THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:52

Bến Tre: Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp

 

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52,1%

Năm 2016, nhờ vào sự phối hợp chặc chẽ từ các cấp chính quyền địa phương trong việc thông tin, tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề, chất lượng dạy nghề từng bước được nâng lên, một số nghề đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động và giải quyết việc làm sau đào tạo hiệu quả. Công tác xã hội hóa dạy nghề được chú trọng, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nhằm hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp đa dạng phục vụ cho nhu cầu học tập của người lao động.

Theo ông Nguyễn Minh Lập- GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre: Năm 2016,  các cơ sở dạy nghề đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho 8.545 người, trong đó cao đẳng, trung cấp nghề là 550 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng 7.995 người (lao động nông thôn học nghề 6.000 người). Qua đó, đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2016 ước đạt 52,1%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 25,9%. Các ngành nghề được tập trung đào tạo là: Kỹ thuật công nghệ ô tô, điện công nghiệp và điện gia dụng, cắt gọt kim loại, may công nghiệp, xi măng giả gỗ, đan ghế bằng dây nhựa, đan giỏ lục bình, bó chổi cọng dừa, kỹ thuật trồng bonsai - cây kiểng, kỹ thuật chế biến món ăn cho trẻ, kỹ thuật nuôi dê, bò, heo, kỹ thuật trồng cây có múi.v.v..

Lớp đào tạo nghề

Qua điều tra khảo sát, số lao động nông thôn sau khi học nghề tìm được việc làm đạt trung bình 80%, tùy theo ngành nghề đào tạo: Nghề kỹ thuật nề, kỹ thuật chế biến món ăn cho trẻ; nghề may công nghiệp 70%; nghề đan lát, bó chổi 80%; xi măng giả gỗ 40%; nghề diện dân dụng, các nghề nông nghiệp khoảng 70% người học nghề đã áp dụng kiến thực học tập vào điều kiện sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động.

Tỉnh còn chủ động  thực hiện công tác xã hội hóa dạy nghề và cơ chế đặt hàng đào tạo, thực hiện đào tạo liên thông, liên kết giữa các trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh với các trường ngoài tỉnh. Các cơ sở dạy nghề liên kết với các doanh nghiệp như: Công ty thương mại cổ phần May Việt Thành, khu công nghiệp Giao Long ( nghề may công nghiệp),… tuyển dụng lao động vào đào tạo và giải quyết việc làm, nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2017, phấn đấu đạt 54% tỷ lệ lao động qua đào tạo 

Ông Nguyễn Minh Lập cho biết, năm 2017, tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn với kế hoạch là tuyển sinh và đào tạo cho 10.200 người, trong đó cao đẳng nghề 400, trung cấp nghề 600, cơ sở dạy nghề và dạy nghề dưới 03 tháng 9.200 người. Trong đó có 6.000 lao động nông thôn học nghề. Dự báo đến cuối năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 27%.

Học sinh thực hành nghề điện lạnh

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục thực hiện xã hội hóa nghề nghiệp, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nhằm hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp đa dạng, phục vụ cho nhu cầu học tập của người lao động. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở rộng ngành nghề đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương. Khuyến khích các doanh nghiệp có đủ điều kiện, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đăng ký đào tạo nghề cho lao động; hỗ trợ các làng nghề truyền thống, kết hợp đào tạo với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để thu hút lao động tham gia học nghề gắn với nhu cầu giải quyết việc làm sau đào tạo.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin thị trường lao động trong và ngoài tỉnh để nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động. Tăng cường phối hợp chặc chẽ với doanh nghiệp để cung ứng lực lượng lao động qua đào tạo. Đảm bảo từ 80% trở lên người lao động có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường. Phối hợp thực hiện Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh; kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên của tỉnh. Thực hiện các chương trình đào tạo nghề cho thanh niên, bộ đội xuất ngũ, người khuyết tật, phụ nữ nghèo,…

Đồng thời, triển khai thực hiện kế hoạch điều chỉnh mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; tập trung đẩy mạnh công tác tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp nghề và sơ cấp nghề, chú trọng  đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giải quyết việc làm theo Đề án 1956 tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên các huyện; liên kết Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, Trung tâm đào tạo ngoại ngữ Trường Đại học Cần Thơ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm của người lao động;  phối hợp tư vấn, tuyên truyền hướng nghiệp nhằm góp phần thay đổi nhận thức của người dân về học nghề, lập nghiệp và khởi nghiệp. Tăng cường gắn kết giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, tiếp tục đào tạo nghề theo đặt hàng của doanh nghiệp.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh