THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:14

“Bêu" tên người vi phạm giao thông lên báo: Đà Nẵng có phạm luật?

 

TP Đà Nẵng đã và đang thực hiện việc đăng tải những trường hợp vi phạm giao thông qua cầu Thuận Phước lên báo chí và trang web của Sở GTVT Đà Nẵng. Danh sách phương tiện vi phạm do Thanh tra giao thông của Sở GTVT Đà Nẵng cung cấp thông qua kết quả camera ghi lại được ở hai đầu cầu. Những trường hợp vi phạm này đã được Thanh tra Giao thông gửi thông báo yêu cầu nộp phạt, nhưng chủ phương tiện vẫn không chấp hành. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông Đà Nẵng, từ ngày 19/5 đến ngày 17/6/2015, đã có 64 trường hợp vi phạm bị “bêu" tên trên báo chí.
Theo tìm hiểu, việc đăng tải danh tính các trường hợp vi phạm giao thông được thực hiện theo văn bản số 106/TB-VP của Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng ban hành từ tháng 5/2015, thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, về việc triển khai công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, trong đó yêu cầu đăng danh sách những phương tiện vi phạm về tải trọng khi lưu thông qua cầu Thuận Phước.

 

Nhiều người vi phạm giao thông đã bị "bêu tên" lên báo chí tại Đà Nẵng

 

Đồng thời với việc đăng tải các trường hợp vi phạm giao thông trên, Đà Nẵng cũng đang nghiên cứu xây dựng một trang web đăng tải các xe vi phạm giao thông trên địa bàn. Hiện, Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng đã sử dụng trang web của đơn vị mình để đưa tên các phương tiện vi phạm giao thông qua cầu Thuận Phước.
Việc “bêu" tên các trường hợp vi phạm giao thông lên phương tiện thông tin đại chúng của UBND TP Đà Nẵng đang khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Ý kiến ủng hộ cho rằng, việc làm này là cần thiết để những trường hợp vi phạm giao thông sẽ chấp hành nộp phạt và nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, việc “bêu" tên người vi phạm giao thông này sẽ xâm hại đến danh dự, nhân phẩm của người bị phạt hành chính. Hơn nữa, quy định này cũng không phù hợp với luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và các quy định của Bộ luật Dân sự về bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp. Luật sư Nguyễn Hồng Thái nhận định, việc đăng tải thông tin những trường hợp vi phạm giao thông lên báo chí là không phù hợp với luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và các quy định của Bộ luật Dân sự về bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.
“Theo điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính, không cho phép cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính công bố công khai về việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông. Đồng thời, Nghị định 171/2013 của Chính phủ cũng không có bất kỳ quy định nào cho phép được quyền công bố công khai việc xử phạt, kể cả trên trang thông tin điện tử của cơ quan đó cũng như các cơ quan truyền thông, báo chí. Vì thế, quy định theo Luật và nghị định thì không có căn cứ”, Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho rằng, vi phạm giao thông chỉ là vi phạm hành chính. Đồng thời, luật sư Thái viện dẫn Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính:

1. Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.
2. Nội dung công bố công khai bao gồm cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.
3. Việc công bố công khai được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của UBND cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính.
“Trước đây, ngay tại Thông tư 38/2010 của Bộ Công an, khi dự thảo sửa đổi thông tư này đã không được dư luận đồng tình. Vì vậy, sau đó đã phải hủy dự thảo quy định “bêu” tên người vi phạm giao thông trên báo”, Luật sư Nguyễn Hồng Thái nêu ý kiến.
“Việc đăng tên người vi phạm giao thông lên các phương tiện truyền thông sẽ xâm hại đến danh dự, nhân phẩm của người bị phạt hành chính. Hơn nữa, quy định này cũng không phù hợp với luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và các quy định của Bộ luật Dân sự về bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín”, Luật sư Thái nhận định.


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh