THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:41

Bộ trưởng Giáo dục: Phải đặc biệt chú trọng việc phân luồng, định hướng nghề

 

Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Điều Huỳnh Sang đặt câu hỏi về vấn đề đào tạo đại học, sau đại học, việc đào tạo sau đại học còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra về đào tạo cũng như yêu cầu cung cấp nhân lực chất lượng cao cho đất nước. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hiệu qủa đào tạo nhân lực chất lượng cao phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ chương trình, nội dung đến điều kiện vật chất, giáo viên, tài chính trong nội bộ trường đại học. Ngoài ra, còn yếu tố khác như môi trường kinh tế - xã hội khách quan.

Nhìn chung chất lượng đào tạo của chúng ta đã được cải thiện. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ không đáp ứng được yêu cầu chất lượng. Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành các quy chế, quy định, chuẩn đảm bảo chất lượng đầu ra nhân lực. Tuy nhiên, hệ thống quản lý chất lượng bằng văn bản còn thiếu và chưa đồng bộ. Khâu giám sát, chế tài cũng còn hạn chế.

 

Bộ trưởng Phùng Xuan Nhạ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội

Về công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm bồi dưỡng bằng việc xây dựng hệ thống trường bán trú, nội trú. Tuy nhiên quá trình xét đầu vào, thi tuyển chưa chặt chẽ, dẫn đến các cháu vào học rồi tốt nghiệp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Khi cử tuyển, chúng ta không chú ý đến định hướng nghề nghiệp chỉ quan tâm các cháu học tốt, gia đình khó khăn thì chọn đi học nhưng không quan tâm yêu cầu, nhu cầu nhân lực của địa phương sau khi ra trường. Do vậy, ưu tiên, cử tuyển phải gắn với nhu cầu nhân lực, ngay cả đối với dân tộc thiểu số là giải pháp quan trọng trong việc đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao là người thiểu số.

Đối với sinh viên là người dân tộc học giỏi, tự thi vào đại học hoặc sau đại học Bộ trưởng Nhạ cho biết, tới đây Bộ sẽ đề nghị các trường miễn học phí cho những em này và sẽ có nhiều quỹ học bổng để hỗ trợ các em. Số học sinh này không nhiều nhưng rất quan trọng, là hạt nhân sau này quay về phục vụ địa phương.

 Đẩy mạnh phân luồng đào tạo để khắc phục tình trạng thừa thầy, thiếu thợ

Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) chất vấn: 191.000 sinh viên sau khi tốt nghiệp không có việc làm, trong khi địa phương đang có trường trung cấp, cao đẳng vẫn đào tạo nhờ ngân sách. Giải pháp gì để tránh lãng phí kinh phí và nguồn lực được đào tạo, có nên duy trì cách thức đào tạo hiện nay?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hiện 80% ra trường có việc làm. Thường là số sinh viên có việc làm ngay thì rơi vào nhóm trường cấp trên, có bề dày, có kinh nghiệm. Trong khi đó, phần lớn sinh viên không có việc làm là ở những trường chất lượng yếu, trường mới thành lập. Xưa nay ta quan tâm quá nhiều đầu vào nhưng lại chưa chú ý đến quá trình đào tạo và đầu ra. Bộ đã làm việc với VCCI và doanh nghiệp để đào tạo bổ sung. Tới đây Bộ sẽ  áp dụng chuẩn cho các trường theo hướng những trường yếu kém có thể trở thành thành viên của trường lớn hoặc phân viện...

 

Đại biểu Lê Minh Chuẩn chất vấn về chất lượng nguồn nhân lực

 

Đại biểu Lê Minh Chuẩn đặt vấn đề: Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đứng 11/12 quốc gia ở Châu Á do Ngân hàng thế giới khảo sát. Bộ có giải pháp nào để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới? Việc phân luồng học sinh giáo dục sau đào tạo dẫn đến thừa thầy thiếu thợ, có giải pháp gì để khắc phục?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) tranh luận: Hiện tại, giáo dục - đào tạo đang bất cập giữa quy mô các trường và cơ cấu kinh tế - xã hội. Có trường quy mô rất lớn chỉ có 8 học sinh là rất buồn. Điều đáng quan tâm là học càng cao thất nghiệp càng lớn. Vậy Bộ có giải pháp gì để cơ cấu lại các trường?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chất lượng giáo dục có nguyên nhân quan trọng là nằm ngay từ chương trình chưa bám sát yêu cầu thị trường lao động, dẫn đến đào tạo ra không sát. Đào tạo chưa chú trọng kỹ năng thực tế. Khi ra trường, chắc chắn những yếu tố trải nghiệm, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin cũng đóng vai trò rất quan trọng. Do vậy, chúng tôi chỉ đạo điều chỉnh chương trình nội dung bám sát yêu cầu thị trường, có xin ý kiến của doanh nghiệp về yêu cầu chất lượng nhân lực. Tuy nhiên, Bộ cũng còn hạn chế ở chỗ chưa giám sát chặt chẽ. Tới đây, Bộ sẽ đẩy mạnh việc giám sát, định hướng.

Về vấn đề phân luồng đào tạo, trong nhưng năm gần đây Bộ cố gắng nhưng kết quả cũng rất hạn chế. Phân luồng thể hiện ngay cả trong chương trình, như gần hết lớp 9 thì các môn học thì xã hội, công nghệ đã phải tăng. Còn khi vào THPT thì định hướng phân luồng nghề nghiệp rất rõ, nhưng hiện tại vẫn chỉ có 5% học sinh chọn theo hướng học nghề.

“Chúng tôi thấy mình có trách nhiệm rất cao trong vấn đề này. Tới đây, chúng tôi chỉ đạo trong chương trình phổ thông và sách giáo khoa phải đặc biệt chú trọng việc phân luồng, định hướng nghề. Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Khung hệ thống giáo dục quốc dân được đánh giá rất cao kết hợp Khung trình độ 8 bậc của ASEAN thì tôi tin với khung trình độ này và việc đổi mới nội dung chương trình giáo dục thì chúng ta sẽ làm tốt hơn công tác chủ động phân luồng. Sắp tới, chúng tối sẽ phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH đẩy mạnh phân luồng giáo dục”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

 Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh để giảm bạo lực học đường


Đại biểu Cao Thị Xuân chất vấn về vấn đề bạo lực học đường

Trả lời câu hỏi của đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) về vấn đề dạy thêm, học thêm và bạo lực học đường, Bộ trưởng Nhạ cho rằng: Vấn đề dạy – học thêm có rất lâu rồi, gây bức xúc nhưng cũng là vấn đề có thật, tự thân. Chúng ta chỉ cấm dạy thêm học thêm biến tướng, tiêu cực. Bộ chỉ đạo địa phương, cơ sở giáo dục quản lý dạy thêm đúng hướng. Đến nay, vấn đề dạy – học thêm có xu hướng đi vào ổn định hơn nhưng vẫn còn hiện tượng dạy – học thêm biến tướng. Trách nhiệm của Bộ sẽ phải sát sao, phối hợp với cơ sở địa phương tăng cường giám sát. Tuy nhiên giải pháp này chưa phải là gấp, mà quan trọng là chỉnh lại chương trình cho gọn nhẹ. SGK đang được rà soát lược bỏ nội dung không phù hợp, không cần thiết hoặc nội dung trùng lặp để chương trình gọn nhẹ hơn, hợp lý hơn.

Bạo lực học đường là vấn đề bức xúc và có xu hướng gia tăng. Trong số 22 triệu học sinh sinh viên thì số có xu hướng bạo lực là số nhỏ. Nhưng số này cũng gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục nói chung.

Bộ trưởng Nhạ cho rằng, ở đây có nhiều nguyên nhân về gia đình, xã hội, mặt trái kinh tế thì trường… Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Sắp tới, Bộ sẽ chú trọng đến giáo dục đạo đức cho học sinh, đưa Giáo dục công dân và môn lịch sử vào môn thi tốt nghiệp cũng như đào tạo giáo viên chuyên về giáo dục công dân chứ không kiêm nhiệm như trước đây. 

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh