CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:04

Bình yên Sơn Mỹ

Đây là một trích đoạn trong trường ca “Trẻ con Sơn Mỹ” của nhà thơ Thanh Thảo viết năm 1976, xuất bản vào năm 1978. Những vần thơ vào thời điểm ấy đã khắc họa cuộc sống thanh bình của làng quê Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi sau 10 năm xảy ra cuộc thảm sát đẫm máu, cướp đi sinh mạng 504 thường dân vô tội. 48 năm sau, trên những cánh đồng máu năm xưa, những bờ tre, ruộng lúa đầy xác người trong những bức ảnh do các phóng viên chiến trường ghi lại đã tràn ngập một màu xanh hòa bình.

 

Di tích còn sót lại của "Làng Hồng" hay Mỹ Lai ngày xưa. ảnh: Đông Hải.

LÀNG HỒNG

Làng Hồng tức làng Mỹ Lai-Sơn Mỹ. Cái tên làng Hồng xuất phát từ trong chiến tranh trên bản đồ do công binh Mỹ ấn hành năm 1967. Vào sáng sớm ngày 16/3 cách đây 48 năm, làng Hồng phủ một màu đen tang tóc khi quân đội Mỹ thảm sát 504 đồng bào vô tội ở vùng quê này.

Vụ thảm sát gây chấn động thế giới và đi vào lịch sử với tên gọi thảm sát Sơn Mỹ. Kể từ đó, ngày 16/3 hàng năm đã được lấy làm ngày giỗ chung của đồng bào Sơn Mỹ. 48 năm sau, trên mảnh đất này, màu xanh của sự sống đã phủ lên những ký ức đau thương. Đất và người ở đây quyện chặt vào nhau, ôm choàng sự sống. Màu xanh trù phú ở làng quê Sơn Mỹ hôm nay như một lời khẳng định, sự sống là bất diệt. Năm 1967, trên tấm bản đồ do công binh Mỹ ấn hành, cái tên Mỹ Lai đã được khoanh tròn bằng bút chì đỏ với dòng chữ “Khu vực trách nhiệm của Lữ đoàn 2 thủy quân lục chiến,” được quân đội Mỹ gọi với cái tên mỹ miều là làng Hồng. Ngày 16/3, người dân trong khu vực bị khoanh tròn ấy đã phải hứng chịu một cuộc tàn sát đẫm máu của quân đội Mỹ, Đại đội Charlie do Đại úy Ernest Medina chỉ huy đã sát hại 504 thường dân. Màu hồng trên tấm bản đồ đã thành một màu đen tang tóc.


Kỷ niệm 48 năm thảm sát Sơn Mỹ. ảnh: Đông Hải.

NGƯỜI MỸ ĐẾN MỸ LAI

 Có một người bạn đến từ nước Mỹ luôn có mặt tại lễ tưởng niệm 504 đồng bào Sơn Mỹ bị sát hại hàng năm - đó là ông Roy Mike Boehm, một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam.  Vào ngày 16/3 hàng năm, ông Mike lại kính cẩn nghiêng mình trước nỗi đau Sơn Mỹ và trước tượng đài Sơn Mỹ, bằng cây đàn violon cũ kỹ, năm nào ông cũng cất lên tiếng đàn để cầu mong sự siêu thoát cho các linh hồn vô tội đồng thời, những hồi chuông cầu nguyện cho vong hồn của 504 thường dân vô tội đã được cất lên.

Tiếng chuông vang lên không chỉ cầu nguyện cho 504 linh hồn vô tội được siêu thoát mà quan trọng hơn, nó còn truyền đi thông điệp hòa bình từ Sơn Mỹ đến với bạn bè khắp nơi trên thế giới.

Phóng viên chiến trường Ronald Habelerl, tác giả của bộ ảnh hơn 60 tấm về cuộc thảm sát Mỹ Lai. ảnh: Đông Hải.

Trong số hàng triệu người Mỹ đã đến Mỹ Lai sau chiến tranh và hàng ngàn cựu binh Mỹ đã đặt chân đến vùng đất mà đồng đội của họ, hoặc chính họ đã gây ra tội ác năm xưa có một con người đặc biệt, đó là phóng viên chiến trường Ronald Habelerl, tác giả của bộ ảnh hơn 60 tấm về cuộc thảm sát Mỹ Lai, ông từng tâm sự : Nhiều năm sau chiến tranh, tôi rất muốn trở lại Việt Nam, nhưng nỗi ám ảnh về buổi sáng kinh hoàng tại Mỹ Lai sáng 16/3 cứ níu mãi chân tôi, mặc dù mục đích trở lại Sơn Mỹ của tôi không phải với tư cách là tác giả bộ ảnh cũng không là phóng viên chiến trường năm xưa, tôi đến để tạ lỗi thay những quân nhân của nước tôi.  

Cựu binh Mỹ Roy Mike Boehm kéo đàn vĩ cầm. ảnh: Đông Hải.

Thăm lại khu làng trước đây mình đã chụp những bức ảnh tang thương, Ron Haeberle xúc động nói: Lúc xảy ra sự việc, tôi chỉ cố gắng ghi lại những hình ảnh chân thật nhất để tái hiện sự việc. Tôi biết những hình ảnh đó rất rùng rợn nhưng đó là sự thật nên phải chụp lại. Tôi xin lỗi tất cả mọi người về những gì đã xảy ra. Hàng loạt bức ảnh đang được trưng bày tại phòng trưng bày hình ảnh của Khu chứng tích Sơn Mỹ tái hiện về những cái chết tang thương của 504 người dân cùng sự dã man của quân đội Mỹ đều do Ron Haeberle - với tư cách là phóng viên quân đội chính thức của Mỹ khi ấy, ghi lại.

CÓ MỘT SƠN MỸ KHÁC

48 năm đã qua, gác lại những đau thương, mất mát trong quá khứ, giờ đây địa giới hành chính Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê đã trực thuộc thành phố Quảng Ngãi. Kinh tế phát triển, cuộc sống của người dân làng Sơn Mỹ và xã Tịnh Khê cũng dần được cải thiện. Những đứa trẻ hậu duệ ở Sơn Mỹ đã được học hành, thành đạt, trong đó có không ít những đứa trẻ vượt khó học tập nhờ vào Quĩ học bổng Sơn Mỹ của Nhà thơ Thanh Thảo, người đã sáng lập và tận tâm với nó hơn 14 năm nay.

41 năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, thông điệp không chỉ riêng từ Sơn Mỹ mà rất nhiều nơi trên trái đất này đều khao khát một thế giới hòa bình, không chiến tranh, nhất là trong kỷ nguyên mờ, kỷ nguyên mà con người và chiến tranh đã đạt đến ngưỡng hủy diệt, nếu không biết dừng lại chúng ta sẽ phải chứng nhiều hơn nữa những cuộc thảm sát như  Sơn Mỹ.

Đông Hải/Lao động & Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh