CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:12

Bình Thủy - vùng đất thắm nghĩa đượm tình

Quận Bình Thủy đang quản lý 1.854 trường hợp đối tượng chính sách, người có công (trong đó, có 1.308 trường hợp hưởng trợ cấp thường xuyên). Thời gian qua, bên cạnh việc quan tâm, thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi, chăm lo gia đình thương binh liệt sĩ, người có công, các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương trong quận đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Qua đó, giúp những gia đình chính sách, người có công luôn cảm thấy ấm lòng, vững tin vươn lên ổn định cuộc sống.

Các cấp chính quyền, đoàn thể ở quận Bình Thủy luôn coi việc chăm lo đối tượng người có công như tình cảm và trách nhiệm của mình

Anh Nguyễn Văn Mạnh, ở khu vực Bình Dương B, phường Long Tuyền, thương binh  hạng 1/4, là một trong những điển hình về vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Anh Mạnh cho biết: “Thời gian qua, gia đình tôi được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi, cất tặng nhà tình thương, dự họp mặt, tặng quà dịp lễ, Tết, động viên gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.

Quê huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, năm 1989, anh Mạnh tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc, tham gia chiến trường Campuchia và bị thương hai chân, tỷ lệ thương tật 81%. Với tinh thần thương binh “tàn nhưng không phế”, anh Mạnh quyết tâm học nghề sửa chữa điện tử, điện cơ và lập nghiệp tại TP Cần Thơ đến nay. Từ năm 2015 - 2017, anh Mạnh làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Long Tuyền. “Tuy thương tật, đi đứng khó khăn nhưng khi địa phương vận động, tôi cố gắng thu xếp công việc để tham gia công tác. Sau này, do sức khỏe kém tôi xin nghỉ và làm Tổ trưởng Tổ tự quản, vận động người dân thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước, các phong trào hành động cách mạng địa phương”, anh Mạnh chia sẻ.

Không chỉ tạo điều kiện về vật chất cho các đối tượng chính sách, mà việc bảo tồn, tôn tạo các di tích cách mạng cũng được địa phương coi trọng, như một trong những cách để truyền lại những giá trị của truyền thống cho thế hệ đi sau. Tại quận Bình Thủy có cơ sở nuôi giấu chiến sĩ cách mạng của Mẹ Việt Nam Anh hùng Tạ Thị Phi. Anh Lê Văn Thái, người con của Mẹ Phi kể: “Bà là cán bộ giao liên của Thành đội, gia đình bà cũng là cơ sở nuôi giấu cán bộ. Đã có nhiều đồng chí cấp cao từng ở đây như đồng chí Vũ Đình Liệu (bí thư khu ủy Khu 9), các đồng chí chỉ huy ở Khu 9, Thành đội Cần Thơ như ông Hai Thông, Năm Viễn…”.

Căn nhà cũ của Mẹ Phi được phục dựng lại trên nền đất cũ để làm chứng tích. Trong nhà, gian trước có tủ thờ mẹ Tạ Thị Phi, gian sau có hầm trú ẩn âm sâu để tránh bom pháo. Một dấu tích gây ấn tượng mạnh cho khách tham quan, đó là cây mận Hồng Đào do mẹ Tạ Thị Phi trồng từ thuở xa xưa năm ấy, nay tính ra có đến gần nửa thế kỉ! Cây dù đã khá già lão nhưng thân vạm vỡ, cành lá xanh tốt, bây giờ mỗi mùa vẫn đung đưa hoa trắng, gợi nhớ cho ta một thời quá khứ vẻ vang, hào hùng nhưng cũng lắm đau thương, bi tráng... Khu di tích lịch sử cách mạng Vườn Mận ngày nay được xem như là tượng đài ghi nhớ công lao những người đi trước và nhắc nhở mọi người của thế hệ hôm nay đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: “Uống nước nhớ nguồn”.

Anh Lê Văn Thái cùng các anh chị em của anh và các con anh đều có công ăn việc làm ổn định. Có dịp bước chân trên những con đường của vùng đất Long Tuyền, Mỹ Khánh, Nhơn Ái, Giai Xuân, Tân Thới, Trường Lạc… không khỏi bỡ ngỡ với những đổi thay đến chóng mặt: Trước đây một vùng ven đô, cỏ cây um tùm, hoang vắng bóng người. Ngày nay, đường sá ngang dọc, nhà cửa khang trang, hiện đại, xe cộ, chợ búa náo nhiệt, nhịp sống sôi động…

Chăm sóc sức khỏe cho đối tượng người có công

Ông Đinh Quyết Thắng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo phường, là một cán bộ hoạt động Cách mạng trước năm 1975 ở vùng ven TP Cần Thơ cho biết: “Phường Long Tuyền được tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân vào năm 1994, được công nhận là phường văn hóa đầu tiên của TP Cần Thơ. Lưới điện quốc gia đã phủ toàn bộ khắp Long Tuyền, lộ nông thôn liên ấp đã bê tông hóa hơn 95%. Mọi trẻ em đến độ tuổi đều được đi học. Long Tuyền có một trung tâm y tế khang trang phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong vùng. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vũng. Thương nghiệp dịch vụ ngày càng phát triển…”.

Nói về hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” diễn ra tại địa phương thời gian qua, ông Lê Tâm Niệm, Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết: “Xác định công tác an sinh xã hội là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nên thời gian qua, quận Bình Thủy triển khai đồng bộ các giải pháp an sinh xã hội trên nhiều phương diện như hỗ trợ người dân phát triển sản xuất; rà soát, giải quyết các chế độ chính sách cho người nghèo, hộ cận nghèo; chăm lo, giải quyết các chế độ chính sách với người có công, đối tượng trợ cấp xã hội... để họ vươn lên trong cuộc sống.

Cụ thể, ngoài việc chăm lo chế độ chính sách cho các đối tượng được kịp thời, đúng quy định, từ đầu năm đến nay, quận Bình Thủy còn mở 13 lớp đào tạo nghề và giải quyết việc làm được 1.982 lao động; cấp thuốc miễn phí 1.547 lượt người thuộc gia đình chính sách người nghèo với kinh phí 319 triệu đồng; tổ chức thăm hỏi, chúc Tết, họp mặt tặng quà, trợ cấp Tết cho các gia đình chính sách, các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn 17.919 phần quà với số tiền 8,199 tỷ đồng".

Cũng theo lãnh đạo quận Bình Thủy, phong trào đền ơn đáp nghĩa ở đây đã có sự chuyển biến tích cực. Các tổ chức chính trị, xã hội nhiệt tình đóng góp xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, tham gia xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho các gia đình diện chính sách. Nhờ đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Hiện tại, quận đã giải quyết cơ bản vấn đề khó khăn về nhà ở cho các gia đình chính sách trên địa bàn.

Bên cạnh đó, hàng năm vào dịp lễ tết, Quận ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN quận, các phường đều tổ chức đoàn đến thăm tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn đảm bảo đúng đối tượng và kịp thời, với số tiền trên 6,3 tỷ đồng (từ năm 2010 - 2015). Giá trị vật chất của mỗi phần quà có thể không nhiều, song đây là tấm lòng, sự chia sẻ của cộng đồng với các gia đình có nhiều hy sinh, đóng góp cho đất nước.

Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội còn tích cực chăm sóc gia đình người có công như: nhận phụng dưỡng suốt đời 08 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm lượt người thuộc gia đình chính sách, người có công cách mạng trên địa bàn. Đối với con em thương binh, gia đình chính sách được ưu tiên tạo việc làm tại các doanh nghiệp có thu nhập cao...

Các hoạt động chăm lo cho đối tượng người có công luôn được tổ chức thường xuyên

Được biết, trong dịp Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/2018), quận đã triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, nổi bật như: họp mặt, tặng 100 phần quà các gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn; Lễ Thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ Long Tuyền; đoàn cán bộ lãnh đạo Quận ủy, UBND quận đến nhà thăm hỏi, động viên và tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng và các thương binh nặng; vận động xã hội hóa tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí 500 người có công, gia đình chính sách; dự trù kinh phí trợ cấp cho 450 thân nhân gia đình thờ cúng liệt sĩ, tổng số tiền 242 triệu đồng; đưa 6 người có công với cách mạng tiêu biểu tham quan thủ đô Hà Nội; thực hiện xác lập hồ sơ truy tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tiếp tục rà soát hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở các gia đình thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở; tập trung giải quyết đúng quy trình xác nhận, đề nghị công nhận và thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học, đảm bảo chặt chẽ, công khai, đúng quy định...

Hòa trong niềm vui chung, Mẹ Việt Nam Anh hùng Đồng Ngọc Sứ, ngụ khu vực 3, phường An Thới cho biết: “Mỗi độ Xuân về, Tết đến, ngôi nhà của Mẹ lại trở nên ấm áp hơn khi được các cháu, các cấp các ngành và chính quyền địa phương quan tâm thăm hỏi. Điều đó đã góp phần xoa dịu nỗi nhớ người con đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc”. 

Những việc làm thiết thực trên là động lực lớn khuyến khích, động viên các hộ gia đình chính sách nỗ lực vươn lên. Nhiều gia đình thương, bệnh binh đã trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

NGỌC HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh