THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:52

Bình Thuận: Ngư dân khóc ròng vì tàu vỏ thép hàng chục tỷ đồng 'đắp chiếu' nằm bờ

 

Vừa qua, Báo điện tử Dân Sinh đã nhận đơn cầu cứu của anh Ngô Thanh Sơn (sinh năm 1973), tại Bình Thuận.

Theo đơn phản ánh của anh Sơn, năm 2011, gia đình anh đã xin đóng mới 1 con tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận đã ra Quyết định số 1165/QĐ-SNN cho phép công ty của gia đình anh được đóng mới tàu cá.

Trong thời gian thi công đóng mới tàu, tỉnh Bình Thuận triển khai thực hiện Nghị định 67/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Tàu đóng mới của gia đình anh hội đủ các tiêu chuẩn đáp ứng quy định tại Điểm a, khoản 1, Điều 4 Nghị định 67/NĐ-CP của Chính Phủ.

Do thời gian đóng tàu đúng vào thời điểm Nghị định 67/NĐ-CP có hiệu lực thực hiện nên ngày 16/10/2014, công ty của gia đình anh đã làm đơn xin tham gia chương trình vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/NĐ-CP. Thời điểm đó, UBND huyện Đảo Phú Quý không xem xét và không chuyển đơn của công ty lên UBND tỉnh Bình Thuận.

 

Con tàu mang số hiệu BTH - 97679 - TS là tàu dịch vụ hậu cần nghề cá phải nằm bờ. 


Ngày 11/6/2016, anh tiếp tục làm đơn gửi đến các cơ quan: UBND xã Tam Thanh; UBND huyện Đảo Phú Quý; UBND tỉnh Bình Thuận; Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận; Chi nhánh Ngân hàng Nhà Nước tỉnh Bình Thuận. Nội dung đơn đề nghị tham gia danh sách đăng ký đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/NĐ-CP.

Sau đó, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản số 2065/UBND-KTN ngày 14/6/2106 trả lời đơn xin tham gia đóng tàu DVHC theo Nghị định 67, trong đó từ chối với lý do: “UBND Huyện Đảo Phú Quý không đồng ý đề nghị UBND tỉnh phê duyệt, vì chủ tàu còn nợ thuế và khả năng tài chính không đảm bảo”.

Với lý do Công ty cổ phần EU Thanh Lâm của anh đang nợ thuế với số tiền 2,8 tỷ. “Tôi không biết cái công văn nợ thuế ấy từ đâu ra, vì lúc đó doanh nghiệp của tôi vẫn đang làm ăn bình thường và trên đà phát triển”, anh Sơn cho biết.

Cũng từ công văn nợ thuế 2,8 tỷ từ trên trời rơi xuống, doanh nghiêp của anh Sơn là Công ty cổ phần EU Thanh Lâm rơi vào bế tắc và phá sản, mã số thuế bị thu hồi. Con tàu của anh đang đóng cũng không được thêm vào danh sách đóng mới theo Nghị định 67.

Thấy sự vô lý từ công văn trên, anh Ngô Thanh Sơn đã đi gõ cửa các cơ quan chức năng để tìm cho ra sự thật. Đến ngày 2/6/2016, Cục Thuế tỉnh Bình Thuận ra công văn cho biết, Công ty cổ phần EU Thanh Lâm của gia đình anh Ngô Thanh Sơn không hề nợ thuế.

 

Những tài liệu liên quan đến việc vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 CP.


Sau đó, anh Sơn tiếp tục làm đơn xin vào danh sách đóng mới tàu cá theo Nghị định 67. Lúc này, các đơn vị liên quan của Ban chỉ đạo 67 tỉnh Bình Thuận đều lần lượt ra công văn chấp nhận đề nghị vay vốn của anh Lâm.

Trong đó, công văn của UBND huyện Phú Quý nêu rõ, Công ty cổ phần EU Thanh Lâm đủ điều kiện đăng ký đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 vì những lý do: Hiện Công ty cổ phần EU Thanh Lâm không còn nợ thuế với Nhà nước; đơn vị có đủ vốn đối ứng để vay vốn đống mới tàu cá theo quy định; ngành nghề đăng ký hoạt động của công ty là một trong những ngành nghề đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện.

Vì vậy, đến ngày 1/1/2016, UBND tỉnh Bình Thuận đã đồng ý bổ sung con tàu của Công ty cổ phần EU Thanh Lâm vào danh sách vay vốn theo Nghị định 67 (đợt 17) của huyện Phú Quý để làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, từ đó đến nay, anh Ngô Thanh Sơn vẫn chưa tiếp cận được vốn vay từ Agribank tỉnh Bình Thuận.

Ngoài ra, trong công văn ngày 27/10/2016 của Ngân hàng Nhà nước gửi tới UBND tỉnh và Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cũng nêu rõ: NHNN tỉnh nhận thấy đề nghị của Công ty EU Thanh Lâm là phù hợp với tình hình thực tế và chính sách tín dụng phát triển thủy sản theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Được biết, con tàu của gia đình anh Sơn có giá trị đến đến hàng chục tỷ đồng nhưng chính vì sự chậm trễ khó hiểu của Agribank nên đến nay vẫn không đủ vốn để vận hành ra khơi bám biển.

“Con tàu của chúng tôi hoàn toàn đủ điều kiện để được vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ nhưng đến nay vẫn phải nằm bờ chờ đợi. Ngân hàng trì hoãn hết lần này đến lần khác, mục đích là không muốn tôi được vay vốn”, anh Lâm bức xúc.

 

Sổ đăng kiểm tàu cá mang số hiệu BTH - 97679 - TS của Công ty cổ phần EU Thanh Lâm.


“Hiện chúng tôi rất hoang mang lo lắng, lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn do chưa vay được vốn để đưa tàu đi vào hoạt động. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự công bằng nhưng gia đình rất mệt mỏi”, anh Sơn chia sẻ.

Nhận được đơn cầu cứu, Văn phòng miền Nam - Báo Lao động & Xã hội (Báo đện tử Dân Sinh) đã liên hệ với Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh tỉnh Bình Thuận để tìm hiểu nguyên nhân cụ thể.

Đại diện Agribank chi nhánh tỉnh Bình Thuận, ông Huỳnh Tấn Nam - Giám đốc ngân hàng đã có công văn trả lời rất ngắn gọn cho Báo Lao động & Xã hội (Báo điện tử Dân Sinh) với nội dung: Từ năm 2009, Công ty cổ phần EU Thanh Lâm đã được Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Phú Quý - Bình Thuận cho vay để đóng tàu dầu (tàu mang số hiệu BTH - 97679), quá trình vay vốn được ngân hàng cho vay bổ sung nhiều lần để hoàn thiện con tàu. Tuy nhiên, ngày 16/12/2017, Công ty cổ phần EU Thanh Lâm lại đề nghị vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 cho chính con tàu này. Và Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Bình Thuận đã từ chối cho vay.

 

Công văn của NHNN về việc đề nghị xác nhận cho vay vốn theo Nghị định 67 cho con tàu mang số hiệu BTH - 97679 - TS của Công ty cổ phần EU Thanh Lâm.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, con tàu mà anh Ngô Thanh Sơn xin vay vốn theo Nghị định 67 của CP mang số hiệu BTH - 97679 - TS là tàu dịch vụ hậu cần nghề cá do Sở NN&PTNT quản lý; có quyết định đóng mới, thiết kế kỹ thuật, đăng kiểm và các giấy tờ liên quan thuộc quyền sở hữu của Công ty cổ phần EU Thanh Lâm. Còn con tàu mang số hiệu BTH - 97679 là tàu dầu do Sở GTVT quản lý mà Agribank chi nhánh tỉnh Bình Thuận trả lời cho Báo Lao động & Xã hội là không liên quan đến con tàu của anh Ngô Thanh Sơn.

Sau đó, Văn phòng miền Nam Báo Lao động & Xã hội đã gửi thư thứ 2 về một số thắc mắc cần làm rõ trong đơn cầu cứu của anh Sơn. Tuy nhiên, Văn phòng miền Nam Báo Lao động & Xã hội vẫn chưa nhận được nội dung phản hồi từ Agribank tỉnh Bình Thuận.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh