THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:41

Bến Tre phấn đấu không còn hộ người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở

Những căn nhà mơ ước

75 năm thực hiện, các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng đã được nghiên cứu, bổ sung và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Các chế độ ưu đãi được thực hiện đa dạng, gồm: trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác (hỗ trợ y tế, giáo dục, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, tạo việc làm, hỗ trợ, cải thiện nhà ở, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn kinh doanh và miễn hoặc giảm thuế).

Dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2022), trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm nhằm thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn đối với người có công với cách mạng. Đặc biệt, trong năm 2022, UBND tỉnh đã đề ra mục tiêu: “Phấn đấu trong năm 2022 tỉnh không còn hộ người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở”.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam tặng quà cho gia đình có công cách mạng.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam tặng quà cho gia đình có công cách mạng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức thẩm tra hộ người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở năm 2022. Kết quả, qua khảo sát thực tế, có 212 hộ gia đình chính sách tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về nhà ở, cần được sự hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới nhà tình nghĩa (212/212 hộ đều đồng ý nhận kinh phí hỗ trợ xây dựng mới nhà tình nghĩa).

 

Theo công văn ngày 27-6-2022 của Ban vận động, quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh Bến Tre gửi Sở LĐ-TB&XH về việc phân phối kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho đối tượng người có công khó khăn về nhà ở. Theo đó, phân phối số tiền 12 tỷ đồng do Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (DonaCoop) hỗ trợ chuyển đến Sở LĐ-TB&XH tỉnh để hỗ trợ xây dựng mới 200 căn nhà tình nghĩa, mỗi căn trị giá 60 triệu đồng cho các hộ gia đình chính sách khó khăn về nhà ở tại các huyện, thành phố. Cụ thể, Thạnh Phú 70 căn, Mỏ Cày Bắc 55 căn, Ba Tri 29 căn, Mỏ Cày Nam 11 căn, Chợ Lách 11 căn, TP. Bến Tre 7 căn, Bình Đại 17 căn.

Đồng thời, phân phối số tiền 600 triệu đồng do Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) ủng hộ chuyển đến Sở LĐTB&XH tỉnh để xây dựng mới 12 căn nhà tình nghĩa, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng cho các hộ gia đình chính sách khó khăn về nhà ở tại các huyện: Bình Đại 4 căn, Châu Thành 8 căn.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam - Ban vận động, quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đề nghị Sở LĐTB&XH tiếp nhận và sử dụng số tiền trên đúng mục đích, đúng đối tượng; phối hợp với địa phương hướng dẫn, theo dõi các xã có đối tượng được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa thực hiện đúng quy định về hỗ trợ nhà ở.

 Bên cạnh việc thực hiện các chính sách ưu đãi cho người có công, công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được quan tâm. Hàng năm, các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thành phố vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa xây dựng nhà tình nghĩa cho người có công. Từ năm 2017 đến nay, đã vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa với số tiền trên 12 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ xây mới, sửa chữa cho 1.951 hộ gia đình người có công với cách mạng (xây dựng mới 1.932 căn, sửa chữa 19 căn).

Ông Phạm Thanh Hùng – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre thăm, tặng quà cho người có công với cách mạng.

Ông Phạm Thanh Hùng – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre thăm, tặng quà cho người có công với cách mạng.

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, trong công cuộc đổi mới đất nước, phong trào toàn dân chăm sóc người có công tiếp tục được đẩy mạnh. Vai trò của MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn là hết sức quan trọng trong công tác vận động toàn dân góp công sức trong các phong trào chăm sóc người có công. Ủy ban MTTQ đã chủ trì, phát động cuộc vận động trên phạm vi của tỉnh, được các tổ chức và nhiều cá nhân tham gia tự nguyện với tinh thần trách nhiệm và tình cảm sâu sắc.

Ông Phạm Thanh Hùng – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre cho biết, thời gian qua công tác chăm lo đời sống người có công với cách mạng được tập trung thực hiện, giải quyết đúng, đủ, kịp thời trợ cấp ưu đãi hàng tháng 20.833 người có công với cách mạng, kinh phí trên 37 tỷ đồng/tháng; tiếp nhận mới và giải quyết 1.897 hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách ưu đãi người có công; lập hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 16 mẹ, nâng tổng số Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn tỉnh lên 6.920 mẹ (trong đó có 230 mẹ còn sống); giải quyết chế độ điều dưỡng tại gia đình 7.985 người có công.

Địa phương làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”

Chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công  với cách mạng là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tích cực triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực bằng những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình.

Huyện Giồng Trôm là một trong những địa phương có nhiều người có công với cách mạng. Theo thống kê, toàn huyện hiện có hơn 18 ngàn người có công được ghi nhận. Cùng với toàn tỉnh, UBND huyện Giồng Trôm đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022). 

Ông Đoàn Hải Nam - PGĐ Sở LĐ-TB&XH (thứ hai từ phải qua) tặng quà cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Ông Đoàn Hải Nam - PGĐ Sở LĐ-TB&XH (thứ hai từ phải qua) tặng quà cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Võ Văn Niêm cho biết: Huyện đã tập trung rà soát và thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, nhất là đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ vật chất cho người có công, chỉnh trang, tu sửa, nâng cấp đền thờ liệt sĩ các xã, thị trấn đảm bảo thật trang nghiêm, sạch sẽ. Huyện đã và đang tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân các văn bản, quy định về chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng; ý nghĩa của Ngày Thương binh - Liệt sĩ; công lao to lớn, sự hy sinh cống hiến của các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Tại huyện Mỏ Cày Bắc, người thực hiện nhiệm vụ thương binh xã hội luôn xem công tác đền ơn đáp nghĩa là đạo lý, nét văn hóa cao đẹp. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Mỏ Cày Bắc Nguyễn Trường Linh cho biết: “Đền ơn đáp nghĩa là trách nhiệm của thế hệ đi sau đối với những người đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chúng tôi luôn dành những tình cảm thiêng liêng và việc làm thiết thực để tỏ lòng ghi nhớ, tri ân những thương binh, liệt sĩ đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Các dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 hàng năm, đơn vị đều tham mưu UBND huyện tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng”.

Ông Nguyễn Thành Thưởng - PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre tặng quà cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Ông Nguyễn Thành Thưởng - PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre tặng quà cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, huyện đã chuẩn bị các điều kiện và phục vụ lãnh đạo thăm, tặng quà các gia đình chính sách. Các hoạt động tri ân thiết thực của Đảng, chính quyền các cấp trong huyện đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần động viên, cải thiện cuộc sống đối với các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng. Những việc làm nghĩa tình, thể hiện lòng tri ân ấy sẽ tiếp tục được chính quyền các cấp duy trì thực hiện nhằm nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Nâng cao nhận thức về việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, biến nhận thức thành hành động thiết thực, cụ thể, tích cực góp phần vào việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Đến nay, hầu hết những người có công và  thân nhân, con em người có công đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức  khỏe, giáo dục - đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở. Quỹ Quốc gia  của Nhà nước và quỹ của các tổ chức, đoàn thể xã hội đã giải quyết việc làm, hỗ  trợ hàng ngàn thương binh, người có công phát triển sản xuất, ổn định và cải  thiện cuộc sống.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh