Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:43 - 23/12/2016
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
* Năm 2016 với nhiều thay đổi của ngành GD&ĐT, vậy đâu là kết quả nổi bật nhất, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Trong năm 2016, ngành giáo dục đã làm được một số việc, có thể kể đến điểm nhấn quan trọng hàng đầu như: Ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Trên tinh thần cầu thị và lắng nghe, năm 2016, ngành giáo dục đã mạnh dạn nhìn lại những quy chế, quy định còn hạn chế để thay đổi, bổ sung và hoàn thiện như Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học trên cơ sở hoàn thiện Thông tư 30, quy chế đào tạo tiến sĩ hay nghị định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đang trong quá trình hoàn thiện với nhiều điểm mới hứa hẹn tạo ra những chuyển biến tích cực về chất lượng đào tạo.
Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2016 đã cơ bản khắc phục được những hạn chế của kỳ thi năm 2015 và nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của xã hội. Có thể nói đây là kết quả quan trọng để ngành tiếp tục triển khai phương án thi, tuyển sinh đại học năm 2017 và các năm tiếp theo theo hướng ngày càng nhẹ nhàng, khách quan, minh bạch hơn. Việc quy chế thi và quy chế tuyển sinh được công bố sớm hơn mọi năm đã giúp cho các địa phương, các nhà trường có đủ thời gian chuẩn bị; học sinh sẽ chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng và không gặp trở ngại với phương án thi mới này.
Năm 2016, tiếp tục là một năm khẳng định vị thế của giáo dục Việt Nam với thế giới khi 8 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đều mang về Huy chương Vàng, trong đó có Huy chương Vàng môn Sinh học chúng ta phải chờ đợi 15 năm qua. Cũng trong năm 2016, Việt Nam đã tổ chức thành công Kỳ thi Olympic quốc tế Sinh học lần thứ 27 với sự tham gia của hơn 250 học sinh đến từ 68 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những ngày cuối cùng của năm 2016, chúng ta đón nhận một tin vui nữa khi theo kết quả PISA 2015, Việt Nam xếp thứ 8 về lĩnh vực khoa học trên tổng số 72 quốc gia tham gia đánh giá.
Giờ thực hành của sinh viên. Ảnh minh họa.
* Mặc dù ngành GD&ĐT đã có nhiều nỗ lực trong năm qua, nhưng xã hội vẫn kỳ vọng nhiều hơn nữa. Bộ trưởng nhìn nhận những hạn chế, khó khăn của ngành trong năm qua là gì?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Giáo dục cũng còn những hạn chế, chưa làm được như việc xây dựng và thực hiện chính sách về giáo dục và đào tạo còn những điểm chưa phù hợp, khó triển khai trong thực tiễn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập, cơ cấu chưa hợp lý, trình độ không đồng đều. Nguồn lực đầu tư còn hạn chế so với yêu cầu phát triển của ngành.
Chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại học, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Việc tăng quy mô giáo dục đại học không tương xứng với các điều kiện bảo đảm chất lượng, trong khi công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động chưa được quan tâm đúng mức, dẫn tới chất lượng đào tạo chưa tốt. Chương trình đào tạo chậm được đổi mới, còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, thiếu sự gắn kết giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.
Đến nay, mặc dù ngành giáo dục đã thực hiện phân cấp tối đa cho các địa phương song sự chủ động vào cuộc của các cấp chính quyền ở một số địa phương vẫn chưa được thể hiện rõ nét. Một số nơi chưa phát hiện và chủ động có các giải pháp khắc phục trước các vấn đề giáo dục và đào tạo của địa phương.
* Bên cạnh những khó khăn, hạn chế như Bộ trưởng đã nêu, năm 2017 ngành GD&ĐT sẽ có kế hoạch gì?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: - Năm 2017 ngành GD&ĐT tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản được đặt ra cho năm học 2016 - 2017 và những năm tiếp theo. Tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Đối với bậc học mầm non, ngành tiếp tục chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Ở bậc học phổ thông, nhấn mạnh đến giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng. Đối với giáo dục đại học, đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công khai, minh bạch các điều kiện bảo đảm chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng. Từ đó, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với nhu cầu nhân lực của đất nước.
Năm 2017, ngành GD&ĐT sẽ tập trung rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo chuẩn, tiêu chuẩn ban hành, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn. Bên cạnh đó tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015, lộ trình 2020.