Bị sờ mó, gạ gẫm, vuốt ve: Đừng cay đắng cam chịu
- Pháp luật
- 16:44 - 01/10/2015
Chuyện của “khổ chủ”
Quấy rối tình dục (QRTD) là chuyện không mới và nạn nhân của tệ nạn này đa phần là phụ nữ. QRTD ảnh hưởng trầm trọng đến tâm lý, cuộc sống, khiến nạn nhân sợ hãi, cảm thấy xấu hổ và nhiều khi hủy hoại cả một đời người. Thế nhưng thông qua nhiều câu chuyện có thật, hầu như nạn nhân vì sợ ảnh hưởng đến danh dự nên đã cố gắng cam chịu, hoặc thiếu kỹ năng chống lại những kẻ sàm sỡ.
Trần Thị L.T là nhân viên truyền thông của một Cty tại TP.HCM. Học trung cấp du lịch nhưng T không theo nghề, vì làm hướng dẫn viên đi tuor thì không đủ sức khỏe, mà làm sales cũng không kham nổi doanh số, chỉ tiêu. Cuối cùng, nhờ ngoại hình khá xinh xắn, T xin được làm PG, không lâu sau đó chị “lọt vào mắt xanh” của giám đốc một Cty truyền thông. Qua nhiều lần gặp gỡ, T được mời về làm thư ký riêng cho giám đốc.
Công việc nhẹ nhàng với mức lương khá cao khiến T vô cùng biết ơn sếp. Được ít lâu, giám đốc thường xuyên sai cô đi cùng mình mỗi khi chiêu đãi đối tác. Sau khi ngà ngà men rượu, ông ta hay gọi T vào phòng làm việc nhờ bóp trán. Rất nhiều lần sếp bắt T dìu đỡ và tranh thủ ôm eo, dựa đầu vào ngực cô. T tâm sự: “Em rất sợ, em biết sếp đang để ý tới mình nhưng lại không dám phản ứng, phần vì sếp chưa đi quá xa, phần thì sếp cũng giúp em đổi đời. Em dự định làm thêm một thời gian nữa cho có kinh nghiệm rồi xin nghỉ, chứ ở đây, lỡ ai biết em bị vậy chắc mắc cỡ mà chết”.
Phụ nữ luôn là nạn nhân của tình trạng quấy rối tình dục. (Ảnh minh họa).
Cũng bị QRTD như T nhưng câu chuyện của N.H. lại “kỳ cục” đến độ dở khóc, dở cười. Vốn tính tình phóng khoáng và hiện đại, Cty cũng không quy định đồng phục nên mỗi khi hứng chí N.H lại sexy tối đa lúc đến văn phòng. Những bộ trang phục khoét sâu, hở ngực, hở lưng và ngắn để tôn vòng ba, đôi chân dài là lựa chọn yêu thích của N.H. Chính vì thế, N.H đã lọt vào tầm ngắm của một nhân viên nam chung phòng. Người này thường tìm cách đi chung thang máy rồi ép sát người N.H, lợi dụng tình đồng nghiệp để ôm vai, bá cổ N.H một cách suồng sã. Và đỉnh điểm là khi tên này dám sờ ngực N.H khi vờ sang hỏi việc.
Tính cách mạnh mẽ. N.H lập tức kiện lên Cty, yêu cầu đuổi việc nhân viên nam này. Nhưng kết quả N.H lại là người ra đi. Cô bức xúc: “Tôi đã tố cáo hắn, nhưng đến khi cả Cty họp về vấn đề này, hắn lại đổ thừa tôi ăn mặc quá gợi cảm, khiến hắn bị khiêu khích. Bề ngoài thì mọi người có vẻ bênh vực tôi, nhưng sau lưng họ lại dè bỉu và cho rằng bị như thế là đáng. Quá uất ức tôi đã xin nghỉ việc”.
Phòng “bệnh” hơn “chữa bệnh”
Theo ông Huỳnh Anh Bình, để bị QRTD đến mức phải đắn đo việc tố cáo nghĩa là sự việc đã quá muộn. Tốt hơn hết, phụ nữ nên đề phòng để tránh những việc không hay xảy ra cho mình. Nhưng nếu đã vô cùng giữ ý tứ, vẫn bị sàm sỡ thì vẫn có cách để ngăn chặn.
Nơi công sở, hầu hết tập trung những người có học vấn, trí thức và đây là môi trường có vẻ dễ đề phòng hơn. Tuy nhiên, vấn đề QRTD nơi công cộng thì phức tạo hơn nhiều. Theo ông Huỳnh Anh Bình, hãy hành động quyết liệt nếu bị QRTD nơi công cộng, bởi: “Chắc chắn mọi người sẽ đứng về phía bạn, chẳng ai ủng hộ hành động vô văn hóa. Vấn đề ở đây chính là phản ứng của bạn có thể hiện được sự cứng rắn, hay chỉ dừng lại ở mức cam chịu. Trường hợp bạn là người yếu thế hoặc thường xuyên phải di chuyển ở những địa điểm không an toàn, lời khuyên của tôi là bạn hãy tham dự những khóa học kỹ năng tự vệ, xử lý tình huống để có những động tác đáp trả phù hợp nhất”.
Và tất nhiên, những người xung quanh cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc đẩy lùi tình trạng QRTD. Nhiều người có thái độ trách cứ nạn nhân, hay có cái nhìn không đúng về nạn nhân khi họ tố cáo mình bị QRTD, dẫn đến nạn nhân nữ- vốn tâm lý yếu đuối sẽ càng trở nên e dè, sợ hãi hơn. Về điều này, ông Bình nêu quan điểm: Không phải chỉ riêng việc QRTD mà còn nhiều hành động xấu khác, nếu bạn là người chứng kiến thì nên đặt mình vào vị trí của người khác. Hãy nghĩ rằng ở đâu đó trong tương lai, con em mình rất có khả năng chính là nạn nhân của QRTD. Hãy đứng dậy và bảo vệ nạn nhân như chính là người thân của mình, thì sau này cũng sẽ có người khác đứng dậy và bảo vệ con em mình. Đó là quy luật, luật nhân quả”.
Thạc sĩ tâm lý Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP. HCM cho biết: “Tỉ lệ QRTD theo thống kê của Ủy ban châu Âu là 50% đối với nữ. Theo tôi, tỉ lệ này cao hơn rất nhiều tại Việt Nam và tâm lý người bị quấy rối không chỉ không dám tố cáo, mà còn không muốn tố cáo và không thể tố cáo”. Ông Bình giải thích: “Lý do thứ nhất, có thể những hành vi manh nha của QRTD đã xuất hiện, nhưng do nạn nhân không nhận thức được đầy đủ về vấn đề này nên họ không muốn tố cáo. Thứ hai, có thể là do địa vị của người quấy rối có thể ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi của nạn nhân nên họ không dám tố cáo. Lý do khác, luật vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề QRTD nên việc tố cáo sẽ không đạt được hiệu quả cao, dẫn đến việc nạn nhân không thể tố cáo”. |