CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 09:37

Bình Dương: 99,92% người có công trong tỉnh có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú

Người người, nhà nhà thực hiện "đền ơn đáp nghĩa"

Tại các cuộc họp lấy ý kiến Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, đa số các đại biểu tỉnh Bình Dương cho rằng việc mở rộng một số đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi là cần thiết và đóng góp ý kiến cho một số nội dung, như: Bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học; công nhận liệt sĩ đối với trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát; mở rộng đối tượng người có công với cách mạng là người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày do tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: "Hiện nay,  99,90% người có công trong tỉnh có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú. Cùng với nguồn kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi người có công từ ngân sách Nhà nước, Bình Dương còn mở rộng các nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi và ngày càng cósức hút trong hoạt động xã hội hóa chăm lo người có công".

Bình Dương: 99,92% người có công trong tỉnh có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú - Ảnh 1.

Bình Dương: 99,92% người có công trong tỉnh có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú

Theo thống kê, Bình Dương đang quản lý hơn 63.000 hồ sơ người có công (NCC) với cách mạng và thân nhân NCC với cách mạng, trong đó có 4.939 thương binh, 1.049 bệnh binh, 2.136 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng (66 Mẹ còn sống), 16.560 liệt sĩ và 11.987 thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp thờ cúng hàng năm. Ngoài ra, NCC giúp đỡ cách mạng, lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị phơi nhiễm chất độc hóa học trực tiếp; người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị phơi nhiễm chất độc hóa học gián tiếp; người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương; người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; thanh niên xung phong đều được các cấp, các ngành, các đoàn thể quan tâm thăm hỏi, giúp đỡ.

Tỉnh có 6 nghĩa trang liệt sĩ (trong đó 1 nghĩa trang liệt sĩ cấp tỉnh và 5 nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện), 2 đền thờ, 26 đài tưởng niệm và 64 nhà bia ghi tên liệt sĩ ở các xã, phường. Những công trình này đều được đầu tư khang trang, chăm sóc chu đáo, phát huy giá trị tinh thần và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Ông Phan Thành Sơn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Dương cho biết, tri ân các gia đình có công với cách mạng, cứ dịp 27/7 hàng năm, Hội Cựu chiến binh tỉnh lại tổ chức các hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa ngày 27/7, tổ chức các hoạt động quyên góp, trích quỹ để thăm hỏi các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình có công với cách mạng ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Chính sách từng giai đoạn có thể khác nhau nhưng thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với các gia đình có công với cách mạng, nhờ vậy mức sống của các gia đình chính sách ngày càng được nâng lên.

Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng người có công với cách mạng và các gia đình chính sách. Tiêu biểu như: Các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho đối tượng người có công với cách mạng; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức cho người có công thăm lại chiến trường xưa, đi điều dưỡng nâng cao sức khỏe… Qua các hoạt động đã tạo sự phấn khởi, niềm tin của nhân dân, nhất là các gia đình NCC đối với các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.

Đảm bảo về vật chất, an vui về tinh thần

Ông Lê Minh Quốc Cường – GĐ Sở LĐ-TB&XH chia sẻ: Ưu đãi xã hội đối với người có công là tình cảm và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Thành tựu nổi bật của tỉnh trong thời gian qua là người có công được toàn xã hội quan tâm chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bình Dương: 99,92% người có công trong tỉnh có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú - Ảnh 3.

Tại Bình Dương, chế độ ưu đãi người có công đã được xây dựng và thực hiện tương đối toàn diện.

Tại Bình Dương, chế độ ưu đãi người có công đã được xây dựng và thực hiện tương đối toàn diện. Ngoài trợ cấp còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, giáo dục đào tạo, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; chế độ ưu đãi đối với con của người có công đang theo học ở nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Nguồn ngân sách chi bảo hiểm y tế, ưu đãi trong giáo dục đào tạo đối với người có công và thân nhân của họ mỗi năm lên tới hàng trăm tỷ đồng. Những chính sách này góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, bảo đảm an sinh xã hội, ông Cường cho hay.

Cùng với các chính sách được ban hành, nhân dịp ngày 27/7 hàng năm, Bình Dương còn tổ chức các hoạt động tri ân người có công với cách mạng như thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách. Đến nay, Bình Dương vẫn giữ vững chỉ tiêu đạt 100% xã, phường, thị trấn "Làm tốt công tác thương binh liệt sĩ - NCC".

Nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các huyện, thị xã, thành phố đã lập Kế hoạch kinh phí chi quà tặng, tổ chức họp mặt các đối tượng chính sách. Theo báo cáo từ các huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh đã tặng quà, họp mặt, tặng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 cho 55.884 lượt đối tượng chính sách với tổng số tiền là 20.867.055.000 đồng.

Bình Dương: 99,92% người có công trong tỉnh có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú - Ảnh 4.

Lãnh đạo tỉnh thăm và tặng quà cho gia đình có công với cách mạng

Bên cạnh đó, Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, UBMTTQ Việt Nam tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ngành đã tổ chức Đoàn đến tận nhà để thăm tặng quà, thăm hỏi sức khỏe và động viên tinh thần cho 45 người có công tiêu biểu nhưng thường xuyên đau ốm, bệnh tật do vết thương tái phát, tuổi cao,… tại 9 huyện, thị xã, thành phố với kinh phí 112.500.000 đồng, còn lại 315 phần quà với trị giá 787.500.000 đồng, Lãnh đạo Tỉnh đã ủy quyền cho các huyện, thị xã, thành phố thay mặt Lãnh đạo tỉnh tổ chức thăm tặng.

Các huyện, thị xã, thành phố đã trích ngân sách tặng 1.510 phần quà với số tiền 1.697.000.000 đồng; Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố khen thưởng cho 224 người đạt danh hiệu "Người công dân kiểu mẫu" và 127 hộ là "Gia đình cách mạng gương mẫu".

Ngoài công tác thăm hỏi tặng quà Người có công thì các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng và bàn giao 6 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, sửa chữa 5 căn; tặng 28 sổ tiết kiệm cho người có công.

Nhìn chung, các đối tượng chính sách và gia đình đều phấn khởi và cảm động trước sự quan tâm, chăm sóc của các cấp lãnh đạo, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, không chỉ riêng kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ mà cả những ngày lễ khác trong năm.

Đến nay, 99,92% người có công trong tỉnh đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của vùng dân cư nơi cư trú. 100% xã, phường, thị trấn giữ vững danh hiệu xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh