THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:57

Hà Nội: Học hỏi kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu khai mạc hội nghị

 

Năm nay, Thủ đô Hà Nội được lựa chọn là thành phố đầu tiên mở đầu trong chuỗi hoạt động quan trọng của Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) nhằm chia sẻ tầm nhìn, chiến lược, và kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh tại các quốc gia trong khu vực.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh; Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cùng các vị đại sứ, đại biểu đại diện các tổ chức quốc tế, các hội, hiệp hội, tổ chức chuyên ngành CNTT trong khu vực châu Á và châu Đại Dương…

Đặc biệt, ông David Wong - Chủ tịch ASOCIO, tổ chức CNTT lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và bà Yvonne Chiu - Chủ tịch WITSA, tổ chức CNTT lớn nhất toàn cầu tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, Hà Nội là một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến rất nhiều thách thức trong vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường...

Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 có sự tham dự của hàng trăm đại biểu trong nước và quốc tế

 

“Hà Nội mong muốn hướng tới một mô hình hành phố thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Nhiều câu hỏi được đặt ra với Hà Nội nói riêng và các thành phố, các đô thị nói chung, đó là: Mô hình nào, phương thức nào để phát triển đô thị thông minh, tính “bền vững” của đô thị thông minh trong bối cảnh cuộc CMCN lần thứ 4? Cần hoạch định, xây dựng các chính sách như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng một Thành phố thông minh? Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp... sẽ được thực hiện như thế nào?

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bày tỏ hy vọng, những thách thức, những vấn đề nêu trên sẽ phần nào được giải đáp thông qua chia sẻ kinh nghiệm từ các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các tham luận của các diễn giả là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học từ các tổ chức và các doanh nghiệp hàng đầu quốc tế và trong nước. “Về phía thành phố Hà Nội, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, các công việc đã làm và sẵn sàng học hỏi, tham gia các hội nghị thưởng đỉnh về Thành phố thông minh do ASOCIO tổ chức”, ông Chung nói.

Ông David Wong, Chủ tịch Tổ chức công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) cho biết, ASOCIO đã đề cập về xu hướng xây dựng Thành phố thông minh là chủ đạo trong trong quá trình chuyển đổi số ở châu Á. Vì vậy, cần đặt ra vấn đề giữa các thành phố này phải kết nối với nhau để thông minh hơn. Thành phố thông minh không chỉ kết nối với nhau về mặt số mà còn để giải quyết được những vấn đề như đã nêu.

Các đại biểu tham quan triển lãm

 

Đánh giá cao về lộ trình xây dựng Thành phố thông minh của Hà Nội, ông David Wong cho rằng, Hà Nội đặt ra kế hoạch xây dựng Thành phố thông minh làm 3 giai đoạn (đến năm 2030) trong đó tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi: Y tế, giao thông, du lịch - các vấn đề mà khi xây dựng Thành phố thông minh được đặt ra.

Chia sẻ sự vui mừng khi được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh, bà Yvonne Chiu, Chủ tịch Liên minh CNTT thế giới (WITSA), khẳng định: "Chúng tôi sẽ đáp ứng mục tiêu cho mọi người trên thế giới đều được hưởng lợi từ CNTT-TT, đặc biệt tại khu vực có nhiều thay đổi như châu Á-Thái Bình Dương, vì một tương lai kỹ thuật số ở đây. Chúng tôi bảo đảm chuyển đổi kỹ thuật số, mang lại lợi ích cho các thành phố, mang lại sự an ninh, an toàn hơn cho các thành phố khi xây dựng Thành phố thông minh".

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực và thế giới. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2017, Việt Nam có 813 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 37,5%. Thủ đô Hà Nội hiện được coi là một siêu đô thị về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến nhiều vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường...

Nhu cầu xây dựng một thành phố thông minh đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân đang ngày một trở nên cấp thiết. Những ứng dụng công nghệ mới, chủ chốt của Cuộc CMCN 4.0 đang được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu giúp đáp ứng nhu cầu này.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh