THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:54

Người thương binh lập bảo tàng Chứng tích chiến tranh để tri ân đồng đội

Để tri ân đồng đội

Thuộc diện được miễn nghĩa vụ quân sự (vì có anh ruột là liệt sĩ), nhưng năm 1967, khi vừa học xong lớp 9, ông xung phong nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 420 – Sư đoàn 320B, rồi làm nhiệm bảo vệ cho Quân khu Trị Thiên.

Ông kể: "Suốt 3 từ Ninh Bình vào chiến trường A Lưới (Thừa Thiên-Huế),tôi và đồng đội gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về: Lương thực, vũ khí, thuốc men… địch lại đánh phá điên cuồng.Cuối năm 1969, sư đoàn của tôi cùng Sư đoàn 324 nhận nhiệm vụ đập tan cuộc càn quét của 13 tiểu đoàn địch tại đồi Abia mà quân Mỹ gọi là “đồi thịt băm”, và quân Mỹ đặt tên cho trận chiến ấy là “Tuyết rơi trên đỉnh núi” nhưng sau đó bị quân ta biến thành “Máu rơi trên đỉnh núi”. Tuy thắng lợi những trận đánh ác liệt đó rất nhiều đồng đội đã hi sinh. Tôi là một trong số ít người may mắn sống sót nhưng bị thương nặng được điều trị tại Bệnh viện 268 (Huế)” 

Sau trận đánh đó, ông được điều về làm cán bộ khung, huấn luyện và chuyển quân bổ sung cho các đơn vị. Cuối năm 1972, ông chuyển ngành về công tác tại Bộ Văn hóa - Thông tin cho đến lúc nghỉ hưu.

Bên cạnh những tủ kính để ngăn nắp những tư trang thời chiến của quân đội Việt Nam và xung quanh là những quả bom của Mỹ, ông Hiệp, kể về những tháng năm đi tìm kỷ vật của mình.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (những hình ảnh và kỷ vật kháng chiến sống mãi với thời gian- Nơi đồng đội trở về) của  thương binh Nguyễn Mạnh Hiệp.

Theo lời ông, đất nước hòa bình, để tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh, và hơn thế là để cho thế hệ mai sau biết đến một thời chiến tranh khốc liệt của dân tộc, ông quyết định đi tìm những kỷ vật của một thời máu lửa.

Ông một mình lặn lội khắp từ Bắc vào Nam, sang nước bạn Lào, Campuchia, đến những chiến trường xưa để tìm những kỷ vật. Có những lần ông đi cả tháng trời. Cữ hễ biết tin ở đâu có kỷ vật thời chiến ông lại khăn gói đến nơi hỏi mua bằng được. Đi đến đâu ông cũng để lại số điện thoại, địa chỉ để khi có tin kỷ vật, họ sẽ gọi cho mình.

Ông nói:“Tôi được sống cho đến ngày hôm này là do may mắn. Rất nhiều những đồng đội của tôi đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, nơi đất khách quê người, thậm chí có người không có nổi một nấm mồ. Để tưởng nhớ và tri ân những đồng đội, tôi quyết định đi tìm những kỷ vật thời chiến, dù cho khó khăn, vất vả, tôn thời gian và tiền bạc”.

Hiện ông Hiệp đang sở hữu hơn 1000 kỷ vật thời chiến tranh.

Kể về kỷ niệm đáng nhớ trong những lần đi tìm kỷ vật, ông Nghiệp, nhớ lại: “Trong một lần vào huyện A Lưới, (Thừa Thiên Huế), tìm bom, khi vừa tìm thấy thì trời đổ mưa tôi ướt như chuột lột. Rồi trên đường vận chuyển về tôi lại gặp mưa bão, lúc đó trong người không còn tiền, tôi vừa đói, vừa khát nhưng rồi may mắn được bà con giúp đỡ. Sau lần đó, trở về nhà tôi bị ốm, gầy xanh xao hết cả người”.

 

Bốn quả bom của quân đội Mỹ với những kích cỡ khác nhau.

Sau bao nhiêu năm lặn lội vất vả đi khắp nơi tìm kỷ vật, năm 2011, ông Hiệp khánh thành “Bảo tàng Chứng tích chiến tranh”.

Vợ, con tôi luôn ủng hộ và động viên tôi làm việc này. Vợ tôi chu đáo lắm, mỗi lần tôi đi tìm kỷ vật lại chuẩn bị đầy đủ tư trang, hành lý và tiền cho tôi đi. Ở nhà vợ tôi lại thay tôi lo mọi việc trong gia đình. Không có vợ tôi, chắc tôi không làm được việc này và không xây được bảo tàng trên chính đất thổ cư của mình đang ở” ông Hiệp tự hào nói.

Ước mơ có bảo tàng lớn hơn để trưng bày kỷ vật

Đối với ông Hiệp, tất cả những kỷ vật thời chiến đều vô giá. Sau hơn 20 năm lặn lội tìm kiếm, hiện ông Hiệp đang sở hữu hàng nghìn kỷ vật thời chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam,quân đội các nước: Mỹ, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc…từ những vật dụng nhỏ nhất dùng trong sinh hoạt, tư trang như: Cốc, bát, xoong nồi, dao cạo dâu, quần áo, dù, ảnh….cho đến những thiết bị liên lạc, tivi, đạn, bom, mìn, những bộ phận của máy bay….

Một chiếc tủ kính được ông Hiệp trưng bày ngăn nắp những đồ dùng, tư trang của quân đội 


Ba lô, mũ cối của bộ đội Việt Nam.


Chiếc máy liên lạc của quân đội Mỹ.

Ông cho biết, hiện ông còn rất nhiều kỷ vật nhưng không có chỗ để trưng bày ra vì diện tích bảo tàng đã sử dụng hết.

Vì diện tích nhà "Bảo tàng chiến tích chiến tranh" nhỏ nên ông Hiệp, tận dụng cả phần sân nhà để trưng bày kỷ vật.

Năm nay ông Hiệp, đã 64 tuổi, sức khỏe đã yếu đi nhiều, nhưng người thương binh hạng 4/4 vẫn bảo, còn sống ngày nào, ông vẫn tiếp tục đi tìm kỷ vật.

Chia sẻ về ước mơ của mình, ông Hiệp, cho hay: “ Tôi mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp đỡ để tôi có thể mở rộng bảo tàng của mình. Để tôi có không gian trưng bày hết tất cả kỷ vật thời chiến tranh mà tôi có. Để tưởng nhớ, tri ân đồng đội và hơn thế, tôi muốn lưu giữ lại những kỷ vật một thời của dân tộc cho thế hệ mai sau”.

Đỗ Đức

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh