Bình Dương: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
- Giáo dục nghề nghiệp
- 16:04 - 03/09/2017
Năm 2017, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%
Trong thời gian qua, công tác đào tạo và dạy nghề trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có những bước phát triển, đóng góp quan trọng về lực lượng lao động có tay nghề từ đó chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo chỉ tiêu của tỉnh, năm 2017, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 24%. Dự kiến năm 2017, tỉnh tuyển sinh 42.217 học sinh, sinh viên; đào tạo cho 1.380 học viên. Trong đó phi nông nghiệp: 880 người, nông nghiệp: 500 người. Đến năm 2020, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó có văn bằng chứng chỉ đạt 30%; bên cạnh đó hình thành từ 02 -03 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo chất lượng cao của tỉnh và tổ chức thành công Hội giảng nhà giáo dạy giỏi cấp tỉnh, Kỳ thi tay nghề cấp tỉnh.
Sinh viên thực hành tại trường CĐ Nghề Việt Nam - Singapore.
Tỉnh đã thực hiện tốt việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp (DN) thông qua việc hỗ trợ DN tham gia đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho NLĐ. Các cơ sở dạy nghề thực hiện các chương trình gắn kết với DN như đưa học viên đến thực tập tại DN để làm quen với môi trường sản xuất, kinh doanh. Từ đó có thêm kinh nghiệm để học viên tự tin vào làm việc tại các DN sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, các trường dạy nghề đều có phòng quan hệ DN để giới thiệu việc làm cho học viên, cũng như giúp DN tìm đúng lao động theo nhu cầu cần tuyển dụng.
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, Sở LĐ-TB và XH tỉnh đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác tuyển sinh học nghề năm 2016, hoạt động dạy nghề gắn với doanh nghiệp và phương hướng nhiệm vụ năm 2016 tại Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Singapore. Tại hội nghị các trường và doanh nghiệp đã có những kiến nghị nhằm kết nối giữa quá trình đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo để từ đó nâng cao hiệu quả của công tác dạy nghề.
Giải pháp khắc phục tình trạng còn khó khăn trong giáo dục nghề nghiệp
Để thực hiện hiệu quả những chỉ tiêu đề ra, trong thời gian tới tỉnh đã tìm ra những giải pháp khắc phục tình trạng còn khó khăn như: giai đoạn 2015-2020 sẽ mở thêm các cơ sở dạy nghề để đào tạo nhân lực tại chỗ. Xây dựng 3 cơ sở dạy nghề đạt chuẩn quốc tế, 20 đơn vị đạt chất lượng cao, các cơ sở còn lại được bảo đảm đạt chuẩn quy định và chia theo đơn vị hành chính cấp huyện, thị, thành phố. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cũng sẽ tăng để đáp ứng nhu cầu học cho HV, học sinh.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh Sở đã tiến hành ra soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở dạy nghề thuộc phạm vi quản lý của tỉnh gồm có: 01 trường Cao đẳng nghề (CĐN Việt Nam – Singapore); 6 Trường Trung cấp nghề (TCN Bình Dương, TCN Việt – Hàn, TCN Tân Uyên, TCN Dĩ An, TCN Nghiệp vụ Công đoàn, TCN Khu công nghiệp) và 03 Trung tâm Dạy nghề (TTDN Dịch vụ và Hỗ trợ nông dân, TTDN Người khuyết tật, TTDN Dầu Tiếng).
Căn cứ vào đội ngũ giáo viên cơ hữu, thỉnh giảng, điều kiện cơ sở vật chất, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực theo dự báo của tỉnh và qua khảo sát thực tế nhu cầu của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, các nhà trường dạy nghề xây dựng các ngành nghề đào tạo mới và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể tăng cường thu hút học sinh theo học nghề như: Phối hợp với các trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh; thông tin, quảng bá ngành nghề đào tạo, hình ảnh của nhà trường trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường công tác chiêu sinh đến các xã, phường, gắn đào tạo với sử dụng lao động, giới thiệu việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường; các trường nhanh chóng ổn định tư tưởng đội ngũ giáo viên, người lao động tại trường; duy trì hoạt động thường xuyên tại đơn vị; đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm học 2017-2018; tăng cường công tác tuyển sinh; nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo cho người học; đảm bảo học sinh sau khi tốt nghiệp đều có việc làm, thu nhập ổn định; tăng cường hợp tác quốc tế, mối quan hệ với doanh nghiệp, các trường THCS, THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên – Kỹ thuật hướng nghiệp; địa phương,… để hoạt động tốt hơn. Nghiên cứu việc sản xuất trong nhà trường nhằm giúp cho CB-GV-CNV có thêm nguồn thu nhập và học sinh có cơ hội thực hành nghề nghiệp tại trường. Xây dựng lộ trình tự chủ đến năm 2020.