Theo ông Thành, việc bồi dưỡng sẽ bắt đầu từ các giảng viên sư phạm nguồn là những người sẽ phát triển tài liệu và tổ chức việc bồi dưỡng cho nhóm 4 đối tượng trên. Tiếp theo đó sẽ là mở rộng ra các giảng viên sư phạm ở các trường sư phạm, là người trực tiếp tham gia vào quá trình biên soạn, thẩm định tài liệu và tổ chức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ QLGD ở cấp trung ương và địa phương. Như vậy, sẽ có khoảng 1.000 giảng viên sư phạm và giảng viên QLGD sẽ được bồi dưỡng.

Ở cấp quản lý, sẽ có khoảng 713 cán bộ, trưởng phòng GD&ĐT, cùng với khoảng 1.028 cán bộ lãnh đạo Sở, trưởng phòng GD trung học, trưởng phòng GD tiểu học được bồi dưỡng ở cấp trung ương.

 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An chủ trì buổi cũng cấp thông tin

 

Với đối tượng là hiệu trưởng, Bộ GD&ĐT sẽ chọn ra 4.000 hiệu trưởng trong tổng số 28.000 trường phổ thông trên toàn quốc để tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cấp trung ương để các thầy cô trở thành nòng cốt tiếp tục tiển khai chương trình ở địa phương. “Như vậy, cứ 7 hiệu trưởng thì có 1 người được tập huấn kỹ ở cấp trung ương. Ngoài ra, trong số 28.000 trường phổ thông này, sẽ có 7.000 thầy cô là tổ trưởng chuyên môn được lựa chọn và tập huấn kỹ ở cấp trung ương để đội ngũ này sẽ là người tổ chức các sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường”, ông Thành nói.

“Cuối cùng, để triển khai rộng rãi cho toàn bộ giáo viên, sẽ có khoảng 28.000 thầy cô được lựa chọn là giáo viên cốt cán của mỗi trường được tập huấn ở cấp trung ương. Những giáo viên này sẽ hỗ trợ các đồng nghiệp vừa bằng bồi dưỡng qua mạng, vừa bằng tổ chức các sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường”, ông Thành nói.

Được biết, hiện Bộ GD&ĐT đã triển khai 2 đợt tập huấn. Đợt 1 là khóa tập huấn cho khoảng 200 báo cáo viên nguồn, là lực lượng nòng cốt để phát triển tài liệu cho nhóm 4 đối tượng trên. Các báo cáo viên nguồn là các thầy cô có trình độ từ tiến sĩ trở lên trong các trường sư phạm (gồm 120 người ở 8 trường sư phạm chủ chốt và một số trường sư phạm đặc thù khác); và khoảng 60 giáo viên giỏi ở các trường phổ thông; và một số hiệu trưởng.

Khóa tập huấn thứ 2 khoảng 100 giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt với thành phần là thạc sĩ, tiến sĩ có chuyên môn về quản lý giáo dục được lựa chọn từ 9 cơ sở giáo dục đại học gồm: ĐH Sư phạm Hà Nội; ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội); ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên); ĐH Sư phạm Hà Nội 2; ĐH Vinh; ĐH Sư phạm (ĐH Huế); ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng); ĐH Sư phạm TPHCM; và Học viện Quản lý Giáo dục. 100 giảng viên cốt cán này sẽ là lực lượng trực tiếp tập huấn cho 1.028 cấn bộ quản lý cấp Sở/Phòng Giáo dục và 4.000 hiệu trưởng/hiệu phó cốt cán trên toàn quốc.