THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 05:20

Xem xét hạ điểm sàn cho thí sinh các vùng khó khăn

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ sẽ có những ưu tiên và cân nhắc hạ điểm sàn đối với các trường ĐH thuộc khu vực khó khăn (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ) để các trường này có thể tuyển đủ chỉ tiêu, nếu như Ban chỉ đạo các vùng này có ý kiến. Theo đó, năm 2015, Bộ GD&ĐT có cơ chế hạ mức điểm sàn xuống 1 điểm so với mức chung đối với các thí sinh tại các vùng khó khăn và có nguyện vọng đăng ký vào học tại các trường ĐH trong vùng. Năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét và thông báo tới các trường để các vùng khó khăn này tuyển được thí sinh học tại địa phương mình và sau này phục vụ tại địa phương.Về việc công bố điểm sàn là 15 điểm cho tất cả các khối thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, trên cơ sở phân tích nhiều yếu tố, Hội đồng điểm sàn gồm 27 thành viên đã thảo luận kỹ, tư vấn cho Bộ trưởng để đưa ra mức điểm sàn năm nay. Có 3 phương án đưa ra để Hội đồng cân nhắc là 15,5; 15 và 14,5 điểm. Có thêm ý kiến đưa ra là điểm sàn các khối A, B, C là 15, còn khối D là 14 vì tiếng Anh năm nay có phổ điểm thấp. Cuối cùng, Hội đồng thống nhất chọn mức 15 điểm cho tất cả khối thi truyền thống lẫn khối thi do các trường đưa vào. Mức điểm này dựa trên 3 yếu tố là đảm bảo chất lượng trên cơ sở xem xét điểm trung bình giữa các khối thi; chỉ tiêu của các trường đại học và phương thức xác định tổ hợp xét tuyển. “Điểm sàn này đảm bảo trung bình mỗi môn thi phải được 5 điểm và đủ nguồn tuyển cho các trường. Với kết quả thi năm nay, phổ điểm khối A đẹp nên nguồn tuyển sẽ rất dồi dào”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm.

Đại diện nhiều trường đại học cũng khá hài lòng với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm nay. Ông Nguyễn Văn Bảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc cho rằng, điểm ngưỡng 15 là tương đối đẹp để xét tuyển đối với tất cả các trường, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo đại học. Vì hiện nay các trường tuyển sinh không chỉ dựa vào điểm thi THPT quốc gia mà còn nhiều phương thức như tổ hợp các môn thi hoặc tuyển bằng học bạ. Hiện nay, học sinh cũng tiếp nhận thông tin đa dạng nên nguyện vọng vào trường nào, ngành nào đều đã xác định trước nên mức điểm trung bình 15 là hợp lý, không nên thấp hơn.

Ông Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại đánh giá: Phổ điểm của kỳ thi THPT quốc gia cao hơn các kỳ thi theo “ba chung” trước đây nên mức điểm 15 là hợp lý, đã bao gồm điểm tốt nghiệp THPT của học sinh. Ngưỡng điểm này cũng tạo thuận lợi cho các trường tuyển sinh vì nguồn tuyển dồi dào. Trường Đại học Thương mại cũng quy định mức điểm sàn từ 15 để nhận thí sinh đăng ký xét tuyển.

Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên Cao Tiến Thắng chia sẻ: Ngưỡng 15 là mức điểm an toàn cho các trường vì số thí sinh có mức điểm từ 15 trở lên chiếm một tỷ lệ khá lớn. Với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, việc nhận đăng ký xét tuyển từ 15 điểm cũng sẽ tương đối thuận lợi để tuyển sinh.

Từ 1/8, thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển trực tuyến. Hình thức này sẽ kết thúc sớm hơn 1 ngày so với quy định để nếu có trục trặc, thí sinh vẫn còn thời gian để sử dụng các hình thức đăng ký xét tuyển khác; đảm bảo không có thí sinh nào không đăng ký được bằng các hình thức khác nhau. Thí sinh có ba hình thức đăng ký: Đăng ký trực tuyến trên trang http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn, nộp hồ sơ qua bưu điện và nộp hồ sơ trực tiếp (nếu trường cho phép).

C.H/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh