THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:02

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chúng ta đang lãng phí tiềm năng về du lịch

 

Đề cập đến những nhược điểm của du lịch Việt Nam, Bộ trưởng thẳng thắn nhận định, đó là tình trạng khách du lịch thì ít, thời gian cư trú  ngắn, tiêu tiền không nhiều nhưng để lại hậu quả thì nhiều. Trong khi đó, những nước bên cạnh, rất nhiều nước không có tiềm năng như chúng ta, danh thắng, di tích lịch sử cũng không được như chúng ta nhưng lượng khách du lịch thì hơn chúng ta rất nhiều lần
Ngay cả  người Việt Nam đi du lịch nước ngoài cũng nhiều hơn du lịch trong nước, hiểu biết về du lịch về danh lam thắng cảnh ở nước ngoài cũng nhiều hơn trong nước. Bộ trưởng ví dụ về thực trạng mà mà báo chí đã từng nêu, đó là có những di tích lịch sử  nổi danh cả nước nhưng khi hỏi ngay người dân quê ở đó thì họ lại không biết. “Do đó, tôi đề nghị, Luật phải điều chỉnh, phải viết thế nào cho cụ thể hơn.  Chúng ta có cảm giác Luật có tính chất phong trào, luật hiệu triệu chứ không phải đi vào giải quyết những vấn đề căn cơ, cốt lõi của ngành du lịch. Đâu là vấn đề  cần đột phá nhất của du lịch mà Luật chi phối, chúng ta phải xác định rõ vấn đề đó. Theo tôi chỉ kết lại có mấy từ thôi: làm sao khách vào thì ở lâu, vào sâu những vùng nội địa, đi nhiều, thăm quan nhiều và chi tiêu, mua sắm nhiều” – Bộ trưởng nhấn mạnh

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) cần đi vào những vấn đề căn cơ, cốt lõi của ngành du lịch
Để thu hút được khách du lịch, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thì điều đầu tiên phải lưu ý đến là hạ tầng du lịch. Khách du lịch đến  thì phải có nơi nghỉ ngơi thế nào, vui chơi ra sao, tiêu dùng thế nào...  Hạ tầng du lịch có hấp dẫn thì khách đến lần một, họ mới muốn đến lần thứ hai chứ như hiện nay, khách du lịch đến Việt Nam phần nhiều là “một đi không trở lại”. Chưa kể là nếu địa điểm du lịch hấp dẫn,  sau khi về nước,  chính những du khách đó sẽ giới thiệu, quảng bá cho những người khác, vô hình chung, họ sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho ngành du lịch
Vấn đề thứ hai  cần lưu ý là  đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Đã có lúc chúng ta yêu cầu hướng dẫn viên tiêu chuẩn rất cao, phải có bằng đại học, tránh việc không đủ  người đạt tiêu chuẩn để làm hướng dẫn viên. Tuy nhiên, có lúc chúng ta lại sơ hở  để một số đối tượng người nước ngoài trà trộn vào làm hướng dẫn viên du lịch như tình trạng hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc ở Đà Nẵng, Quảng Nam thời gian qua…
“Do vậy tôi cho là tiêu chuẩn cần rất cụ thể nhưng nếu chúng ta chỉ căn cứ vào bằng cấp thì lại là sai lầm. Chúng ta có hai loại du lịch, trong đó du lịch cộng đồng là loại hình du lịch rất nhiều tiềm năng. Nếu một người chỉ tốt nghiệp đại học làm sao để biết được tiếng Mông để hướng dẫn du lịch ở  Sapa, Lào Cai?. Du lịch cộng đồng đòi hỏi phải sử dụng hướng dẫn viên là người dân bản địa, những người am hiểu phong tục tập quán, văn hóa và tiếng địa phương.  Những du khách nước ngoài đi đi du lịch ở vùng cao như Trạm Tấu, Mù Căng Chải, Lào Cai, Sapa, Văn Yên, Văn Chấn… bao giờ họ cũng thuê người bản địa hướng dẫn. Do đó, trong Dự thảo Luật Du lịch (sửa  đổi) này, nếu chúng ta bỏ rơi loại hình du lịch cộng đồng thì đây sẽ là một sai lầm khi ban hành Luật”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý thêm, khi đã coi du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn thì phải có quy hoạch của từng địa phương và quy hoạch tổng thể trong cả nước. Cần phải xác định đâu là những điểm trọng tâm của du lịch Việt Nam để từ đó kết nối thành tour du lịch quốc gia, thành một bản đồ du lịch, có như thế mới tránh được tình trạng manh mún, mạnh ai nấy làm. 

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh