THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 07:14

Bạo lực gia đình – nguyên nhân chính của các vụ ly hôn

 

 

“Vợ tôi, tôi có quyền quản lý”

Những ngày gần đây dư luận phẫn nộ khi chứng kiến cảnh hình ảnh chị P.T.T ở xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình bị chồng là Lại Thanh Tùng dùng xích và khoá xích cổ, nhốt vào trong nhà.

Năm 1998, anh Lại Thanh Tùng (SN 1973, xóm 4, xã Trà Giang) kết hôn với chị Ph.Th. T (SN 1980), sinh được 2 người con (1 trai, 1 gái). Anh Tùng làm nghề xây dựng, chị vợ sức khỏe không được tốt nên ở nhà làm may. Tuy nhiên, cách đây khoảng 2 tháng, hai vợ chồng hay xảy ra mâu thuẫn do có tin đồn thất thiệt về người vợ có quan hệ tình cảm với một người khác. Gần đây, do xảy ra mâu thuẫn lớn nên chị T. dẫn theo 2 con về nhà ngoại ở. Sau đó, anh Tùng đã đến nói chuyện với gia đình bên ngoại và đón 3 mẹ con về.

Do nghi ngờ vợ có nhân tình, anh Tùng đã dùng xích và khóa xích cổ chị T. vào chiếc xe đồ chơi của trẻ em để yên tâm khi đi làm. Sau đó, bố chị T. cầm bát cháo đỗ sang thì phát hiện thấy chị T. đang bị xích trong nhà. Bức xúc, bố chị T đi báo cho trưởng thôn và công an xã xuống giải cứu. Ngay lập tức, công an huyện đã cử 1 tổ công tác xuống lập biên bản hiện trường sự việc, đưa cả 2 vợ chồng về trụ sở công an xã lấy lời khai phục vụ công tác điều tra làm rõ nguyên nhân. Lúc đầu, anh Tùng vẫn chưa nhận thức ra việc làm sai trái của bản thân và cho rằng ‘vợ tôi tôi có quyền quản lý’. Tuy nhiên, sau thời gian làm việc, tuyên truyền, giáo dục, anh Tùng đã nhận thức rõ việc mình làm là sai trái, vi phạm pháp luật nên đã ăn năn hối lỗi.

Theo số liệu báo cáo của các địa phương, từ năm 2012 đến năm 2016, cả nước xảy ra trên 127.000 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, nam giới chiếm 83,6% đối tượng gây bạo lực; gần 80% số vụ ly hôn hằng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Trẻ em sống trong gia đình có bạo lực, khả năng học tập bị suy giảm nghiêm trọng và một bộ phận các em có xu hướng sử dụng bạo lực khi giải quyết mâu thuẫn, xung đột với bạn bè. Đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường gia tăng thời gian qua. Bạo lực gia đình còn làm gia tăng các loại tội phạm xã hội, gây tổn thất nặng nề về kinh tế, giảm sút sức khỏe, suy giảm khả năng và năng suất lao đông, gia tăng chi phí y tế…Số liệu của ngành công an cũng cho thấy, bạo lực gia đình góp phần gia tăng các loại tội phạm xã hội.

Thiếu mô hình trợ giúp phụ nữ bị bạo hành

Từ tháng 3/2007, Trung tâm Phụ nữ và phát triển thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thành lập “Ngôi nhà bình yên”. Tính đến tháng 11-2016, nơi đây đã tiếp nhận hơn 600 phụ nữ bị bạo lực gia đình và 330 nạn nhân bị mua bán trở về. “Ngôi nhà bình yên” cho thấy phụ nữ bị bạo lực thường phải trải qua những tác động tiêu cực cả về sức khỏe thể chất và tinh thần.

 

 

Bà Lê Phương Thúy - Trưởng Phòng Tư vấn và Hỗ trợ phát triển Trung tâm Phụ nữ và phát triển - cho biết phụ nữ bị bạo lực có ở tất cả ngành nghề, thành phần. Trong số hơn 49% người tạm trú ở trung tâm bị bạo lực gia đình làm nghề tự do; 4,3% không đi làm nên rất thiếu thông tin, kỹ năng và khó kêu gọi sự hỗ trợ. Bên cạnh đó, 52% bị bạo lực từ 1-5 năm; 25% bị bạo lực từ 5-10 năm do không có tiếng nói chung nhưng lại bị ràng buộc bằng hôn nhân hợp pháp. Đáng chú ý, 84% người tạm trú có đăng ký kết hôn bị cả 3 hình thức bạo lực cao nhất mà vẫn cam chịu vì lý do bảo vệ hôn nhân, vì tương lai các con, thiếu khả năng độc lập tài chính và người chồng dùng con gây áp lực. Kết quả thời gian bị bạo lực càng kéo dài, nạn nhân càng tự đổ lỗi cho bản thân và tự đánh giá thấp giá trị của mình. “Đáng ngại hơn là trẻ em chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình sẽ “nhiễm” từ bố mẹ, dễ sa chân vào các tệ nạn xã hội” - bà Thúy nhận định.

 Điểu Quốc hội Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, nạn nhân bạo lực gia đình là người yếu thế, bị tổn thương nặng nề và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự trợ giúp từ pháp luật. Thực tế 87% nạn nhân bị bạo hành chưa tìm đến sự trợ giúp pháp lý, trừ các vụ việc nghiêm trọng hay các vụ xử lý hình sự.

Bà Sang cũng cho rằng các nạn nhân của bạo lực gia đình, đặc biệt phụ nữ nhận được trợ giúp pháp lý rất hạn chế theo luật hiện hành. Pháp luật chưa quy định mô hình trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, chưa có trình tự, thủ tục riêng. “Nhiều phụ nữ bị bạo lực gia đình chưa biết quyền được trợ giúp pháp lý hoặc còn e ngại khi tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý. Người trợ giúp pháp lý chưa được đào tạo về kỹ năng làm việc với nạn nhân”.

Hiện cả nước có 6.996 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, 35.756 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 19.182 mô hình, câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, thực trạng bạo lực gia đình vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Để từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình trên toàn quốc, thu hút sự tham gia của toàn xã hội vào việc xây dựng, giữ gìn gia đình bền vững, hạnh phúc, Chính phủ đã ban hành Chương trình Hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình đến năm 2020, quyết định lấy tháng 6 hằng năm là Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh