CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:26

Bay cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường

Sau màn chào hỏi, vợ chồng Tường - Dạ rất ngạc nhiên thấy tôi xuất hiện ở sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi giải thích mình đi Đồng Nai dự lễ cưới đứa cháu gái, vì vé mua sẵn nên không ở lại Sài Gòn thăm bạn bè, nhất là Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ, xa nhau từ ra Tết Nhâm Thìn đến giờ. Tự nhiên gặp nhau mừng rỡ ở đây, thật hi hữu...

Đó là lần đầu tiên tôi bay cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ, nghĩa là ba anh em cùng lướt giữa bầu trời miền Trung thân thương. Phát thanh viên trên máy bay thông báo: “Máy bay của chúng ta đang bay trên vùng biển Việt Nam với độ cao 10.000 mét”. Xúc động quá. Một nhà văn nằm liệt giường 14 năm, khi đó đã 77 tuổi, một nhà thơ 64 tuổi bị thoát vị đĩa đệm đau ê ẩm, lại cùng nhau ngao du trên biển trời đất nước. Sướng thật, phải làm bài thơ về cái tứ này. Biển trời Việt Nam thì người Việt Nam nhất định phải được bay tự do trên đó. Hãy làm mọi cách để giữ lấy chủ quyền biển đảo. Hãy tin vào nhân dân. Nhân dân Việt Nam ngàn năm nay luôn có cách để đánh thắng kẻ thù xâm lược, giữ vững bờ cõi thiêng liêng... 

       Từ năm 1998, bị trọng bệnh nằm một chỗ, đến năm 2012, Hoàng Phủ Ngọc Tường mới đi máy bay. Còn mấy chuyến đi Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng chữa bệnh đều đi bằng tàu hỏa. Mỗi lần Tường đi chữa bệnh phải 4- 5 người phục vụ, cõng từ tầng lầu xuống trệt rồi cõng ra xe taxi, đến sân ga, ngành đường sắt chưa có phòng đợi dành riêng cho người khuyết tật, nên anh phải ngồi trên xe lăn chờ tàu. Khi tàu đến Huế chỉ dừng 5 phút, phải có nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch hay các võ sư học trò của võ sư bậc thầy Nguyễn Văn Dũng, vận nội công bồng Tường lên lên toa tàu, chen chúc với hành khách đến phòng có gường nằm. Lại có người xếp xe lăn, khuân hành lý nhanh chóng chuyển lên tàu. Công việc xong xuôi cũng đúng lúc tàu hú còi rời ga...

Còn ở nhà ga Tân Sơn Nhất, cửa lên máy bay có hai ngăn, bên rộng dành cho người khuyết tật lên trước, sau mới đến ngăn cho hành khách bình thường. Rất chu đáo. Chuyến bay Sài Gòn - Huế hôm đó có 3 người khuyết tật. Anh Tường và một ông già nữa đi xe lăn, còn một phụ nữ trung niên chân bị què, đi nạng. Sau khi cháu Đen, con trai của anh Tam ở Báo Thừa Thiên, đứa cháu gọi Mỹ Dạ bằng dì, đẩy xe lăn anh Tường qua cửa phòng đợi, lên tàu bay, tôi hỏi một nữ nhân viên hàng không: “Em biết người đàn ông ngồi xe lăn phía trước là ai không ?”. Cô nhân viên trả lời: “Đó là hành khách khuyết tật tên Hoàng Phủ Ngọc Tường... Theo cháu nhớ thì ông là nhà văn nổi tiếng”. Tôi mừng. Người đứng xếp hàng sau tôi quay về cô nhân viên giải thích thêm: “Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn viết bút ký hàng đầu Việt Nam với những tác phẩm nổi tiếng: “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, Rừng hồi, Mũi Cà Mau, Ngọn núi ảo ảnh... những bút ký đã thấm vào máu thịt người Việt Nam, làm sao mà không nhớ. Mới đây ông có cuốn sách “Lời ta từ cửa một dòng sông” như là một lời chia tay với  độc giả...”. Rồi ông hành khách nói với tôi: “Lần đầu tiên tôi trực tiếp gặp nhà văn mà mình yêu thích bấy lâu nay...”. Tôi rất phấn khích với suy nghĩ, nhà văn phải ở trong lòng độc giả như thế chứ... Đó chính là giải thưởng lớn nhất đối với một người viết văn. 

       Cửa ra máy bay dành riêng cho người khuyết tật ra trước bằng một cửa riêng. Khi xe lăn được đẩy  vào cửa máy bay, các nữ nhân viên hàng không đẹp như hoa hậu, áo dài hồng tha thướt cũng đã cùng cúi xuống giúp người phục vụ bồng anh Tường vào chỗ ngồi. Xe lăn được xếp lại cho vào khoang hành lý. Đến khi xuống sân bay Phú Bài, Huế thì hành khách xuống hết, các cô gái lại tất tưởi đi lấy xe lăn, rồi cùng người nhà bồng Hoàng Phủ Ngọc Tường từ trên máy bay xuống cầu thang sân bay. Tôi thầm cám ơn những cô gái tiếp viên xinh đẹp của Vietnam Airlines đã rất có trách nhiệm với những người khuyết tật, trong đó có nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, bạn vong niên thân thiết của tôi. 

         Sau Tết Nhâm Thìn, Lâm Thị Mỹ Dạ và con gái Hoàng Dạ Thư quyết định đưa anh Tường vào TP. Hồ Chí Minh bằng máy bay, tôi rất ái ngại, bảo Dạ phải hỏi kỹ xem người ngồi xe lăn có được lên máy bay không, nhưng con gái lớn của Tường- Dạ, bảo rằng: “Họ cho người đi xe lăn lên, chú ạ, phục vụ chu đáo lắm”. Tôi nghe mà không thể hình dung ra cách phục vụ hành khách khuyết tật trên máy bay như thế nào. Rồi khi cùng bay với Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi mới “mục sở thị” sự tận tình phục vụ của nhân viên, tiếp viên Vietnam Airlines. Tôi có mang máy ảnh, đã mấy lần giơ lên định chụp cảnh các cô tiếp viên và cu Đen bế Hoàng Phủ xuống cầu thang sân bay, nhưng lại thôi, vì thấy cảnh đó buồn và bất tiện quá, nên chỉ có ảnh chụp Tường- Dạ ngồi trên tàu bay ở số ghế 37-CD. 

        Hoàng Phủ Ngọc Tường- Lâm Thị Mỹ Dạ ra Huế thăm bà con, bạn bè, chia tay để vào định cư chính thức ở Sài Gòn. Có mảnh đất, có ngôi nhà đã bán xong rồi, được thêm ít tiền mua căn hộ chung cư ở Sài Gòn, ngay sát hộ của gia đình con gái Hoàng Dạ Thư, coi như sự đoàn tụ gia đình. Đợt đó ra Huế để làm thanh toán, trao giấy tờ nhà rồi chia tay bạn bè nên vợ chồng Tường- Dạ được tạm trú trong ngôi nhà xưa của mình thời gian hơn nửa tháng, như là một lưu niệm cuối cùng. Có lẽ tuổi anh Tường đã cao, Lâm Thị Mỹ Dạ thì đau yếu thường xuyên, nên trở lại Huế lần đó như là lần cuối, để rồi những năm tháng còn lại vui vầy bên con cháu, bạn bè ở Sài Gòn... 

      Viết những dòng này, tôi cứ miên man nghĩ: Giá mà mình luôn được bay mãi với Hoàng Phủ Ngọc Tường trên không gian bao la của đất nước...Vì bay trên bầu trời Tổ quốc Việt Nam là bay trên những áng bút ký lung linh như gấm vóc của Hoàng Phủ Ngọc Tường từ Lạng Sơn đến Quảng Trị, Huế, Đất Quảng, Mũi Cà Mau... mười bốn năm liệt giường / giờ bay lên / cùng mây cùng mặt trời / và dưới kia là biển   / những hòn đảo hình mắt hình môi / ta đang bay dọc đời ký Tường / chữ S vòng eo Tổ quốc.

Rừng hồi Lạng Sơn, Cồn Cỏ ngày thường

Ai đã đặt tên cho dòng sông  cho Huế

Đứa con phù sa đất Quảng đắp bồi

Đất Mũi Cà Mau ngón chân lấm bùn mở đất... 

Tường ơi nghe không

bên cánh trời 

gió reo

rào rạt đón Tường bay lên từ cõi đất

Ngô Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh