Bình đẳng giới ở Việt Nam: Những thành tựu đảm bảo quyền con người
- Dược liệu
- 14:48 - 18/11/2016
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp mặt các nữ đại biểu Quốc hội khoá XIII
Quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới
Trong các văn kiện thành lập Ðảng tháng 2 năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một chủ trương lớn về phương diện xã hội “thực hiện nam nữ bình quyền”. Ðiều đó chứng tỏ, ngay từ khi thành lập Ðảng, vấn đề bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ đã được Bác Hồ và Ðảng ta hết sức coi trọng trong xây dựng đường lối cách mạng.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện nhiều bước đột phá về nhận thức và hành động, từ khía cạnh luật pháp, chính sách đến thực tiễn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Điểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Ngay từ năm 1946, trong Hiến pháp đầu tiên của chế độ mới, mục tiêu bình đẳng giới đã được ghi nhận. Tiếp đó, trong các lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, việc bảo đảm bình đẳng giới đều được quy định rõ ràng. Hiến pháp năm 2013 quy định “công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới” và “nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”
Bên cạnh đó, Luật Bình đẳng giới (năm 2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007) được triển khai thực hiện. Nhiều bộ luật khác có liên quan mật thiết đến quyền lợi của nam giới và nữ giới như Luật Phòng, chống mua bán người (năm 2012), Bộ luật Lao động (năm 2012), Luật Việc làm (năm 2013),… đều được lồng ghép vấn đề giới.
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2351/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Đây là văn kiện quan trọng nhằm cụ thể hoá các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, cũng như những giải pháp chính để thực hiện các mục tiêu quốc gia theo quy định của Luật Bình đẳng giới. Mặt khác, đây cũng là một trong những Chiến lược được Chính phủ ban hành kịp thời, sớm nhất để chúng ta có cơ sở pháp lý thực hiện ngay từ những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ 2011-2015.
Một trong những giải pháp quan trọng, đột phá trong thực hiện Chiến lược là ngày 22/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1241/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 với 5 dự án thành phần và số tiền dự kiến bố trí là 955 tỷ đồng cho 5 năm thực hiện Chương trình. Đây là lần đầu tiên Chính phủ bố trí ngân sách cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới từ trung ương đến địa phương. Điều đó đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, cũng như các mục tiêu về bình đẳng giới trong các Mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
Điểm sáng trong thực hiện
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các nguyên lãnh đạo Nhà nước gặp gỡ các doanh nhân nữ
Theo xếp hạng của Liên hợp quốc về chỉ số bất bình đẳng giới (GII) năm 2014, Việt Nam xếp thứ 60/154 quốc gia được xếp hạng. Điều đó cho thấy những nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Với sự đồng tâm hiệp lực của các cấp, các ngành công tác bình đẳng giới đã đạt được nhiều thành tựu góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 -2020, kết quả công tác bình đẳng giới trong các lĩnh vực đã có thêm nhiều điểm sáng như: Lần đầu tiên chúng ta có 3 đồng chí nữ tham gia Bộ Chính trị, có Chủ tịch Quốc hội là nữ. Với tỷ lệ 26,8% nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV. Lao động nữ chiếm tỷ lệ 48,3% trong lực lượng lao động của cả nước. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp, chủ trang trại đạt 24,9%. Trên 80% hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ tại các vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để tạo việc làm, giảm nghèo. Tỷ lệ biết chữ của phụ nữ trong độ tuổi từ 15-24 đạt 96,5% và khoảng cách giới trong các cấp học phổ thông ở Việt Nam là không đáng kể. Tỷ số tử vong mẹ ở Việt Nam đã giảm hơn 3 lần từ 233/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 1990 xuống còn 58,3/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2015. Đã có nhiều mô hình thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ được triển khai hiệu quả ở các cấp, các ngành trong thời gian vừa qua. “Những thành tựu trong thực hiện bình đẳng giới góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người” – Thứ trưởng khẳng định.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới là một bộ phận cấu thành quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, là cơ sở nền tảng của chiến lược phát triển con người của Đảng và Nhà nước. Công tác bình đẳng giới là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội.
Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chính phủ cần chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia để đảm bảo tính khả thi. Bố trí ngân sách cho việc thực hiện các chính sách bình đẳng giới. Các bộ, ngành đầu tư nguồn lực cho công tác cán bộ nữ. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách phát luật về bình đẳng giới thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành. Tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ về kỹ thuật, thông tin tài chính của các tổ chức quốc tế… Bên cạnh đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác bình đẳng giới. Thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới. Thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của các bộ, ngành; trong xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới.