CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:16

Bộ GD&ĐT giải đáp những thắc mắc trong xét tuyển ĐH-CĐ

 

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: C.H.

 

Thi 2 khối nhưng chỉ được đăng ký xét tuyển NV1 vào 1 trường

Thí sinh Đồng Thị Ngọc Huyền: Tôi thi 2 khối A, B đều đạt 22 điểm. Xin hỏi, tôi có được nhận 2 phiếu nguyện vọng 1 để nộp vào 2 trường đại học của 2 khối A, B trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 không?

Bộ GD&ĐT trả lời: Sau khi có kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia, mỗi thí sinh được cấp 4 Giấy chứng nhận kết quả thi, thí sinh dùng Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển nguyện vọng 1 đăng ký vào một trường đại học hoặc cao đẳng; 3 Giấy chứng nhận kết quả thi còn lại dùng để xét tuyển bổ sung.

Rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác như thế nào?

Thí sinh Nguyễn Trâm: Mỗi thí sinh chỉ có 1 Phiếu đăng ký xét tuyển đợt 1, vậy nếu thí sinh đã đăng ký và điền thông tin khi nộp vào trường đầu tiên thì việc rút hồ sơ để nộp vào trường khác có ảnh hưởng gì không? Thí sinh điền tiếp thông tin đăng ký xét tuyển vào trường khác như thế nào? 

Bộ GD&ĐT trả lời: Việc đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng đợt 1 được quy định từ ngày 1/8 đến hết ngày 20/8/2015. Trong thời gian này, nếu có nguyện vọng rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác, thí sinh có thể trực tiếp rút hoặc ủy quyền cho người khác rút hộ.

Nội dung Phiếu đăng ký xét tuyển vào trường có nguyện vọng chuyển đến phải có nội dung phù hợp với trường, vì vậy, phải dùng Phiếu đăng ký xét tuyển khác. Phiếu đăng ký xét tuyển thí sinh Nguyễn Trâm cần tải về từ trang web: "thi.moet.edu.vn", in ra và viết theo nội dung đã hướng dẫn.

Hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng

Thí sinh Phạm Võ Thái Hiền: Tôi xin hỏi, hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ 2015 gồm những giấy tờ gì?

Bộ GD&ĐT trả lời: Hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ gồm:

- Phiếu đăng ký xét tuyển (đã được đưa lên mạng "thi.moet.edu.vn", thí sinh có thể in ra và ghi nội dung theo hướng dẫn).

- Bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi ứng với đợt xét tuyển.

- Một phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc để trường thông báo kết quả xét tuyển.

Bổ sung chế độ ưu tiên khu vực đặc biệt khó khăn như thế nào?

Thí sinh Ngô Thị Hảo: Tôi có hộ khẩu tại xã Đại Thành, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, thuộc xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và năm 2015. Tuy nhiên, khi làm hồ sơ đăng ký dự thi tôi đã không điền đối tượng ưu tiên vào hồ sơ. Vậy, khi làm hồ sơ xét tuyển đại học, tôi có thể bổ sung đối tượng ưu tiên không và cần nộp những giấy tờ gì?

Bộ GD&ĐT trả lời: Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy hiện hành quy định: "Học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015 được quy định tại Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015 được quy định tại Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 1/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Các xã  đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và năm 2015 được quy định tại Quyết định số 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 8/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 nếu học trung học tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có các xã trên" được hưởng chính sách ưu tiên theo khu vực.

Khi làm hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh Ngô Thị Hảo đã khai ở mục “Nơi học THPT hoặc tương đương”, phần mềm tuyển sinh sẽ xác định khu vực ưu tiên cho thí sinh.

Bị mất Huân chương, con người có công có được hưởng ưu tiên?

Thí sinh Mai Thị Tố Loan (Bình Định): Bố tôi tham gia nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia năm 1989, nhưng nay bị mất Huân chương. Vậy, để được cộng điểm ưu tiên, tôi chỉ nộp Quyết định hưởng trợ cấp theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg có được không?

Bộ GD&ĐT trả lời: Theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy, đối tượng "con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế có giấy chứng nhận được hưởng chế độ ưu tiên theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng" được hưởng ưu tiên, nhóm đối tượng UT2.

Giấy tờ để được hưởng ưu tiên gồm: Giấy tờ chứng minh đã được khen tặng Huân chương Kháng chiến hoặc Huân chương Chiến thắng, Huy chương Kháng chiến hoặc Huy chương Chiến thắng; Quyết định trợ cấp một lần của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Như vậy, thí sinh chỉ cần nộp một trong hai loại giấy tờ quy định trên sẽ được xem xét giải quyết.

Chỉnh sửa đối tượng ưu tiên thế nào?

Thí sinh Nguyễn Hoàng: Tôi thuộc đối tượng ưu tiên 04 nhưng trước khi thi, trường THPT nơi tôi học nhập dữ liệu sai thành đối tượng ưu tiên 06. Tôi đã thông báo cho nhà trường nơi học và khai báo tại địa điểm thi. Tuy nhiên, thông tin của tôi trên websitethisinh.thithptquocgia.edu.vn vẫn chưa được điều chỉnh. Vậy tôi phải làm như thế nào để được điều chỉnh thông tin?

Bộ GD&ĐT trả lời: Thí sinh Nguyễn Hoàng thuộc diện chính sách ưu tiên nào sẽ được hưởng chính sách ưu tiên đó theo quy định và quyền lợi đó sẽ được bảo đảm. Trong thời gian nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển vào ĐH-CĐ, ngoài những giấy tờ đã quy định trong hồ sơ đăng ký xét tuyển, thí sinh Hoàng nộp kèm giấy tờ chứng minh để được hưởng chính sách ưu tiên cho trường đăng ký xét tuyển để được xem xét giải quyết. 

Cộng điểm ưu tiên con thương binh: Cần bản sao in thẻ thương binh

Thí sinh Nguyễn Thị Thu Huệ (Hà Nam), Nguyễn Tấn Thiện (Trà Vinh): Đối tượng con thương binh, tỷ lệ mất sức lao động dưới 61%, con thương binh hạng 2/4 được cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển ĐH-CĐ như thế nào và các giấy tờ để nộp gồm những gì?

Bộ GD&ĐT trả lời: Theo quy định, con của thương binh hạng 2/4 (bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%) thuộc nhóm ưu tiên 2, được cộng 1,0 điểm vào tổng kết quả thi để xét tuyển ĐH-CĐ.

Giấy tờ ưu tiên cần phải nộp gồm: Bản sao thẻ thương binh của bố hoặc mẹ kèm theo bản sao Giấy khai sinh của bản thân. 

Điểm ưu tiên áp dụng như nhau tại tất cả các trường ĐH-CĐ

Thí sinh Thụy Phương (Đồng Nai): Tôi ở khu vực 1, được cộng 1,5 điểm ưu tiên. Nhưng tôi được biết thông tin, nếu nộp hồ sơ xét tuyển vào Đại học Y TP. Hồ Chí Minh thì chỉ được cộng 1 điểm ưu tiên. Tôi xin hỏi, thông tin này có đúng không?

Bộ GD&ĐT trả lời: Theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy, mức chênh lệch điểm giữa 2 khu vực kế tiếp là 0,5 điểm. Như vậy, nếu thí sinh Thuỵ Phương ở khu vực 1 sẽ được cộng vào tổng kết quả thi là 1,5 điểm để tham gia xét tuyển. Chính sách này áp dụng đối với các trường ĐH-CĐ trong toàn quốc.

Xét tuyển liên thông theo kết quả thi THPT Quốc gia

Thí sinh Ngô Thị Duyên: Tôi đã tham gia kỳ thi THPT Quốc gia để lấy kết quả xét tuyển liên thông nhưng các trường không xét tuyển chuyên ngành tôi theo học. Vậy trong trường hợp này tôi cần phải làm như thế nào?

Bộ GD&ĐT trả lời: Để thi liên thông học tiếp ở trình độ cao hơn, thí sinh có thể tham dự kỳ thi THPT Quốc gia hoặc kỳ thi do cơ sở giáo dục tự tổ chức theo quy định của mỗi trường. 

Việc đào tạo liên thông cần phải bảo đảm các điều kiện: ngành học đã được phép đào tạo; chỉ tiêu được xác định dành cho ngành đào tạo,… Thí sinh Ngô Thị Duyên cần liên hệ trực tiếp với trường có nguyện vọng học để được hướng dẫn chi tiết.

Chế độ tuyển thẳng với thí sinh tại huyện nghèo
Thí sinh Lý Văn Dũng: Tôi có hộ khẩu thường trú tại xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, thuộc một trong 62 huyện nghèo nên muốn đăng ký xét tuyển thẳng vào Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên theo diện ưu tiên huyện nghèo. Tuy nhiên, trường THPT nơi tôi học không thuộc huyện nghèo. Vậy, tôi có được ưu tiên xét tuyển thẳng không?

Bộ GD&ĐT trả lời: Theo quy định, đối tượng được tuyển thẳng vào đại học gồm: "Thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo hộ khẩu thường trú), tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo và Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 5/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo".

Những thí sinh này phải học bổ sung kiến thức một năm học trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường quy định.

Như vậy, trường hợp của thí sinh Lý Văn Dũng không được hưởng chính sách ưu tiên trên vì thí sinh không học THPT ở huyện nghèo.

Có được bảo lưu kết quả xét tuyển ĐH?

Thí sinh Nguyễn Thị Liên: Tôi xin hỏi, nếu kết quả thi THPT Quốc gia của tôi bị điểm liệt một môn, nhưng lại đủ điểm đỗ vào đại học thì có được bảo lưu kết quả để xét tuyển đại học năm sau không?

Bộ GD&ĐT trả lời: Theo Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy hiện hành không quy định bảo lưu kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, với mục đích lấy kết quả xét tuyển vào ĐH-CĐ nếu không tốt nghiệp THPT ngay năm xét tuyển.

theo baochinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh