Bí ẩn sự biến mất của những cù lao trên sông Đồng Nai
- Dược liệu
- 14:04 - 05/03/2016
Ngoài địa danh cù lao Phố đã quá quen thuộc và nổi tiếng thì không còn nhiều người biết được rằng nằm rải rác trên khúc sông Đồng Nai có nhiều cù lao lớn nhỏ khác nữa. Tuy nhiên, trải qua biết bao biến thiên dâu bể, những cù lao đó đã đột ngột biến mất mà không để lại một vết tích gì.
Đi tìm dấu vết cù lao Heo
Các cụ cao niên hiện sống bên bờ sông cù lao Phố (xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) còn nhớ như in rằng, đoạn sông gần bến phà An Hảo hiện giờ, xưa kia có một cái cù lao nhỏ. Đó là một cồn nhỏ đầy cát, trên cồn toàn là giống cây cỏ lát, cỏ ngọt mọc tự nhiên, người ta gọi là cù lao Heo hay cồn Cát.
Cụ Hai Nhất (80 tuổi), nhà ở ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa cho chúng tôi biết, trước năm 1975, khu vực này được người Mỹ xây dựng thành một cảng giao dịch hàng hóa, hoạt động nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm. Cảng này quân đội Mỹ dùng chuyển vũ khí, bom đạn từ Tân Cảng Sài Gòn về Biên Hòa cho căn cứ không quân Biên Hòa và căn cứ Long Bình đóng gần đó.
Bởi thế, vai trò của cù lao Heo trở nên quan trọng khi là trở thành một địa điểm tạm thời bốc dỡ và cất giữ vũ khí, đạn dược của lính Mỹ và được canh phòng nghiêm ngặt. Vì là nơi “bất khả xâm phạm” nên người dân không được tiếp cận.
Sau năm 1975, người dân bơi từ bờ sông ra cù lao Heo để khai hoang đất canh tác trồng trọt còn nhặt được khá nhiều thùng đạn dược mà người Mỹ bỏ lại.
Dẫn chúng tôi ra bến phà An Hảo, cụ Hai Nhất đưa tay chỉ về phía dưới hạ lưu cách bến phà khoảng 300 m, nói đó là vị trí của cái cù lao Heo năm xưa. Khoảng năm 1980, vào một đêm mưa gió rất lớn, nước sông dâng cao và chảy xiết đã cuốn trôi đi cù lao Heo mà không để lại một dấu vết gì.
Cồn Gáo bị “trôi” mất
Người dân sống xung quanh khu vực chợ Biên Hoà (phường Hòa Bình, TP Biên Hòa) vẫn còn kể cho con cháu nghe, là hồi xưa có một cái cù lao do đất bồi phù sa lâu ngày tạo nên, trên đó có nhiều cây Gáo mọc nên dân gọi là cồn Gáo hay cù lao Gáo.
Địa danh cồn Gáo còn được hiện diện rất nhiều trong những tác phẩm văn học của các nhà văn lớn của Đồng Nai như: Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm, Nguyễn Thái Hải,...
Vị trí cồn Gáo được xác định nằm ở khúc sông Đồng Nai, đoạn trước đình Tân Lân (đường Nguyễn Văn Trị, P Hòa Bình, Biên Hòa) và cầu Hóa An.
Ông Tám Hiền, Trưởng ban quý tế đình Tân Lân nhớ lại, diện tích cồn Gáo có chiều dài 30 m và chiều rộng 20m. Lúc bấy giờ trên cồn chỉ có khoảng 7 ngôi nhà cư ngụ, đa số là nhà của những người sống bằng nghề chài lưới trên sông. Đến khoảng năm 1979 thì cồn Gáo hoàn toàn "biến" mất, sau một trận mưa lớn khiến người dân rất bất ngờ...
Như vậy, cả hai cái cù lao: cù lao Cỏ và cồn Gáo trên sông Đồng Nai, đoạn chảy qua khu vực TP Biên Hòa đã bị xóa sổ hoàn toàn do thiên tai và phần lớn cũng do nhân tai.
Hầu như người dân nào khi chúng tôi gặp hỏi nguyên nhân tại sao hai cái cù lao tự dưng “biến mất” một cách nhanh chóng, đều đưa ra nhận định rằng sau năm 1975, trước nhu cầu bức thiết vật liệu để xây dựng các công trình dân sinh, thì cát trên con sông Đồng Nai được chính quyền cho phép tận thu và hút rất nhiều, không ai kiểm soát.
Thậm chí ghe, thuyền của các hộ dân được cập sát bờ cù lao để cạp và hút cát rồi bán lại cho nhà nước. Cho nên hai cù lao càng bị thu hẹp diện tích tính bằng ngày rồi không trụ nổi với dòng nước chảy xiết nên khi trời mưa lớn đã trôi đi mãi mãi.
Tuy nhiên, hiện nay tệ nạn “cát tặt” trên sông Đồng Nai vẫn còn nhức nhối. Người dân lo ngại số phận cho cù lao còn sót lại trên sông là cù lao Phố (xã Hiệp Hòa) và cù lao Cỏ (phường Thống Nhất) cũng sẽ “trôi” mất như cồn Gáo và cù lao Heo năm xưa bởi bàn tay con người tác động xuống dòng chảy sông Đồng Nai.