CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:08

Vượt gần 500km về Hà Nội nộp hồ sơ xét tuyển đại học

 

Mỗi trường thông tin một kiểu

Trường ĐH Thủy lợi công bố danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp. Tuy nhiên, sau một tuần trường mới chỉ công bố danh sách hồ sơ ĐKXT theo nguyện vọng 1.

Thí sinh tập trung bên ngoài điểm nhận hồ sơ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chiều 10/8. (Ảnh: Văn Chung).


Lãnh đạo nhà trường cho biết do số hồ sơ vẫn còn ít hơn số lượng chỉ tiêu; khi nào số hồ sơ vượt số chỉ tiêu trường sẽ công bố danh sách các nguyện vọng tiếp theo. Điều này vô tình khiến việc theo dõi rồi cân nhắc nộp hồ sơ của thí sinh sẽ gặp khó.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân lại công khai số lượng hồ sơ ĐKXT theo một biểu thống kê của tất cả các ngành, các nguyện vọng. Điều này lại dẫn tới danh sách ảo khi một thí sinh có thể có tên nhiều lần trên bảng thống kê.

Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội lại sử dụng phần mềm chỉ dành cho những thí sinh đã ĐKXT mới có thể xem được thống kê và dự kiến có nằm trong tốp trúng tuyển hay không. Thí sinh ở bên ngoài có nguyện vọng muốn nộp hồ sơ vào trường không thể có thông tin tổng thể để xác định mình ở đâu với điểm số hiện tại.

Nhiều trường đại học khác thì đưa danh sách thí sinh dạng pdf. Các thí sinh muốn biết rõ thứ hạng của mình lại cần thêm một bước chuyển qua dạng excel để tính toán cụ thể.

Danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển cập nhật đến ngày 7-8 được Trường ĐH Văn Lang công bố có các cột thông tin: số thứ tự, họ và tên thí sinh, số báo danh, mã ngành, thứ tự nguyện vọng đăng ký, điểm ưu tiên quy đổi, tổng điểm (theo tổ hợp đăng ký)…

Ban đầu nhìn vào danh sách này thí sinh tưởng chừng rất dễ nhận biết thông tin vì nhà trường xếp theo quy luật thí sinh có tổng điểm từ cao xuống thấp ở từng mã ngành nhưng ở cột số thứ tự thì các con số nhảy loạn xạ. Vì vậy, thí sinh rất khó để biết được mình đang ở thứ hạng mấy trong từng ngành.

 Thí sinh vào "cuộc chơi" mới

Chiều 10/8, có mặt tại điểm thu nhận hồ sơ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thắng (64 quê, ở thành phố Điện Biên Phủ, cách Hà Nội gần 500km) cho biết gia đình đã về thủ đô được mấy hôm.

Do điểm xét tuyển của em Nguyễn Duy Biên (con ông Thắng) chỉ đạt 7,15 khá chấp chới nên gia đình ông Thắng dự tính sẽ về quê gốc ở Hà Nam chơi vài hôm trong khi chờ đợi, tính toán việc rút nộp hồ sơ tiếp theo của con vào các ngày từ 15-17/8.

 

Thí sinh Phạm Thanh Tú ở thành phố Ninh Bình (cách Hà Nội 120km) sáng nay cùng bố về Hà Nội để nộp hồ sơ vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Dự kiến một vài ngày tới em sẽ về lại thủ đô để xem xét việc rút, nộp hồ sơ đợt 1.(Ảnh: Văn Chung).


Trong khi đó, cô Phạm Thị Liễu, 52 tuổi quê ở thị trấn Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang và con phải đèo nhau đi từ 5h sáng xuống Hà Nội. Quãng đường gần 200km vất vả, sáng 10/8 khi đến cầu Thăng Long cô lại bị phạt do lỗi chậm bấm đèn xi nhan. Dù đã trình bày lí do lần đầu đưa con xuống thủ đô nộp hồ sơ và có đầy đủ giấy tờ nhưng cô Liễu vẫn bị nộp phạt.

Với điểm số 22 ở khối A, con cô Liễu nộp hồ sơ vào ngành Cơ điện tử của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Thời điểm hiện tại điểm số của em đứng trong tốp 250 thí sinh cao điểm nhất của khoa này. Năm nay trường tuyển 360 chỉ tiêu khoa này.

Theo cô Liễu: “Điểm số của cháu hiện quá bấp bênh. Dự kiến từ 15-17/8 mẹ con tôi sẽ phải xuống Hà Nội lần nữa để xem xét việc rút nộp hồ sơ”.

Thí sinh Nguyễn Văn Linh ở xã Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội), dự kiến xét tuyển sinh theo tổ hợp khối A1 truyền thống (Toán, Lý, Ngoại ngữ) cho biết, em đạt 21 điểm nhưng chưa xác định được nộp vào trường nào do cách công bố thông tin mỗi trường một khác.

Từ ngày 1/8 đến nay, ngày nào Linh cùng bố mẹ cũng tốn khá nhiều công sức lên mạng xem mức điểm của một số trường để nộp hồ sơ ĐKXT, nhưng nhìn vào các thống kê như một ma trận, rất khó lựa chọn.

Hà Mạnh Thu, thí sinh quê huyện Cẩm Khê, Phú Thọ cho biết: “Điểm xét tuyển của em vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đạt 7,75, khả năng đỗ vào trường năm nay cũng chưa có gì chắc chắn. Mấy ngày qua mỗi lần trường công bố danh sách hồ sơ ĐKXT là website của trường rất khó truy cập, có khi phải đợi cả ngày trời. Điều đó khiến thí sinh khá hồi hộp và lo lắng”.

Thí sinh Lê Trần Phương Uyên ở xã Nghi Đức (TP Vinh, Nghệ An, cách thủ đô gần 300km) cho biết, sau khi mất khá nhiều thời gian nghiên cứu tình hình hồ sơ, với số điểm 26,75, em đã cùng mẹ ra Hà Nội ĐKXT vào Trường ĐH Ngoại thương. Tuy nhiên, ngày 7/8 em lại phải cùng mẹ ra Hà Nội để rút hồ sơ vì khả năng trúng tuyển không cao.

Dự kiến, sau ngày 12/8, hai mẹ con sẽ tiếp tục hành trình từ Vinh ra Hà Nội để tìm hiểu và nộp hồ sơ xét tuyển. Như vậy, ít nhất em mất sáu lần đi lại giữa Vinh và Hà Nội để nộp và rút hồ sơ. Uyên cho biết: Những ngày qua em khá đau đầu về lựa chọn trường, chọn ngành; mỗi lần ra đều có mẹ đi cùng và phải thuê nhà ngủ lại Hà Nội rất vất vả.

Xa hơn nữa, thí sinh Hồ Đức Anh ở xã Minh Hiệp (Quỳ Hợp, Nghệ An) đạt kết quả thi 27,25 điểm cho biết đã nộp hồ sơ vào Trường ĐH Ngoại thương nhưng do khả năng trúng tuyển vào ngành yêu thích không cao cho nên đã rút hồ sơ ĐKXT lại vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Không muốn đi nhiều lần, từ ngày 1/8 đến nay Đức Anh cùng anh trai phải ở lại Hà Nội để nộp và rút hồ sơ thay đổi nguyện vọng. “Việc ĐKXT cũng mất thời gian, công sức chẳng khác nào một lần ra Hà Nội dự thi như những năm trước mà tâm lý lúc nào cũng hồi hộp, lo lắng” - Đức Anh chia sẻ.

theo vietnamnet.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh