THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:31

Bến Tre thực hiện tốt các chính sách “đền ơn đáp nghĩa” và giảm nghèo bền vững

Nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”

Đảng và Nhà nước luôn khẳng định việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau đối với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương binh cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Việc kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hàng năm là hoạt động góp phần giáo dục truyền thống cách mạng. Qua đó, phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Sau 76 năm thực hiện, các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng đã được nghiên cứu, bổ sung và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Các chế độ ưu đãi được thực hiện đa dạng, gồm: trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác (hỗ trợ y tế, giáo dục, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, tạo việc làm, hỗ trợ, cải thiện nhà ở, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn kinh doanh và miễn hoặc giảm thuế).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười trao quà cho hộ gia đình có công tiêu biểu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười trao quà cho hộ gia đình có công tiêu biểu.

Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre giải quyết kịp thời trợ cấp ưu đãi hàng tháng 19.627 người có công với cách mạng, tiếp nhận mới và giải quyết 3.378 hồ sơ đề nghị hưởng chính sách người có công; thực hiện chế độ điều dưỡng tại gia đình cho 5.004 người có công và đưa 267 người có công đi điều dưỡng tập trung; Tổng số Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn tỉnh là 6.927 mẹ (có 185 mẹ còn sống); công tác chăm lo tết cho người có công được thực hiện tốt, toàn tỉnh đã chi 54.362 suất quà tết cho gia đình người có công với cách mạng, kinh phí trên 26,2 tỷ đồng; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được thăm hỏi, tặng quà; 100% gia đình chính sách khó khăn đều có quà tết; thực hiện số hóa hồ sơ người có công, đảm bảo 100% hồ sơ người có công được số hóa; triển khai tập huấn các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng theo Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành; vận động hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 309 căn nhà tình nghĩa cho gia đình người có công khó khăn về nhà ở, kinh phí 18,25 tỷ đồng, đạt 206% KH (KH là 150 căn).

 

Huyện Giồng Trôm là một trong những địa phương có nhiều người có công với cách mạng. Theo thống kê, toàn huyện hiện có hơn 18 ngàn người có công được ghi nhận. Cùng với toàn tỉnh, UBND huyện Giồng Trôm đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022).  Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Võ Văn Niêm cho biết: Huyện đã tập trung rà soát và thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, nhất là đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ vật chất cho người có công, chỉnh trang, tu sửa, nâng cấp đền thờ liệt sĩ các xã, thị trấn đảm bảo thật trang nghiêm, sạch sẽ. Huyện đã và đang tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân các văn bản, quy định về chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng; ý nghĩa của Ngày Thương binh - Liệt sĩ; công lao to lớn, sự hy sinh cống hiến của các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Tại huyện Mỏ Cày Bắc, người thực hiện nhiệm vụ thương binh xã hội luôn xem công tác đền ơn đáp nghĩa là đạo lý, nét văn hóa cao đẹp. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Mỏ Cày Bắc Nguyễn Trường Linh cho biết: “Đền ơn đáp nghĩa là trách nhiệm của thế hệ đi sau đối với những người đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chúng tôi luôn dành những tình cảm thiêng liêng và việc làm thiết thực để tỏ lòng ghi nhớ, tri ân những thương binh, liệt sĩ đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Các dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hằng năm, đơn vị đều tham mưu UBND huyện tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng”.

Trao nhà tình nghĩa cho gia đình có công với cách mạng.

Trao nhà tình nghĩa cho gia đình có công với cách mạng.

Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ hàng năm, tỉnh Bến Tre chuẩn bị các điều kiện và phục vụ lãnh đạo thăm, tặng quà các gia đình chính sách. Các hoạt động tri ân thiết thực của Đảng, chính quyền các cấp trong huyện đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần động viên, cải thiện cuộc sống đối với các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng. Những việc làm nghĩa tình, thể hiện lòng tri ân ấy sẽ tiếp tục được chính quyền các cấp duy trì thực hiện nhằm nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Năm 2023, phấn đấu giảm hơn 4.000 hộ nghèo                      

Năm 2023, Sở LĐ-TB&XH đề ra mục tiêu tập trung thực hiện các hoạt động cải thiện đa dạng sinh kế của người nghèo, người cận nghèo, với phương châm hộ nghèo, hộ cận nghèo phát huy nội lực là chính. Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện thông qua các chế độ chính sách, phát triển sinh kế, làm đòn bẩy giúp hộ nghèo, cận nghèo có thu nhập vượt lên mức sống tối thiểu; tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và ASXH bền vững. Phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn dưới 2,5% (tương đương giảm 4.020 hộ nghèo).

Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 28.773 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 7,16%. Trong đó, 14.073 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,5% và 14.700 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,66%. Số hộ nghèo, hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn, chiếm đến 94,68%.

Làng nghề bó chổi dừa Mỹ An góp phần tạo công ăn việc làm cho phụ nữ.

Làng nghề bó chổi dừa Mỹ An góp phần tạo công ăn việc làm cho phụ nữ.

Qua điều tra rà soát, nguyên nhân nghèo, cận nghèo của hộ tập trung vào các yếu tố: thiếu vốn, thiếu đất, thiếu tư liệu, phương tiện sản xuất 15.983 hộ. Thiếu lao động, đông người 7.544 hộ. Không biết cách làm ăn, không có tay nghề 4.573 hộ. Bảo trợ xã hội, ốm đau, bệnh tật 8.342 hộ. Nguyên nhân khác 1.477 hộ.

Nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu được các ngành phối hợp đưa ra như: Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia mô hình phát triển sinh kế thông qua hoạt động sản xuất nông nghiệp. Giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia mô hình phát triển sinh kế thông qua các hoạt động phi nông nghiệp. Hỗ trợ về y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Hỗ trợ về giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường...

Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững năm 2023 là 168,773 tỷ đồng. Qua đó, thực hiện các nguồn lực hỗ trợ như tiếp tục đầu tư vốn để hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia phát triển sinh kế, gồm: nguồn vốn Trung ương, địa phương bố trí qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Sử dụng nguồn vốn ủy thác tại Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo. Lồng ghép nguồn lực hỗ trợ công tác khuyến nông, khuyến ngư cho hộ nghèo. Nguồn vận động hợp pháp của Ủy ban MTTQ, các đoàn thể tỉnh và nguồn huy động khác.

Được biết, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đang khảo sát và sẽ vận động hỗ trợ thêm cho người hưởng bảo trợ xã hội thuộc diện khó khăn trên phạm vi toàn tỉnh để đảm bảo theo chỉ tiêu đề án ASXH.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh