THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:51

Bảo vệ nhà báo tác nghiệp trong môi trường số

 

Báo chí - đối tượng bị tấn công nhiều nhất trong môi trường số

Theo thống kê thường niên 2017 của Kaspersky Lab, Việt Nam đứng đầu trong danh sách có nguy cơ bị lây nhiễm mã độc cục bộ, đứng thứ 3 trong danh sách các quốc gia bị tấn công vào lỗ hổng mật mã hóa, đứng thứ 6 trong danh sách các quốc gia có nguy cơ bị lây nhiễm mã độc trực tuyến. Trong bối cảnh đó, vấn đề an toàn tác nghiệp trong môi trường số càng trở nên quan trọng đối với các nhà báo.

 

Nhà báo trang bị những kỹ năng tự bảo vệ mình trong môi trường số.

 

Trên thế giới đã có rất nhiều tổ chức, trường đào tạo báo chí, các tổ chức xã hội về báo chí nghiên cứu sâu và có chương trình, hành động cụ thể để tăng cường an toàn tác nghiệp báo chí. Trong khi đó, ở Việt Nam đáng lo ngại là câu chuyện an toàn tác nghiệp báo chí vẫn chưa được đặt ra một cách toàn diện.

Ông Ngô Văn Tráng, Giám đốc Công nghệ nội dung, Công ty CP VCCorp cho biết, báo chí chính là đối tượng bị tấn công nhiều nhất trong môi trường số ở Việt Nam. Theo ông Tráng, nhiều trang thông tin - báo chí ở Việt Nam đã từng bị tấn công, chiếm quyền kiểm soát bằng cách tấn công đội ngũ phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn qua gửi mã độc, âm thầm chiếm hệ thống quản trị nội dung… Trưởng phòng An toàn thông tin, Công ty CP VCCorp Lê Nguyên Khang cho biết, các máy tính và điện thoại di động của người dùng ở Việt Nam, trong đó có nhiều phóng viên, nhà báo rất dễ bị hacker tấn công, xâm nhập, chiếm quyền kiểm soát. Thời gian qua, nhiều chuyên gia đã cùng chỉ ra các nguy cơ ảnh hưởng đến nhà báo khi hoạt động trong môi trường số. Các nguy cơ này có thể đến từ “fake news” (tin giả), tấn công dữ liệu, tấn công nhà báo từ Facebook, đạo đức nghề nghiệp và ứng xử của nhà báo khi tham gia môi trường số… Bên cạnh đó, các nguồn tin và câu chuyện về việc hệ thống thông tin Việt Nam thường bị tấn công bằng cách tung tin giả, lây lan mã độc, thay đổi giao diện, chiếm quyền điều khiển... cũng là một trong những nguy cơ có thể dẫn đến việc mất an toàn.

Cụ thể, các nhà báo sẽ có nguy cơ bị tấn công trong môi trường kỹ thuật số xảy ra qua việc bị vi phạm sở hữu trí tuệ, “đạo báo”, bị vu khống, bình luận bôi nhọ cá nhân, bị khủng bố tinh thần bằng thông tin sai sự thật, xuyên tạc phát tán trên internet, đối mặt với việc có thể bị giám sát; bị khai thác phần cứng và phần mềm; nhiều nhà báo bị đe dọa tính mạng, danh dự nhân phẩm, đe dọa an toàn dữ liệu, bị kẻ gian lập tài khoản mạo danh để phát tán thông tin giả mạo, khiến hoạt động nghiệp vụ trở nên khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Bá, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Infonet cho hay, nhà báo cũng như những người sử dụng môi trường số đều có thể bị ăn cắp thông tin. Tuy nhiên, việc tấn công vào nhà báo sẽ có chủ đích cao hơn. Ngoài ra, nhà báo dễ bị lập tài khoản giả mạo để phát tán thông tin giả mạo. Và mức độ nguy hiểm của tin giả sẽ cao hơn rất nhiều. Trong một trường hợp khác, nhà báo có thể bị tấn công bằng tin nhắn, bình luận trên mạng xã hội. Trong một số trường hợp, phóng viên đi làm nếu không tắt định vị rất có thể bị phát hiện và dễ bị lộ khi tác nghiệp…

Thực tế cho thấy, với việc phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đã đặt ra nhiều thách thức về an toàn dữ liệu, an toàn thông tin đối với người sử dụng. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2018, đã có 1.500 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam (trong năm 2017 là gần 13.000 cuộc tấn công)…

Những kỹ năng nhà báo cần có để bảo vệ mình trong môi trường số

Trước tình hình đó, bên cạnh việc trang bị kiến thức phòng vệ trong môi trường số, các nhà báo cần nâng cao nhận thức hơn nữa đối với vấn đề an toàn thông tin để tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công của hacker là khuyến cáo của các chuyên gia an ninh mạng.

 

Các nhà báo tác nghiệp.

 

Theo các chuyên gia, các nhà báo cần phải nâng cao cảnh giác để có thể bảo vệ mình và dữ liệu trong môi trường số vốn đang đầy rẫy những thách thức. Nhiều chuyên gia cho rằng, trước những nguy cơ ảnh hưởng khi hoạt động trong môi trường số, nhà báo cần phải trang bị những kỹ năng của mình. Theo tiến sĩ Vũ Tuấn Anh, nhà báo cần phải bảo vệ thiết bị khỏi phần mềm độc hại, bảo vệ thông tin khỏi các mối đe dọa, tạo và duy trì mật khẩu an toàn, bảo vệ tập tin nhạy cảm trên máy. Cùng lúc, các nhà báo cần biết cách khôi phục thông tin bị mất, bảo vệ bản thân và dữ liệu khi sử dụng các trang mạng xã hội, sử dụng điện thoại di động an toàn… Nhà báo cần phải tự đặt ra các câu hỏi với chính bản thân mình rằng: Làm thế nào giữ an toàn cho những tài liệu ghi âm, chuyển đi? Và chắc chắn phải biết rõ mình đã, đang liên lạc, làm việc với những ai? Hay những tài liệu nào đang tiếp cận online?... trước khi có sự can thiệp của các cơ quan nhà nước.

Nhà báo Hoàng Thiên Nga, Báo Tiền phong kể về những câu chuyện chị bị đe dọa bằng tin nhắn, bôi nhọ trên mạng xã hội, cắt ghép ảnh rồi gán bình luận không tốt đăng trên YouTube. Sau đó, chị đã tự bảo vệ mình bằng cách đề nghị tới các đơn vị chức năng đề nghị làm rõ. Nhà báo Hoàng Thiên Nga khuyến cáo, trong mọi tình huống, nhà báo nên tự cứu mình trước. Tự cứu ở đây nghĩa là nhà báo cần phải tự trang bị cho mình nhiều kỹ năng một lúc để bảo vệ bản thân trước những nguy cơ mất an toàn khi tác nghiệp.

Ông Hoàng Minh Trí, Báo Công an Nhân dân chia sẻ câu chuyện về bảo mật thông tin và bảo toàn dữ liệu. Ông Trí cho rằng, các phóng viên, nhà báo cần đặc biệt chú ý bảo vệ thông tin và dữ liệu của mình khi tham gia mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Mặt khác, nhà báo không nên đăng các thông tin cá nhân và các mối quan hệ gia đình, thân thiết lên Facebook để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, tấn công, uy hiếp.

Nói về giải pháp đảm bảo an toàn khi hoạt động trong môi trường số, ông Lê Nguyên Khang cho rằng, các phóng viên, nhà báo tuyệt đối không nên cài đặt và sử dụng các phần mềm lạ, không an toàn. Cùng với đó, người dùng nên đặt mật khẩu cho những tài liệu quan trọng khi lưu trữ.

Ông Nguyễn Hòa Văn, Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, trong kỷ nguyên công nghệ số phải tuyên truyền cho các nhà báo kỹ năng bảo vệ an toàn trong tác nghiệp. Theo ông Nguyễn Hòa Văn, ngoài 2 trụ cột của nghề báo là bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp và tri thức thì trụ cột thứ 3 của nghề trong thời đại hiện nay là nền tảng công nghệ. Nếu không có nền tảng hiểu biết về công nghệ nhà báo có thể “rước họa” vào thân. Nhiều nhà báo bị đe dọa tính mạng, danh dự nhân phẩm, đe dọa an toàn dữ liệu của bản thân. Ông Nguyễn Hòa Văn cho rằng: “Cần đưa ra những tài liệu hướng dẫn, cảnh báo để nhà báo tránh được những nguy cơ đe dọa an toàn trong môi trường số. Bên cạnh đó, cần có thêm các nghiên cứu sâu về vấn đề này”. 

 

Bộ dụng cụ an toàn cho nhà báo của Internews:

- Giữ quyền kiểm soát máy tính của mình.

- Bảo vệ dữ liệu của mình.

- Giữ email an toàn hơn.

- Lướt web an toàn hơn.

- An toàn hơn với wifi.

- Chat và giao tiếp an toàn.

- Khắc phục sự cố khi truy cập.

- An toàn hơn trên mạng xã hội và trên blog.

- Hãy thực sự xóa dữ liệu của bạn.

- Tôn trọng các nguy cơ trong chia sẻ thông tin online.

- Sử dụng điện thoại an toàn hơn.

- Áp dụng “Kỹ năng an toàn” khác.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh