THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:55

Khẩn trương sửa Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

 

Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.

Năm 2016 vượt kế hoạch XKLĐ

Báo cáo với Bộ trưởng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết: “Số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2014 lần đầu tiên vượt mốc 100.000 người/năm, năm 2015 là hơn 110.000 người”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Tôi đi nhiều nơi thấy một số thôn, xã…. xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ thành quả xuất khẩu lao động cả đấy”

Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Ngọc Quỳnh, thời gian qua, việc đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài đạt được những chuyển biến mạnh: số lượng LĐ tăng dần theo hàng năm; chất lượng LĐ đi làm việc ở nước ngoài không ngừng được nâng cao; hoạt động của DN dần đi vào nề nếp… “Trong giai đoạn 2010- 2015, tổng số LĐ đi làm việc ở nước ngoài xấp xỉ 450 nghìn người, riêng 2 năm 2014-2015 mỗi năm cả nước đưa được trên 100 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài”, ông Quỳnh cho biết.

Năm 2016, kế hoạch XKLĐ được giao là 100.000 LĐ, nhưng mới tới giữa  tháng 11 đã có 108.530 LĐ đi làm việc ở nước ngoài. Dự kiến cả năm có khoảng 115.000 người đi XKLĐ. 

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, ông Quỳnh cũng thừa nhận vẫn còn những khó khăn. “Trong những năm qua, thị trường Nhật Bản tiếp nhận nhiều LĐ nên số lượng DN tham gia cung ứng LĐ vào thị trường này tăng lên đáng kể (năm 2013 có 100 DN, đến nay đã hơn 200). Do đó đã xuất hiện tình trạng không lành mạnh, không thực hiện tuyển chọn và đào tạo đúng quy định; nhiều thực tập sinh Việt Nam phải chịu mức phí quá cao so với quy định và so với mặt bằng chung, một số DN tuyển chọn thông qua các khâu trung gian, không kiểm soát được chất lượng LĐ và không quản lý được việc thu tiền của người LĐ”, ông Quỳnh chia sẻ.

Tính đến hết tháng 11/2016, số DN hoạt động dịch vụ đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài là 277 DN và dự kiến sẽ không ngừng tăng lên do các chi nhánh, trung tâm của các doanh nghiệp đã có giấy phép tách ra và thậm chí cả những doanh nghiệp chưa từng tham gia lĩnh vực này cũng nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép. 

Hiện nay, Cục đang nghiên cứu để đề xuất những điều kiện đối với DN hoạt động trong lĩnh vực này để đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian tới; đồng thời tổ chức hậu kiểm với các DN đã được cấp giấy phép để đảm bảo chỉ các DN đáp ứng đủ điều kiện mới tiếp tục được hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước 

Thiếu doanh nghiệp chủ lực XKLD

Đồng quan điểm với một só ý kiến của một số dơn vị thuộc Bộ về việc muốn mở rộng đối tượng, mở rộng thị trường, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, cần phải chấn chỉnh, giảm người LĐ bỏ trốn, nếu không không mở rộng được thị trường.

Sau khi nghe báo cáo và ý kiến các Cục, Vụ liên quan, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự phấn khởi khi thấy tỷ lệ LĐ đưa đi làm việc ở nước ngoài tăng trưởng khoảng 10,5 %/năm. Tuy nhiên, Bộ trưởng chỉ rõ, tiềm năng XKLĐ lớn, nhưng với 115 nghìn người đi XKLĐ là chưa tương thích. Nhu cầu người dân làm việc ở nước ngoài rất lớn, có đến 277 DN được cấp phép nhưng chỉ đưa được số lượng đó ra nước ngoài làm việc thì hiệu quả vẫn chưa cao.

“Phải chấn chỉnh”- Bộ trưởng nhấn mạnh “Dứt khoát về thể chế phải sửa đổi. Bên cạnh một số văn bản dưới luật cần nghiên cứu sửa đổi, cũng phải khẩn trương nghiên cứu để đăng ký vào chương trình xây dựng văn bản  sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng càng sớm càng tốt”.

Liên quan đến vấn đề cấp phép cho DN, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ ra hiện có 2 quan điểm, 1 là cứ DN nào đủ điều kiện là cấp phép. “Quan điểm này có cái hay là nhiều “anh” được tham gia vào thị trường LĐ, nhưng có điểm không hay là nhiều về lượng chưa chắc “tinh” về chất. Quan điểm thứ 2, chúng ta tập trung đầu tư vào một số doanh nghiệp đủ mạnh, để chi phối, điều tiết việc XKLĐ. Vì trên thực tế chúng ta thiếu DN chủ lực về XKLĐ”, Bộ trưởng nói.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu, Cục QLLĐNN phải làm rõ thêm một số vấn đề tại Hội nghị đối thoại với DN xuất khẩu LĐ sắp tới- đối thoại với tinh thần thẳng thắn, cởi mở.

Đánh giá về đóng góp của lĩnh vực XKLĐ đối với tạo công ăn việc làm, vị tổng tư lệnh ngành nói: “Tôi đi nhiều nơi, thấy một số thôn, xã…. xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ XKLĐ cả đấy". 

“Một người đi XKLĐ, ăn nên làm ra, họ lại giới thiệu cho các thanh niên khác trong làng, vì thế có những xã nông thôn mới bắt đầu từ thành quả XKLĐ. Đây cũng là cứu cánh của một bộ phận LĐ thanh niên nông thôn”, từ đó Bộ trưởng phân tích, phải đối thoại thẳng thắn với DN, rồi quan tâm vấn đề truyền thông để xã hội có cái nhìn tốt đẹp về các DN đưa LĐ ra nước ngoài làm việc- rộng đường cho DN, vừa quản lý chặt nhưng tạo điều kiện để cho DN vận hành.

“Làm thế nào để xã hội nhận thức đầy đủ, khách quan và tốt đẹp về DN. Không có DN sao đưa được LĐ đi xuất khẩu”, Bộ trưởng phân tích thấu đáo- “Mình phải tuyên dương, khích lệ các DN chứ”. Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho rằng, phải yêu cầu các DN bên cạnh việc tuân thủ các kỷ cương, nguyên tắc, cũng phải chấp hành đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người đi XKLĐ.

Cùng với đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần tìm mọi giải pháp nâng cao chất lượng LĐ đi làm việc ở nước ngoài. Xu hướng chung phải phối hợp chặt hệ thống đào tạo nghề; Về thị trường, bằng mọi giá phải giữ được các thị trường truyền thống, đồng thời mở ra các thị trường mới, mở rộng đối tượng XKLĐ; phối hợp với Văn phòng quốc gia về giảm nghèo đưa LĐ ở các huyện nghèo, bãi ngang ven biển... đi XKLĐ 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao Quyết định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với ông Nguyễn Ngọc Quỳnh

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao Quyết định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh