Tổ chức lại đội ngũ giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới
- Giáo dục nghề nghiệp
- 17:17 - 14/01/2019
Giải mối lo cho giáo viên
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố chương trình các môn học của chương trình GDPT mới (ngày 27-12-2018), dư luận trong giáo viên đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về chủ trương sắp xếp lại đội ngũ.
Tại hội nghị trực tuyến triển khai chương trình GDPT mới, do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 9-1, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết toàn ngành đang thực hiện chủ trương chung của cả nước là tinh giản biên chế, nay kết hợp thêm chủ trương mới của Bộ GD-ĐT là sắp xếp lại đội ngũ để thực hiện các môn học tích hợp liên môn khiến nhiều giáo viên lo lắng.
Giải đáp băn khoăn này, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết: “Dù được tổ chức theo hình thức tích hợp nhưng nội dung học vẫn có các mạch kiến thức riêng. Do đó, giáo viên trước đây dạy ở môn nào vẫn tiếp tục phụ trách nội dung đó. Bên cạnh đó, Chương trình GDPT mới chỉ quy định số tiết/năm học ở mỗi môn chứ không phân bổ cụ thể số tiết/tuần nên các trường có thể chủ động phân bổ, sắp xếp thời khóa biểu, có thể không xếp lịch học theo tuần mà theo các mốc thời gian như nửa học kỳ, cuối học kỳ để học và kết thúc một mảng kiến thức nào đó”.
Như vậy, yêu cầu sắp xếp lại đội ngũ xuất phát từ những thay đổi của thiết kế chương trình, phải tính toán sao cho hợp lý chứ không đẩy giáo viên vào tình trạng không có việc làm. Trong thời gian chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn từ phía cơ quan chủ quản, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các trường sư phạm không nên vội vàng giải tán hoặc sáp nhập các bộ môn, thay vào đó nên tăng cường kết nối với các đơn vị phổ thông nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc đào tạo, tổ chức lại đội ngũ những năm sắp tới.
Ở góc độ khác, ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, nhận xét áp lực công việc của giáo viên hiện nay đang quá tải. Nhiều thầy cô phải chấp nhận hy sinh thời gian nghỉ ngơi trong dịp hè để tham gia học tập, bồi dưỡng. Do đó, ông Quý kiến nghị Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu có thêm các chính sách động viên giáo viên tham gia học tập bồi dưỡng.
Bỏ quên vai trò giáo viên chủ nhiệm
Chương trình GDPT mới thực hiện giáo dục phân hóa nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh ở bậc THPT, đồng thời cũng quan tâm tích hợp một số nội dung hướng nghiệp ngay từ bậc tiểu học và THCS. Bên cạnh đó, sự xuất hiện các môn học mới, nhóm môn học, chuyên đề tự chọn sẽ khiến cả học sinh lẫn phụ huynh lúng túng khi đưa ra lựa chọn. Do đó, vai trò tư vấn, hỗ trợ của giáo viên chủ nhiệm hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, giáo viên Lê Thị Ngọc Ánh, Trường THPT Lê Hồng Phong (tỉnh Hậu Giang), cho biết hiện nay các trường đang coi nhẹ và lẫn lộn vai trò của giáo viên chủ nhiệm với giáo viên bộ môn: “Hàng năm, các đơn vị không làm công tác bổ nhiệm chức vụ chủ nhiệm lớp, không công bố quyết định trước toàn trường, hội phụ huynh, mà chỉ ghi ở thời khóa biểu như các giáo viên bình thường khác. Về mặt đánh giá, xếp loại giáo viên, nhiều cán bộ quản lý trường học chỉ coi trọng công tác chuyên môn, chưa chú trọng hiệu quả công tác quản lý lớp học. Khi lớp có khuyết điểm thì quy trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm, khi có thành tích thì lẫn lộn giữa thành tích đoàn thể và thành tích cá nhân”.
Nhận định trên càng được củng cố qua kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM mới đây về biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý công tác chủ nhiệm trong trường phổ thông.
Theo đó, có đến 54% giáo viên phổ thông cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến công tác chủ nhiệm gặp khó khăn là do các trường chưa tạo được động lực về vật chất và tinh thần cho giáo viên làm công tác chủ nhiệm; 49,35% ý kiến cũng cho rằng giáo viên đang gặp khó do cơ sở chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá công tác chủ nhiệm lớp.
Th.S Hồ Thế Dũng, Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), phân tích hiện nay vai trò và nhiệm vụ của giáo viên chưa gắn với quyền lợi. Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm chỉ được quy đổi miễn trừ tiết theo định mức (4 tiết/tuần đối với bậc THPT), nhưng thực tế các giáo viên phải mất rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí tiền bạc cho công tác chủ nhiệm.
Mặt khác, khi tốt nghiệp trường sư phạm, các thầy cô chỉ được đào tạo để đứng lớp chứ chưa qua các lớp đào tạo kỹ năng quản lý, tâm lý bài bản nào, khiến công tác chủ nhiệm được xem là quá sức so với năng lực chuyên môn của họ.
Các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu vấn đề giáo viên chủ nhiệm có phải là một chức danh quản lý trong trường học hay không khi triển khai Chương trình GDPT mới. Song song đó, Bộ GD-ĐT nên có thêm các quy định về tiêu chuẩn tuyển chọn giáo viên, đồng thời quy định chặt chẽ hơn về chế độ làm việc, trách nhiệm cũng như phụ cấp ưu đãi tương xứng giúp các giáo viên có thêm động lực, yên tâm công tác. |