CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:42

90% lao động qua đào tạo có việc làm ổn định

  

Ông Lương Kim Sơn

 

* Xin ông cho biết mục tiêu, chỉ tiêu và kết quả thực hiện Đề án 1956 giai đoạn 2010 - 2016 trên địa bàn tỉnh?

- Thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH tại Công văn số 922/LĐTBXH-TCDN ngày 14/3/2017 về báo cáo đánh giá 7 năm thực hiện Đề án 1956 giai đoạn 2010 - 2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có báo cáo đánh giá 7 năm thực hiện Đề án 1956 giai đoạn 2010 - 2016 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi như: Mở rộng và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm đạt mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng công tác đào tạo nghề theo địa chỉ, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020.

Trong đó, chỉ tiêu cụ thể của giai đoạn 2010 - 2016 là: Đào tạo nghề cả 3 cấp trình độ cho 87.000 lao động nông thôn. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề khoảng 14.700 lao động, trong đó, số lao động được hỗ trợ chi phí học nghề (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) khoảng 7.800 người/năm (gồm: học nghề nông nghiệp 3.000 người, tỷ lệ 38,5%; học nghề phi nông nghiệp 4.800 người, tỷ lệ 61,5%). Số lao động nông thôn còn lại được đào tạo theo hướng xã hội hóa, huy động nguồn lực để thực hiện đạt mục tiêu của Đề án. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề tối thiểu đạt 70%. Đào tạo và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý theo chức danh, từng vị trí công việc đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, thực thi công vụ cho 6.000 lượt các cán bộ, công chức xã.

Kết quả, tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956 trong 7 năm giai đoạn 2010 - 2016 là 37.518 người. Cụ thể: Năm 2010 là 3.314 người; năm 2011 là 3.064 người; năm 2012 là 7.366 người; năm 2013 là 7.764 người; năm 2014 là 7.838 người; năm 2015 là 6.787 người; năm 2016 là 1.385 người. Bao gồm các đối tượng: Lao động thuộc diện hộ gia đình có công cách mạng, hộ nghèo, đồng bào DTTS, người khuyết tật, người bị thu hồi đất là 11.854 người. Lao động thuộc diện hộ cận nghèo là 182 người; lao động nông thôn khác là 25.482 người. Tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề đã học xong là 37.518 người, số có việc làm là 34.619 (đạt 90%).

* Để thực hiện tốt đề án, việc điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu, nhân rộng các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả đã được triển khai như thế nào?

- Trong 7 năm, tỉnh đã tổ chức 2 cuộc điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, việc làm tại 303.854 gia đình, 240 doanh nghiệp và 34 cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, hàng năm các huyện, thành phố tổ chức các cuộc điều tra nhu cầu học nghề và rà soát danh mục nghề đào tạo tại địa phương để đăng ký về Sở LĐ-TB&XH xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Công tác điều tra khảo sát nhu cầu học nghề của lao động, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề giúp cho việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề sát với thực tế, giúp thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả như: Mô hình dạy nghề cho ngư dân vùng ven biển đã tổ chức thí điểm và nhân rộng mô hình dạy nghề Thuyền trưởng, Máy trưởng tàu các hạng tư, Thuyền viên tàu cá cho 3.151 người. Số lao động này được nâng cao tay nghề, thu nhập bình quân 7 - 10 triệu đồng/tháng, một số lao động có thu nhập từ  15 - 20 triệu đồng/tháng; mô hình dạy nghề cho lao động vùng chuyên canh gồm nghề trồng rau an toàn cho 413 người, giúp lao động vùng chuyên canh rau biết cách trồng, chăm sóc rau theo hướng an toàn để cung cấp rau sạch cho người tiêu dùng trong tỉnh, một số hộ đã vươn ra thị trường ngoài tỉnh; mô hình trồng lúa năng suất cao, trồng nấm cũng đạt hiệu quả và được lao động hưởng ứng.

 

 

Lao động nông thôn ở Quảng Ngãi.

 

Việc tổ chức đào tạo tại các mô hình điểm này được thực hiện ngay tại địa phương, chọn làm điểm để thuận lợi cho bà con nông dân tham gia học nghề. Chính quyền và các đoàn thể của xã phối hợp chặt chẽ với cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh, quản lý lớp học, giám sát quá trình đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động học nghề tại các mô hình, đặc biệt là giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người học. Tỷ lệ có việc làm của lao động từ các mô hình thí điểm trên 90%.

 * Xin ông cho biết, 7 năm qua việc phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề; xây dựng, phê duyệt danh mục nghề đào tạo, định mức chi phí đào tạo nghề được tỉnh triển khai như thế nào?

Năm 2010, UBND tỉnh đã ban hành danh mục 24 nhóm ngành nghề đào tạo hệ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng, phục vụ dạy nghề cho lao động nông thôn. Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo, hướng dẫn, bố trí kinh phí để các cơ sở đào tạo nghề biên soạn chương trình, giáo trình dạy nghề cho lao động nông thôn theo quy định của Bộ LĐ- TB& XH.  

Năm 2012, căn cứ chương trình khung trình độ sơ cấp nghề, phục vụ dạy nghề cho lao động nông thôn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ NN&PTNT ban hành, Sở LĐ- TB&XH đã hướng dẫn các cơ sở đào tạo nghề biên soạn lại chương trình, giáo trình giảng dạy cho phù hợp, theo hướng tiệm cận với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Các cơ sở đào tạo nghề tham gia đào tạo nghề đã phê duyệt chương trình dạy nghề cho 37 nghề (trong đó 12 chương trình dạy nghề nông nghiệp, 25 chương trình dạy nghề phi nông nghiệp). Hàng năm, trên cơ sở nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động, các cơ sở đào tạo nghề đã chỉnh sửa, biên soạn chương trình, giáo trình dạy nghề cho phù hợp. Đến năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành 70 ngành nghề đào tạo hệ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng và 8 ngành nghề đào tạo cho người khuyết tật. Nhìn chung việc xây dựng, phê duyệt danh mục nghề đào tạo, định mức chi phí đào tạo nghề và chất lượng chương trình, giáo trình dạy nghề tương đối phù hợp, đồng thời danh mục nghề được bổ sung hàng năm khi có nhu cầu học nghề của người dân. * Xin ông đánh giá về những mặt được và chưa được của Đề án 1956 trên địa bàn tỉnh trong 7 năm qua?

Công tác tổ chức, chỉ đạo, điều hành đã được UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời. Ban Chỉ đạo 1956 các cấp được thành lập, kiện toàn và chỉ đạo, điều hành việc thực hiện Đề án 1956. Công tác tuyên truyền về chính sách của Đề án và tình hình kết quả thực hiện được quan tâm đúng mức đã có tác dụng tích cực trong việc nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, nhân dân và người lao động về ý nghĩa, vị trí, vai trò của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Qua 7 năm triển khai thực hiện Đề án, tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề. Đã có 37.518 người được đào tạo nghề; trong đó, 34.619 người có việc làm, thêm việc làm, được nâng cao tay nghề sau học nghề, đạt 90%. Góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh từ 30,5% năm 2011, đến năm 2016 đạt 47%. Qua học nghề đã giúp nông dân làm nông nghiệp theo hướng hiện đại, được tiếp cận với ngành nghề mới, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá. Đề án 1956 triển khai ở tỉnh đã hướng vào mục tiêu: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn, tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế và tồn tại như: Ban chỉ đạo 1956 của một số địa phương vẫn chưa thật sự chủ động, tích cực trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, công tác tuyên truyền, tư vấn cho lao động nông thôn tham gia học nghề chưa tốt nên khó huy động được lao động nông thôn tham gia học nghề. Nhận thức của người dân về học nghề để nâng cao tay nghề, tăng giá trị thu nhập, học nghề để tự tìm việc làm, thêm việc làm, có việc làm mới và chuyển nghề còn chưa đầy đủ dẫn đến việc tuyển sinh học nghề rất khó khăn.

Trân trọng cảm ơn ông!

ĐÔNG HẢI (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh