THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:07

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Tri ân người có công bằng lương tâm, trách nhiệm và cả tấm lòng"

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ân cần, thăm hỏi Mẹ VNAH Hoàng Thị Minh Thư tại TP. Thái Bình (Tháng 5/ 2016).

Người dân sẽ tìm kiếm thông tin liệt sĩ trên internet

Hơn 40 năm, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, để tri ân những người con đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc, độc lập dân tộc, thời gian qua công tác tìm kiếm, quy tập liệt sĩ; xác định danh tính liệt sĩ đã được đẩy mạnh. Từ năm 2005 đến nay đã tìm kiếm, quy tập được trên 70.500 hài cốt liệt sĩ, trong đó ở Lào: 16.613 hài cốt liệt sĩ; Campuchia: 15.148 hài cốt liệt sĩ; trong nước: 38.778 hài cốt liệt sĩ. Bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN đã xác định danh tính cho 3.423 danh tính liệt sĩ tới thân nhân và tổ chức gắn bia ghi tên liệt sĩ. Tuy nhiên hiện cả nước vẫn còn  khoảng 200.000 mộ liệt sĩ chưa được quy tập về nghĩa trang và 300.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Đó là điều day dứt, trăn trở nhất đối với những người thực hiện chính sách người có công.

Chính vì vậy, nhằm đưa ra những hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã và đang triển khai ứng dụng CNTT để tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, ngay từ đầu năm, Bộ đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan và thống nhất một số giải pháp, tiến độ thực hiện. Bộ đã giao Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam của Bộ làm đầu mối phối hợp với Cục người có công (Bộ LĐ-TB&XH), Cục chính sách (Bộ Quốc phòng) khảo sát thực trạng cơ sở dữ liệu.

Kết quả khảo sát cho thấy, Cục Chính sách đang quản lý khai thác các cơ sở dữ liệu bao gồm: Cơ sở dữ liệu liệt sĩ trước năm 2015, cơ sở dữ liệu liệt sĩ năm 2015 và cơ sở dữ liệu giải mã. Cục người có công đang quản lý khai thác hai cơ sở dữ liệu liệt sĩ trước năm 2015, cơ sở dữ liệu về liệt six, thân nhân liệt sĩ và mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ năm 2015. Trên từng cơ sở dữ liệu được xây dựng độc lập, riêng rẽ nên có nội dung bảo mật riêng và định dạng quy định trùng nhau của các cơ sở dữ liệu đó.

 

Lễ đón và an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia VN hy sinh tại Lào, tháng 5/2017.

Từ đó, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Viện công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam thống nhất với Cục chính sách, Cục người có công kế hoạch triển khai bắt đầu từ 17/2 đến 30/5/2017 đã có kết quả khả quan. Cụ thể, đã sử dụng siêu máy tính để chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu về quân nhân hy sinh của Cục chính sách và đối chiếu dữ liệu để lập dữ liệu trùng nhau, dữ liệu nhiễu và từ đó giúp giảm đáng kể công tác xử lý dữ liệu của Cục chính sách; đẩy nhanh việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và khối lượng tính toán lên tới 1.000 tỷ phép đối chiếu. Đồng thời xây dựng trang thông tin tìm kiếm thông tin liệt sĩ dựa trên việc tích hợp cơ sở dữ liệu của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng để cung cấp cho cơ quan chức năng thông qua một công cụ tìm kiếm duy nhất có thể tìm kiếm đầy đủ thông tin nhất về liệt sĩ.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết: Vụ Thông tin cơ sở chủ trì, phối hợp với Viện Công nghệ phần mềm và nội dung số; Cục Báo chí; Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông Việt Nam; Tổng Công ty Viễn thông MobiFone; Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội thực hiện chiến dịch tuyên truyền, giới thiệu về trang thông tin tìm kiếm liệt sĩ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và một số mạng xã hội lớn như Facebook, Zalo nhằm thu hút nhiều thành phần tham gia sử dụng công cụ tìm kiếm, từ đó sẽ giúp nhiều thân nhân tìm ra các thông tin hữu ích về liệt sĩ.

 Theo Bộ trưởng, Viện Công nghệ phần mềm và nội dung số đã xây dựng xong phần mềm tích hợp cung cấp công cụ tìm kiếm thông tin về liệt sĩ dựa trên cơ sở dữ liêuh được tích hợp từ các cơ sở dữ liệu thành phần của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng. "Đây sẽ là cơ sở đầy đủ nhất từ trước đến nay giúp cho việc tìm kiếm, đối sánh nhanh chóng. Phần mềm cũng cung cấp các công cụ giúp hai Bộ (Quốc phòng và LĐ-TB&XH) thu nhận các thông tin về liệt sĩ từ nhân dân cũng như cung cấp thông tin về liệt sĩ cho nhân dân thông qua Internet”.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết thêm, ngày 22/6 vừa qua, Viện công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam đã có cuộc họp với đại diện Cục chính sách và Cục người có công , Cục tin học hóa (Bộ TT&TT) để báo cáo và trình diễn phần mềm tích hợp và phần mềm đã chạy thành công trên các số liệu mà Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng cung cấp. Sau khi hoàn thành phần mềm, Cục người có công và Cục chính sách sẽ bàn giao các cơ sở dữ liệu để đưa vào phần mềm. Việc bàn giao dự kiến đến ngày 14/7 sẽ hoàn thành, trước dịp kỷ niệm ngày 27/7 năm nay.

Mỗi nghĩa trang liệt sĩ, mỗi đài tưởng niệm sẽ là một di tích lịch sử

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ, hiện nay thân nhân các liệt sĩ muốn tiếp cận thông tin liệt sĩ rất khó khăn. Muốn tìm mộ liệt sĩ người thân phải tìm theo phương pháp thủ công đi hết nghĩa trang này đến nghĩa trang. Vì vậy việc ứng dụng công nghệ thông tìn vào việc tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính liệt sĩ rất cần thiết. Tới đây, tất cả người dân trên cả nước có thể tự tìm được mộ người thân của mình ở đâu thông qua internet.  Đồng thời, làm sao khẩn trương xác định danh tính, gắn với đó là xác định ngân hàng gen. Tức chính thức xác định được gen của từng mộ liệt sĩ, sau đó từng gia đình có thể tìm gen của chính mình và tự đối chiếu ở trên mạng.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vừa rồi Bộ LĐ-TB&XH trả lại danh tính cho hơn 3.000 liệt sĩ thì phải lấy tới 12.000 mầu gen của thân nhân mà vô cùng khó khăn. Nhưng với cách làm mới này chúng ta có ngân hàng gen và người dân tự đối chiếu để tìm người thân.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và lãnh đạo tỉnh Hà Giang thắp những nén hương thơm lên phần mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên.

Bộ trưởng cho biết thêm, tháng Tám này sẽ cùng với Hội sử học Việt Nam  xây dựng đề án mỗi nghĩa trang liệt sĩ, mỗi đài ghi công là một di tích lịch sử để làm sao nghĩa trang liệt sĩ không phải là nghĩa trang vô định. Nghĩa trang đó phải có người hướng dẫn du lịch. Đến nghĩa trang đó mỗi ngôi mộ là một câu chuyện. “Chúng ta đến nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Vị Xuyên… mới thấy mỗi ngôi mộ là một câu chuyện về sự hy sinh, tinh thần quả cảm của các anh hùng liệt sĩ đối với đất nước, dân tộc”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc thực hiện chính sách với người có công đang định cư ở nước ngoài, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, người có công ở nước ngoài hiện có 2 nhóm, gồm nhóm người có công đang hưởng chính sách trong nước, sau đó ra nước ngoài sinh sống, sẽ vẫn hưởng chính sách như khi còn ở trong nước.  Riêng với nhóm người có công nhưng định cư ở nước ngoài và chưa hưởng chính sách gì, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và được đồng ý về nguyên tắc cần xây dựng chính sách cho nhóm đối tượng này. Chính phủ đã giao Bộ Quốc phòng phối hợp Bộ LĐ-TB&XH để trình Chính phủ ban hành cơ sở pháp lý về chế độ. “Người Việt Nam ở nước ngoài có công với cách mạng có nhiều đối tượng khác nhau, nên chính sách cho từng nhóm đối tượng cũng phải khác nhau”.

 

Những năm qua chính sách với người có công cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tới nay, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu lượt người có công. Trong đó có gần 1.2 triệu liệt sĩ, trên 127.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gần gần 800.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Trong 10 năm qua (2007-2016), tổng kinh phí ngân sách nhà nước chi trả trợ cấp với người có công hơn 133.306 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí trợ cấp hàng tháng khoảng 120.747 tỷ đồng, kinh phí trợ cấp 1 lần khoảng 12.600 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách địa phương hàng năm dành cho công tác người có công với cách mạng bình quân khoảng 2000 tỷ/năm.

 


NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh