THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:20

Bộ Thông tin và Truyền thông: Phát triển Chính phủ điện tử, đô thị thông minh hướng tới một mục tiêu kép

Bộ TT&TT: Phát triển Chính phủ điện tử, đô thị thông minh hướng tới một mục tiêu kép - Ảnh 1.

Theo nhận định của người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Chính phủ điện tử, Đô thị thông minh tại Việt Nam đã được triển khai theo hướng “Trăm hoa đua nở” trong thời gian quá dài (Ảnh minh họa: Internet)

Nhiều khó khăn trong xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh

Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên - Huế là 3 địa phương đã và đang tích cực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và đã đạt được những thành quả bước đầu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, cũng như các địa phương khác, 3 tỉnh, thành phố này cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Tại phiên tọa đàm của Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 mới đây, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, liên quan đến vấn đề xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung cho xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang tích cực thực triển khai, tuy nhiên vẫn còn thiếu và có những cái cần phải ban hành sớm để các địa phương thực hiện.

“Ví dụ như, muốn xây dựng Chính phủ điện tử, các địa phương phải xây dựng kiến trúc Chính quyền điện tử, muốn thế thì phải có Khung kiến trúc Chính phủ điện tử trung ương, hiện nay chúng tôi được biết là Bộ Thông  tin và Truyền thông đã và đang triển khai xây dựng nội dung này nhưng vẫn chưa được ban hành. Đây là một nội dung chúng tôi thấy cần thiết sớm ban hành để các địa phương triển khai thực hiện”, ông Quý chia sẻ.

Có chung quan điểm với đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, từ thực tế của địa phương mình, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ và Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến đều kiến nghị Chính phủ cần sớm có Khung kiến trúc cho đô thị thông minh để định hướng chung cho các địa phương nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong triển khai.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cũng đề xuất Chính phủ sớm có một hành lang pháp lý cho vấn đề quản lý nguồn dữ liệu. “Bởi lẽ, ngày nay dữ liệu đã trở thành nguồn tài nguyên quan trọng, thậm chí là còn quan trọng hơn cả đất đai. Cần có hành lang pháp lý để quản lý dữ liệu, ai sử dụng, khai thác và quản lý ra sao cho đồng bộ”, ông Tuyến phân tích.

Nhấn mạnh sự cần thiết trong bảo mật thông tin cá nhân của người dùng, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng cần đẩy nhanh việc hoàn thiện chính sách về bảo mật thông tin cá nhân. Bởi lẽ, theo ông đây là vấn đề quan trọng để tạo lòng tin của người dân khi tham gia sử dụng các dịch vụ do chính quyền cung cấp. “Quá trình xây dựng, hình thành các dịch vụ đô thị thông minh nếu không có sự tham gia của người dân sẽ không thể thành công”, ông Thọ chia sẻ.

Đại diện lãnh đạo 3 địa phương cũng điểm ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc khác trong quá trình xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh như: chưa có danh mục các ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm mang tính xuyên suốt từ trung ương đến địa phương để địa phương thực hiện; các cơ quan nhà nước khó thu hút, giữ chân nguồn nhân lực công nghệ thông tin; thiếu hành lang pháp lý bảo vệ sở hữu trí tuệ của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo do các tổ chức, doanh nghiệp, trường đại học nghiên cứu, áp dụng…

Nhấn mạnh vai trò số 1 trong chỉ đạo, điều hành Chính phủ điện tử và đô thị thông minh

Cũng trong khuôn khổ tọa đàm cấp cao tại diễn đàn về Công nghiệp 4.0 năm nay, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, Chính phủ điện tử, gần đây là đô thị thông minh đã được triển khai theo hướng “trăm hoa đua nở”, nhất là Chính phủ điện tử nhưng trong thời gian quá dài. “Trăm hoa đua nở” có cái hay là có nhiều kinh nghiệm hay nhưng dẫn đến câu chuyện khi phải kết nối, khi phải đi xa cho bài bản thì tắc nghẽn. Lúc này cần thiết phải xuất hiện vai của số 1.

“Những vấn đề các địa phương Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế nêu ra cơ bản đều liên quan đến những việc của vai số 1, như vấn đề quy chuẩn, tiêu chuẩn, danh mục các ứng dụng công nghệ thông tin nên xuyên suốt toàn quốc, vấn đề thuê dịch vụ công nghệ thông tin, quản trị dữ liệu, khung kiến trúc Chính phủ điện, khung kiến trúc ICT cho đô thị thông minh… kể cả những quy định, cơ chế về làm thí điểm”, Bộ trưởng nói.

Bộ TT&TT: Phát triển Chính phủ điện tử, đô thị thông minh hướng tới một mục tiêu kép - Ảnh 3.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi tại phiên tọa đàm cấp cao của Diễn đàn về Công nghiệp 4.0 năm 2019.

Một lần nữa nhấn mạnh đến vai trò của số 1, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay chúng ta có Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, đây chính là số 1 về chỉ đạo. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông vai số 1 về điều hành. Như vậy, đã có số 1 về chỉ đạo và số 1 về điều hành.

Trong Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Phó Chủ tịch thường trực trực tiếp giải quyết những vấn đề hàng ngày, chỉ những vấn đề lớn mới trình lên Thủ tướng. Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nối 2 chương trình Chính phủ điện tử và đô thị thông minh với nhau.

Cũng theo Bộ trưởng, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy nhanh việc triển khai thí điểm xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử tại một số bộ, một số tỉnh và đến năm 2020 phải kết thúc việc thí điểm này. “Cái mới thì nên làm thí điểm nhưng cần phải làm nhanh và sau đó ra được hướng dẫn để nhân rộng ra”, Bộ trưởng cho biết.

Bên cạnh đó, tới đây Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ đứng ra để đẩy nhanh việc kết nối, chia sẻ các hệ thống, nền tảng dùng chung giữa các bộ, các tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ quan điểm của Bộ trong triển khai xây dựng Chính phủ, đô thị thông minh: “Bộ Thông tin và Truyền thông xác định có nhiều khó khăn, đây là việc mới mà thể chế không thể bao hết được. Nhiều khi cái mới mà ra thể chế trước thì lại hại chính mình, cho nên trong quá trình triển khai, Bộ Thông tin và Truyền thông có kế hoạch trong năm nay sẽ làm việc với từng bộ, từng địa phương để giải quyết những vướng mắc, khó khăn và đặt ra mục tiêu, kế hoạch cho các đầu mối này”.

Đặc biệt, trong trao đổi tại tọa đàm, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, Bộ rất coi phát triển Chính phủ điện tử và đô thị thông minh là một mục tiêu kép. Trong đó, mục tiêu số một là xây dựng được một Chính phủ điện tử, đô thị thông minh hiệu quả; còn mục tiêu thứ hai là thông qua quá trình đó tạo ra được các doanh nghiệp công nghệ thông tin mạnh để góp phần cho giai đoạn tiếp theo - giai đoạn chuyển đổi số, đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia, từ cái nôi Việt Nam đi ra toàn cầu.

Trên cơ sở nhận thức rõ hiện nay nhiều doanh nghiệp công nghệ đang cơ bản làm những việc giống nhau, “nhà nhà làm, làm cùng một thứ nhưng lại làm không đến nơi”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ sẽ phân vai một số các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp nền tảng, với mục tiêu đặt ra là “doanh nghiệp làm cái gì thì sâu cái đó, không những tốt cho Việt Nam mà còn đi ra toàn cầu được”.

Theo ICT NEWS

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh