THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:05

Bình Thuận: Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1 - 1,2%

 

Trao tặng nhà cho hộ nghèo ở Hàm Thuận Bắc.

 

Ưu tiên cho vay vốn sản xuất, đào tạo nghề và làm nhà

Để hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo luôn được tỉnh quan tâm ưu tiên theo điều kiện sản xuất của từng vùng và hộ nghèo, với thủ tục cho vay thuận lợi. Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã giải quyết cho 1.130 hộ nghèo vay vốn sản xuất với số tiền gần 38,3 tỷ đồng, nâng tổng số hộ dư nợ đến nay tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh gần 284 tỷ đồng với 12.733 hộ nghèo vay. Hầu hết các hộ nghèo vay vốn sản xuất đều được tư vấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng vật nuôi thông qua các lớp dạy nghề lao động nông thôn, khuyến nông - lâm, ngư nên làm ăn hiệu quả, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động được đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay đã tuyển mới đào tạo nghề cho 4.323/10.000 lao động (đạt 42,32% so với kế hoạch năm), trong đó đào tạo nghề cho 90 lao động hộ nghèo và 127 lao động hộ cận nghèo. Toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 13.390 lao động (đạt 55,79% so với kế hoạch năm), trong đó đưa đi làm việc ở nước ngoài 98 lao động, cho vay vốn giải quyết việc làm 380 lao động, cung ứng 2.050 lao động cho các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương.

Hộ nghèo còn được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2016 đã có 30 hộ nghèo vay để cải thiện nhà ở với số tiền 750 triệu đồng; nâng tổng số hộ dư nợ cho vay hộ nghèo về nhà ở đến nay tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 3.620 hộ với số tiền gần 8,8 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh đã phân bổ cho các địa phương hỗ trợ hộ nghèo vay xây dựng nhà ở 1 tỷ đồng. Ngoài ra các địa phương đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 30 căn nhà cho hộ nghèo.

Triển khai hiệu quả các dự án, mô hình giảm nghèo bền vững

Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã tích cực triển khai hiệu quả các dự án, mô hình giảm nghèo bền vững. Như Chương trình 30a trong năm 2017 được Trung ương phân bổ kinh phí thực hiện cho tỉnh Bình Thuận hơn 1,9 tỷ đồng. Tỉnh đã dành nguồn vốn này để đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 1 tỷ đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo hơn 4 tỷ đồng, hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 65 triệu đồng.

Chương trình 135 tổng vốn Trung ương phân bổ kinh phí thực hiện cho tỉnh Bình Thuận gần 17,4 tỷ đồng. Tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng gần 13 tỷ đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo là 800 triệu đồng. Ngoài ra Trung ương còn hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã nằm ngoài chương trình 135 gần 1,8 tỷ đồng. Tỉnh đã đầu tư 80 triệu đồng để xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững nuôi vịt biển kiêm dụng tại xã Tân Hà, huyện Hàm Tân.

 

Mô hình trồng cây bắp lai tại xã La Dạ, Hàm Thuận Bắc nâng cao mức thu nhập cho hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. 

 

“Nhìn chung các địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả như các mô hình: Thanh long VietGap; xây dựng cánh đồng lúa năng suất cao; nhân giống lúa xác nhận; nuôi gà an toàn sinh học; nuôi heo sinh sản theo hướng nạc; khai thác cá chình bằng lồng bẫy; nuôi cá nước ngọt… Các hộ gia đình tham gia mô hình làm kinh tế hộ phát triển theo hướng tích cực, biết áp dụng loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, thu nhập của hộ nâng lên, đời sống được cải thiện”, ông Nguyễn Ngọc Thành nhìn nhận.

Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và mặt trận, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong công tác giảm nghèo nâng lên. Trong phạm vi từng cấp, từng ngành đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo và tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, đáp ứng nhu cầu của người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất và tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Thành, việc triển khai công tác giảm nghèo cũng còn một số mặt tồn tại, hạn chế, đó là: Tiến độ phân khai nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững còn chậm. Việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội khác và việc huy động nguồn lực trong xã hội tập trung cho công tác giảm nghèo còn nhiều khó khăn. Mức sống dân cư giảm sút do giá cả thị trường tăng cao. Tình hình dịch bệnh trong trồng trọt và chăn nuôi ngày càng nhiều nên việc tham gia BHYT của hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình và hộ dân cư theo Luật BHYT còn hạn chế.

Để phấn đấu đến cuối năm 2017 đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1 - 1,2%, toàn tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo và an sinh xã hội đến các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện dự án, chính sách giảm nghèo.

Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, từng bước cải thiện điều kiện sống của người nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Huy động mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội cùng tham gia các hoạt động giảm nghèo và an sinh xã hội thông qua công tác cứu trợ, hỗ trợ bằng tiền, vật chất bảo đảm tính công khai, dân chủ và minh bạch.

Tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp của doanh nghiệp, vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư thực hiện các dự án tại các xã có tỷ lệ nghèo cao; các xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

NGỌC MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh