CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:12

Bến Tre: Tuyển sinh và đào tạo nghề cho 6.584 lao động

 

Học nghề giúp dân thoát nghèo

Hiện Bến Tre có 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 17 cơ sở công lập và 7 cơ sở ngoài công lập. Hàng năm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo gần 10.000 lao động thuộc ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Đến cuối tháng 9 năm 2017, kết quả tuyển sinh và đào tạo là 6.584 người; trong đó: cao đẳng 465 người, trung cấp 637 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 5.482 người đạt 64,5% so với kế hoạch năm (kế hoạch 10.200 người).

Ông Nguyễn Minh Lập, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre cho biết: Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị tham gia nhằm tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn, giúp lao động nông thôn được nâng cao kiến thức, kỹ năng, tăng năng suất lao động góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Nên thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể có sự phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động thông tin, tuyên truyền các chính sách, tư vấn học nghề. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều chỉnh, bổ sung chương trình, giáo trình, linh động mở nhiều lớp đào tạo tại các xã vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện thuận tiện để người dân học nghề. Chỉ tiêu về đào tạo nghề cho lao động nông thôn hàng năm tăng thêm về số lượng, chất lượng từng được nâng lên, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nâng lên đã giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững, nhiều lao động có cơ hội chuyển đổi ngành nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

 

 

Các mô hình thí điểm về dạy nghề, tạo việc làm đã có hiệu quả và đang được nhân rộng. Các doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ giải quyết việc làm; đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới. Một số mô hình dạy nghề đã thu hút nhiều lao động tham gia và tạo được nhiều chỗ làm mới như: Mô hình đào tạo nghề may công nghiệp, đan ghế bằng dây nhựa, lao động học xong vào làm việc tại doanh nghiệp hoặc nhận vật tư về gia công tại nhà; mô hình chăn nuôi bò, nuôi dê, trồng cây có múi đã giúp nhiều lao động nông thôn tự tạo việc làm với mức thu nhập khá cao.

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai kịp thời các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp, giúp hoạt động này dần đi vào nền nếp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tích cực tuyển sinh, tổ chức đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có nhu cầu tham gia học nghề; các trường có sự chuyển đổi việc đào tạo từ các ngành khoa học, quản lý sang ngành kỹ thuật; do đó, tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo đạt cao hơn -70%, giúp người lao động có thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn từng bước nâng cao hiệu quả đào tạo như: Các ngành nghề đào tạo đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của lao động nông thôn, người lao động có thể tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi học nghề; sự tham gia của các doanh nghiệp, làng nghề, tổ hợp tác góp phần thúc đẩy sự phát triển giáo dục nghề nghiệp. Nhận thức của bộ phận thanh niên thời gian gần đây về xu hướng học nghề từng bước được hình thành, cụ thể là những ngành nghề mang tính kỹ thuật, đáp ứng thị trường lao động.

Đến năm 2020, tỷ lệ qua đào tạo đạt 60%

Ông Nguyễn Minh Lập cho biết: Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60% và đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%. Phát triển theo hướng đầu tư vào các ngành nghề trọng điểm theo nhu cầu của các doanh nghiệp và thị trường lao động như: Trình độ cao đẳng, trung cấp, tập trung đào tạo các ngành: Du lịch, dược, công nghệ điện - điện tử, điều dưỡng, chăn nuôi thú y. Nhóm nghề phục vụ thị trường lao động khu vực và xuất khẩu lao động gồm: Điều dưỡng, điện - điện tử, điện công nghiệp, cơ khí cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, may thời trang.

 

Giờ thực hành của sinh viên trường cao đẳng nghề.

 

Trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng bao gồm: Đào tạo các nghề cơ khí phục vụ nông nghiệp, sửa chữa máy nổ, điện công nghiệp, điện gia dụng, cơ khí, xây dựng, may công nghiệp,  đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ (Tiếng Nhật, Tiếng Hàn, Tiếng Anh) và tin học đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài nước; cập nhật bổ sung kiến thức ngành nghề về nông nghiệp giúp người lao động phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục khắc phục những khó khăn còn tồn đọng và đề ra một số giải pháp thực hiện: Tập trung nguồn lực đầu tư cho các nghề trọng điểm. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về giáo dục nghề nghiệp. Hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Phát triển chương trình, giáo trình. Xây dựng và phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng công tác đào tạo gắn với giải quyết việc làm. Tập trung tổ chức phân luồng học sinh, tư vấn hướng nghiệp. Tăng cường công tác liên thông, liên kết và hợp tác quốc tế trong đào tạo.

Liên kết giữa các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tạo ra một sản phẩm chất lượng, thương hiệu có uy tín trên thị trường lao động. Đặc biệt chú trọng liên kết với các trường nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm, kể cả xuất khẩu lao động.          

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh