THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:37

Bát nháo dịch vụ việc làm: Thoát khỏi "động quỷ"

Từ hướng dẫn của trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL) trực thuộc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ và GTVL T.K (quận 6, TP HCM), chúng tôi được đưa đến một ngôi nhà không số nằm trên đường Thành Thái, phường 13, quận 10, TP HCM để nhận việc.

Giam lỏng người lao động

Tiếp chúng tôi là một phụ nữ khoảng 30 tuổi. Người phụ nữ này đem ra một tờ hợp đồng với nội dung hết sức sơ sài là phục vụ tại khu vui chơi giải trí, công viên và yêu cầu chúng tôi ký vào. Mức lương ghi trong hợp đồng là 4,5 triệu đồng/tháng, ngoài ra không có thêm khoản gì khác.

Thấy vẻ mặt lớ ngớ của tôi, người phụ nữ này dặn dò: "Ngoài giờ làm việc thì anh phải ở trong nhà, không được tự ý ra ngoài. Sáng sớm sẽ có người chở đi, tối có người đón về".

Sau khi làm thủ tục xong, tôi được đưa lên lầu 3 để nghỉ ngơi. Nói là chỗ nghỉ nhưng chúng tôi được bố trí nằm tại hành lang ngôi nhà, vỏn vẹn chỉ được một cái quạt, không giường chiếu, gối nệm, thậm chí không có nước sinh hoạt. Ngoài tôi ra còn có 3 người khác cũng đang nằm vật vạ chờ đợi đến giờ đi làm. Anh T. cho biết mình cũng được trung tâm GTVL nói trên đưa đến; phí dịch vụ GTVL do chủ sử dụng lao động đóng là 1.150.000 đồng. Khoản này được chủ sử dụng lao động trừ vào tháng lương đầu tiên của người lao động (NLĐ). Không những thế, T. còn bị chủ giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân.

Tương tự, anh T.V.M và N.V.Đ (quê ở Kiên Giang) cũng được trung tâm GTVL trên đưa đến và cũng bị chủ sử dụng lao động giữ lại chứng minh nhân dân để phòng chạy trốn.

Khoảng 14 giờ, nhóm 4 người chúng tôi bắt đầu được một thanh niên gọi dậy để đi làm. Thay vì làm ở TP HCM như thỏa thuận thì 3 người được đưa xuống TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để làm việc; riêng tôi được đích thân người phụ nữ đưa đến một khu vui chơi giải trí tại huyện Nhà Bè, TP HCM. Tại đây, ngoài tôi ra còn có 4 thanh niên khác. Họ cho biết mới vào làm việc được vài bữa nhưng phải quần quật từ 7 giờ đến 22 giờ. Và cũng như tôi, họ bị chủ khu vui chơi giải trí giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân. "Cách đây vài hôm, có một anh làm được 2 ngày chịu không nổi nên xin nghỉ. Lập tức, chủ khu vui chơi giải trí buộc anh này phải đóng 800.000 đồng mới trả lại giấy tờ" - một nữ nhân viên làm việc tại đây cho biết. Tất cả lao động đều bị người của khu vui chơi giảm sát rất kỹ nên rất khó bỏ việc. Trước đó không lâu, do chịu không nổi áp lực công việc, một nữ nhân viên đã bỏ trốn nhưng bị người của khu vui chơi phát hiện và hành hung. Quá sợ hãi, chị phải vay mượn bạn bè 1.150.000 đồng để nộp lại cho chủ thì mới được trả vali, chứng minh nhân dân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện chủ này có đến gần chục điểm vui chơi giải trí tại tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP HCM. Hằng ngày có hàng chục lao động làm việc và đều bị chủ này giữ lại chứng minh nhân dân và tất cả đồ dùng cá nhân tại nhà. Tất cả phải làm việc từ 7 giờ đến 22 giờ, từ thứ 2 đến chủ nhật.

Chỗ ngả lưng tạm bợ của người lao động sau một ngày làm việc vất vả. Ảnh: HẢI LIÊN

Ăn bánh vẽ

Được chủ sử dụng lao động đưa xuống TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để làm việc nhưng thay vì làm phục vụ ở khu vui chơi giải trí thì anh T.V.M phải đi làm thợ hàn. Khi anh thắc mắc vì sao phải làm công việc trái với thỏa thuận thì chủ sử dụng lao động lớn tiếng hăm dọa: "Không có việc làm mà còn bày đặt ý kiến. Nếu không làm thì phải nộp lại tiền phí mà tao đã trả cho công ty GTVL".

Biết là bị lừa song do đang cần việc làm nên anh đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Tay nghề không có nên suốt một tháng làm việc tại cơ sở gia công cơ khí, anh M. chủ yếu khuân sắt, thép. Thi thoảng, chủ cơ sở chỉ bảo chút ít nghề. Công việc quá nặng nhọc, giờ giấc không cố định, đặc biệt là tiền công không rõ ràng nên M. đành bỏ việc. "Công việc quá vất vả, làm từ thứ hai đến chủ nhật nên em chịu không nổi, buộc phải nghỉ ngang. Thà về quê làm ruộng còn hơn ở đây bị bóc lột sức lao động" - anh T.V.M chua chát nói.

Ở kho Kerry Logistics (KCN Sóng Thần, tỉnh Bình Dương), chúng tôi tiếp xúc được nhiều NLĐ bị "ăn bánh vẽ" của các Trung tâm GTVL và các website GTVL. Anh T.C.T, quê Cần Thơ, cho biết anh có bằng lái xe hạng C và đăng ký làm tài xế từ các trang mạng GTVL. Liên hệ với một trang mạng GTVL, anh T. bày tỏ muốn được làm việc gần nhà nhưng bị yêu cầu lên TP thử việc. Sau khi đóng cọc 1 triệu đồng, thay vì được cầm vô-lăng, T. bị điều đi làm bốc vác ở kho Kerry Logistics. Sau 2 ngày rưỡi làm việc quần quật, chịu không nổi, anh T. bỏ việc, chấp nhận mất 1 triệu đồng tiền cọc. Cùng cảnh ngộ, V.T.T từ An Giang lên "thử việc" 5 ngày. "Công ty" hứa sau thử việc sẽ được bố trí công việc lái xe cho một siêu thị ở tỉnh, gần nhà. Tuy nhiên, khi lên tới TP và đóng tiền cọc, anh mới té ngửa khi biết công việc của mình là bốc xếp. Chủ sử dụng lao động yêu cầu anh phải đi làm đủ 10 ngày mới trả lương và tiền cọc. Làm đến ngày thứ 7, do không kham nổi việc nên anh V.T.T đành xin nghỉ. Vậy nhưng, khi V.T.T đề nghị thanh toán tiền công, chủ sử dụng lao động chỉ phát cho anh 200.000 đồng. 

Lập lờ đánh lận con đen

Nhiều NLĐ làm bốc vác ở kho Kerry Logistics cho biết ngoài áp lực công việc, họ còn phải di chuyển liên tục bởi địa điểm làm việc thường xuyên thay đổi. Ở mỗi điểm, chủ sử dụng lao động không quy định khối lượng hàng hóa NLĐ phải làm mà chỉ hết việc mới nghỉ. Thế nhưng, điều kỳ lạ là NLĐ rất ít khi thấy người quản lý mình chấm công. "Làm quần quật mà không biết khối lượng hàng bốc dỡ được bao nhiêu, được trả công như thế nào thì lấy cơ sở gì để đòi lương. Biết là chủ lập lờ đánh lận con đen nhưng mình thấp cổ bé họng nên đành chịu. Anh em xót tiền nên cố gắng bám trụ nhưng càng làm thì càng bị bóc lột thêm thôi" - anh V.T.T cho biết.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh