THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:55

Bản chất cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng thể chế

Phát biểu tại khai mạc, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

"Bản chất của cuộc Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cuộc cách mạng thể chế. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số tạo ra mô hình mới, lực lượng lao động mới, nhanh chóng, bùng nổ… khiến khuôn khổ thể chế truyền thống không còn phù hợp, mà nếu duy trì sẽ kìm hãm phát triển", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá.

Một trong những chủ đề quan trọng được đề cập tại Diễn đàn lần này là tiến trình chuyển đổi số quốc gia, với mục tiêu hướng tới nền kinh tế số và xã hội số.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số đã diễn ra nhiều năm qua nhưng chỉ khi xuất hiện các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì chuyển đổi số mới thực sự tăng tốc.

Nói đến chuyển đổi số là nói đến một môi trường mới trong cuộc sống của nhân loại - môi trường số hay còn gọi là môi trường không gian mạng. Đây là lần đầu tiên loài người bước vào một thế giới khác. Từ đây, sẽ xuất hiện kinh tế số và xã hội số.

Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc chuyển đổi số sẽ phụ thuộc phần lớn vào nhận thức của con người. Đây là lợi thế của các nước đi sau vì nhận thức không bị phụ thuộc vào cơ sở vật chất mà các nước đang sở hữu. Do vậy, nếu có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng thể chế - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Chuyển đổi số sẽ mở ra một cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Với khả năng linh hoạt của người Việt Nam, nước ta có thể tận dụng được cơ hội này. Tuy vậy, Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh.

Các doanh nghiệp công nghệ sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ thúc đẩy Make In Vietnam và hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, rồi từ đây đi ra toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam phải có một cách tiếp cận mới và đột phá về chuyển đổi số. Đó chính là các Platform số (nền tảng số) để các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân sử dụng. Việc sử dụng các Platform số tức là lên môi trường số, tức là hoạt động trong môi trường số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, trong tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, các yếu tố nền tảng sẽ được nhấn mạnh, sẽ được đầu tư trước, sẽ đi trước và phải có thứ hạng cao trên thế giới. 5 yếu tố nền tảng của Việt Nam trong chuyển đổi số sẽ là: Thể chế, Hạ tầng, An ninh mạng, Platform và Đào tạo.

Chuyển đổi số quốc gia bao gồm: Chuyển đổi số chính phủ, chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số xã hội. Để chuyển đổi số, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước.

Bước một là đẩy nhanh việc số hoá và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực. Bước hai sẽ sử dụng chuyển số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực. Với bước ba, chúng ta sẽ tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh