THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:21

Bình Phước: Thực hiện giảm nghèo bền vững – giải quyết việc làm hiệu quả

 

Sự nỗ lực của các cấp, các ngành năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,51%

Với quyết tâm phấn đấu giữ vững tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo; giảm tỷ lệ hộ nghèo phát sinh, củng cố kết quả giảm nghèo bền vững toàn diện hơn, hàng loạt các nhóm giải pháp đã được đề ra và đang từng bước triển khai thực hiện toàn diện trong năm 2016.

Theo ông Võ Văn Mãng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước, Chương trình xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm của tỉnh Bình Phước trong giai đoạn 2011- 2015 và năm 2016 được triển khai bằng những hoạt động thiết thực, gắn những chương trình này với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở. Các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài tỉnh hỗ trợ cho chương trình giảm nghèo của Bình Phước về tài chính, vật chất rất phong phú, đa dạng. Ngay từ khi Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo các cấp từ tỉnh đến cơ sở được thành lập, chính quyền, ban, ngành đoàn thể ở địa phương đã phân công cụ thể việc phụ trách các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Tỉnh đã tăng cường cán bộ về các xã thực hiện chương trình và áp dụng một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm, cấp cây con giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ nghèo. Vận động người dân tương trợ, giúp đỡ và tạo việc làm cho hộ nghèo thông qua các tổ chức, đoàn thể xã hội, Mặt trận tổ quốc.

Đào tạo nghề cho lao động là người dân tộc

 

Với sự nỗ lực từ các cấp, các ngành và đoàn thể năm 2016 đã giải quyết việc làm cho 37.464 lao động, đạt 125% kế hoạch năm; duy trì tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở mức dưới 3,2% và tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn ở mức trên 90%.  Giảm 0,64% tỷ lệ hộ nghèo, đạt 128% kế hoạch, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,51% cuối năm.

Xác định tạo việc làm cho người lao động là một trong những giải pháp giảm nghèo hiệu quả. Năm 2016, tỉnh đã tổ chức tư vấn việc làm, nghề, chính sách pháp luật lao động cho 18.276 lao động; giới thiệu việc làm cho 522 lao động; tổ chức 05 phiên giao dịch việc làm với 73 doanh nghiệp (có nhu cầu tuyển dụng 20.754 lao động) và thu hút 3.420 lao động tham gia. Đã giúp người lao động có nhu cầu việc làm có cơ hội, dễ dàng tìm được việc làm và giúp người sử dụng lao động tìm kiếm nhân lực theo yêu cầu công việc.

Hiệu quả từ các giải pháp giảm nghèo bền vững

Ông Võ văn Mãng cho biết: Qua nhiều năm thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến các xã ở Bình Phước đã thực hiện đồng bộ những giải pháp đối với hộ nghèo. Đó là chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ y tế, giáo dục; chính sách hỗ trợ nhà ở, tiền điện. Song song đó là việc thực hiện các dự án như: dạy nghề cho người nghèo, khuyến nông, lâm, ngư; dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo... Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đã thực hiện các chính sách hỗ trợ đặc thù. Đó là Chương trình 135, hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ nghèo (134); chính sách định canh, định cư; hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào; hỗ trợ sinh viên người dân tộc thiểu số... Những chính sách, dự án này đã mang đến cho hộ nghèo, vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số những sắc thái mới, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững, vươn lên khá, giàu.

Năm 2016, tỉnh đã tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo. Kết quả là đã mua và cấp phát thẻ BHYT cho người nghèo, hộ cận nghèo , cho người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn, cho người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. hỗ trợ tiền điện cho 14.627 lượt hộ nghèo; 2.027 lượt hộ nghèo được vay vốn và 2.288 lượt hộ cận nghèo được vay; 2.412 lượt hộ có HSSV được vay vốn với tổng số tiền cho vay 27.738 triệu đồng theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ; trợ giúp pháp lý miễn phí cho 52 lượt người nghèo,….

Xây dựng  mô hình giảm nghèo tại xã An Khương, huyện Hớn Quản và duy trì thực hiện 06 mô hình giảm nghèo (4 mô hình Chăn nuôi bò sinh sản tại xã Bình Minh huyện Bù Đăng, xã Lộc Hưng huyện Lộc Ninh và xã Phước Minh, xã Đăk Ơ, huyện Bù gia Mập; 1 mô hình Chăn nuôi gà thả vườn tại xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú; mô hình Chăn nuôi dê sinh sản tại xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp).

Trên cơ sở các chính sách chương trình giảm nghèo bền vững, tỉnh còn thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về hộ nghèo, nguyên nhân nghèo, nguyện vọng của hộ nghèo để làm căn cứ xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể trên địa bàn để tổ chức triển khai các giải pháp giảm nghèo một cách đồng bộ, có hiệu quả; phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện.

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động

 

Năm 2017, tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho 30.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở mức dưới 3,2% và duy trì tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn mức trên 90%. Đào tạo nghề cho 6.000 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 48%. Giảm 0,6% tỷ lệ hộ nghèo.

Để thực hiện hiệu quả các chỉ tiên đề ra, ông Võ Văn Mãng chia sẻ những giải pháp: Hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua việc điều tra khảo sát cung cầu lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm (dự kiến tổ chức 04 phiên), đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và tích cực thu thập thông tin thị trường việc làm trong và ngoài nước để cung cấp cho người lao động cũng như thông tin nhu cầu việc làm để doanh nghiệp biết tuyển dụng. Tăng cường xuất khẩu lao động để giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về công tác xuất khẩu lao động, thị trường lao động đến mọi tầng lớp nhân dân, đến tận vùng sâu vùng xa.s

 Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo như về mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục, tín dụng ưu đãi, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo….Xây dựng 01 mô hình giảm nghèo tại xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh.

Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo tại địa phương. Kịp thời nắm bắt thực tiễn thực hiện Chương trình, tháo gỡ những vướng mắc, chấn chỉnh những sai sót đối với việc thực hiện chương trình giảm nghèo (nếu có). Tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo các cấp. Thực hiện các hoạt động tuyên truyền giảm nghèo.

NGỌC TÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh