàn ngành LĐ-TB&XH bền bỉ ngày đêm cố gắng hoàn tất thực hiện, để trả món nợ ân tình với cha anh, hằng mong đem lại niềm an ủi lớn nhất cho các thân nhân liệt sĩ vợi bớt nỗi đau trong thời bình.

Chia sẻ những khó khăn này, Tổng biên tập Báo Đại đoàn kết Hồng Thanh Quang tâm tình: “Ở trên đời mắc nợ lớn nhất là nợ ân tình. Chỉ có nợ tình mới là nợ tốt. Bởi càng trả nợ thì càng "mắc nợ". Và sự "mắc nợ" đó làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Diễn giải một cách hình ảnh, công việc chính của Bộ là trả nợ tình”.

“Như Bộ trưởng Đào Ngọc Dung vừa nói, càng giải quyết nhiều trường hợp NCC, càng thấy còn nhiều trường hợp nữa cần phải làm, phải “trả nợ”. Việc “trả nợ” này là mãi mãi, đòi hỏi sự kiên nhẫn, đòi hỏi sự thiện tâm của những người thực hiện nhiệm vụ này - nhiều khi là thầm lặng, của các anh chị, lãnh đạo Bộ LĐ- TB&XH”, nhà báo Hồng Thanh Quang, Tổng biên tập Báo  Đại đoàn kết chia sẻ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh