THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:53

Bạo lực giới học đường: Ám ảnh những nỗi lo

 

Đó là thông tin được bà Shoko Ishikawa – Trưởng đại diện Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) đưa ra tại Hội thảo Nâng cao năng lực phòng ngừa bạo lực giới học đường, kỹ năng công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông diễn ra sáng ngày 22/11.

 78% học sinh Việt Nam bị bạo lực giới trong trường học

Chia sẻ những thông tin về thực trạng bạo lực giới học đường, đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) bà Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, trên toàn cầu cứ 3 học sinh tuổi từ 13-15 lại có 1 em thường xuyên bị bắt nạt tại trường. Theo một báo cáo quy mô lớn ở học sinh từ 11-17 tuổi ở khu vực Thái Bình Dương, 51% các em trai và 40% các em gái cho biết đã từng bị người khác “cố tình gây tổn thương”. Và các hình phạt về thể chất được báo cáo là một hình thức bạo lực giới học đường khá phổ biến trong khu vực.

 

Còn tại Việt Nam, một cuộc khảo sát về thực trạng bạo lực giới trong trường học Hà Nội đã được thực hiện bởi Tổ chức Phát triển Nhân đạo Quốc tế (Plan) tại Việt Nam với 3000 học sinh của 30 trường cho thấy, 78% số em đã chịu ít nhất một hình thức bạo lực giới tại trường học.  Điều đáng chú ý là bạo lực thân thể hiện diễn ra khá phổ biến ở các nhà trường THCS - với 38% số học sinh được hỏi, tỷ lệ này ở trường THPT là 20,6%. Học sinh nữ cấp THCS bị bạo lực thân thể ở trường hoặc trên đường đến trường và về nhà nhiều hơn so với học sinh nam, với các tỷ lệ 31% (với số nữ được hỏi) và 27,5% (với nam). Thế nhưng, chỉ những học sinh nam mới báo cáo hoặc cung cấp thông tin cho bố mẹ, thầy cô về việc mình bị bạo lực, hầu hết học sinh nữ chọn cách im lặng.

Các trường THCS cũng là nơi có tỷ lệ bạo lực tinh thần nhiều hơn so với các trường THPT. Theo kết quả khảo sát nói trên, số học sinh THPT bị bạo lực tinh thần trên đường đến trường và về nhà là 23,5%, trong khi tỷ lệ này ở học sinh THCS là xấp xỉ 30%. Trong đó, bạo lực tinh thần là hình thức phổ biến nhất trong số các hình thức bạo lực mà học sinh đang gặp phải. Bạo lực tinh thần bao gồm các hành động cố ý tẩy chay một người nào đó, đánh giá về ngoại hình, tôn giáo, điều kiện gia đình, gán ghép tên gọi dựa trên ngoại hình hoặc gia cảnh, bắt phạt đứng trong góc lớp hoặc bên ngoài lớp học, bị nhốt trong lớp, sỉ nhục thông qua ngôn ngữ xúc phạm…

Bạo lực giới học đường chưa được quan tâm đầy đủ

Theo bà Mai Anh, bạo lực giới trong trường học đang là một vấn đề gây quan ngại. Tuy nhiên tại Việt Nam có rất ít chương trình can thiệp bạo lực giới trong trường học. Đến thời điểm này, chưa có chương trình nào đưa ra được biện pháp giải quyết vấn đề một cách hệ thống, khoa học trên quy mô lớn đối với vấn đề bạo lực giới trong trường học. Các chương trình thực hiện ở trường học mới chỉ tập trung vào việc giảm sử dụng các hình phạt bạo lực, chưa giải quyết được các vấn đề về bạo lực liên quan đến giới hoặc bạo lực đồng lứa.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Shoko Ishikawa cho biết, với nhiều đứa trẻ, trường học không phải là một nơi an toàn để học tập, mà là nơi chúng buộc phải đối mặt với những đe dọa về nạn bắt nạt, trêu chọc, tấn công, thậm chí là cưỡng hiếp. Các số liệu, nghiên cứu cho thấy vấn đề giới trong bạo lực với trẻ em ở trường học còn ít được quan tâm. Bằng chứng từ các nghiên cứu cho thấy trẻ em gái có nguy cơ bị bạo lực, quấy rối và lạm dụng tình dục cao hơn; trong khi trẻ em trai dễ bị bạo lực thể chất một cách thường xuyên và nghiêm trọng. Trẻ em trai thường gây ra bạo lực thể chất, trong khi trẻ em gái thường sử dụng các hình thức bạo lực lời nói hoặc bạo lực tâm lý.

Cũng theo bà Shoko Ishikawa,  bạo lực giới học đường có thể khiến trẻ em phải nghỉ học, gây thiệt hại khoảng 17 tỷ đô la mỗi năm cho các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Như vậy, bạo lực giới học đường không chỉ gây ảnh hưởng về mặt tinh thần, tâm lý, thể chất, khả năng học tập của các em, mà còn gây ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. “Tôi tin rằng giáo dục là giải pháp đầu tiên và quan trọng trong việc thay đổi mỗi cá nhân, quốc gia và xã hội” – bà Shoko Ishikawa khẳng định.

 

Đại diện Viện Giáo dục Việt Nam, Th.S Bùi Hoàng Diệp cho rằng, việc trang bị các kỹ năng sống cho các em là rất cần thiết để ngăn ngừa hiện tượng bạo lực trong nhà trường. Khi các em có kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, kiểm soát cảm xúc, thương lượng thì sẽ không đẩy các mâu thuẫn lên cao. Và khi các em có được những kỹ năng ấy các em sẽ biết xử lý các mâu thuẫn một cách hòa bình hơn, hài hòa hợp lý không dẫn đến bạo lực. Bên cạnh đó nhà trường, cần xây dựng mối quan hệ thân thiện chia sẻ hơn giữa giáo viên và học sinh để khi học sinh có những mâu thuẫn căng thẳng với nhau các em có thể sẵn sàng tìm đến sự giúp đỡ của các thầy cô, như thế việc xử lý mâu thuẫn của các em sẽ nhẹ nhàng hơn.

Bên cạnh việc tập huấn,  trang bị những kiến thức cơ bản về công tác tư vấn tâm lý và kỹ năng tư vấn tâm lý cơ bản để đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường, bạo lực giới ở học sinh, sinh viên, hội thảo còn giới thiệu bộ công cụ mới giúp phòng ngừa bạo lực học đường tại Việt Nam. Bộ tài liệu do trường ĐH Melbourne xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm công tác khu vực về bạo lực giới ở trường học, thuộc Sáng kiến giáo dục cho trẻ em gái khu vực Đông Á Thái Bình Dương (UNGEI) và dự án Đoàn kết để chấm dứt bạo lực với phụ nữ. Bộ tài liệu gồm các hoạt động phù hợp với lứa tuổi theo những chủ đề quan trọng liên quan đến bạo lực giới và khuyến khích các mối quan hệ tôn trọng.

Tuy nhiên bà Lê Anh Lan – đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc cho rằng, việc dạy cho trẻ tôn trọng những năng lực của con người, tôn trọng sự khác biệt giữa mỗi cá nhân cần được dạy ngay từ khi trẻ còn nằm trong bào thai, từ khi trẻ lọt lòng, chứ không phải đến khi trẻ học cấp 1, cấp 2 mới dạy.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh