THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:42

Bạo lực gia đình: Bao giờ mới hết những nỗi đau?

 

 

Gia tăng những vụ án đau lòng

Những ngày qua, câu chuyện về cô gái 22 tuổi Nguyễn Thùy Dung ở xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội  bị chồng thiêu sống khiến dư luận dậy sóng. Từ một cô gái xinh đẹp hơn người, Dung trở nên biến dạng vì những vết bỏng xăng nặng, khiến người nhìn không tránh khỏi thương tâm.

Câu chuyện bắt nguồn từ mâu thuẫn nhiều năm giữa hai vợ chồng Dung. Dung và anh Nguyễn Văn Thành (SN 1991, trú thôn Bạch Thạch, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) lấy nhau sớm và đã có hai mặt con. Từ khi lấy nhau, anh Thành sinh chứng ăn chơi và thường xuyên đánh vợ. Không chịu đựng được, Dung đã quyết tâm ly hôn nhưng chồng không chịu. Do không thuyết phục được vợ, anh Thành đã lén mua xăng và đốt vợ ngay mùng 2 Tết Âm lịch 2016.

Còn với trường hợp của chị Nguyễn Tuyết L. (36 tuổi, trú tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, mới đây chị bị chồng cũ chặn đường đánh đập khiến chị phải nhập viện cấp cứu. Chị kết hôn năm 2007 và có 2 người con. Tuy nhiên, suốt quãng thời gian chung sống, chị như sống trong địa ngục bởi sự bạo hành vũ phu từ người chồng của mình. Thế nên, sau 7 năm chung sống,  không thể chịu nổi tính cách của chồng nên năm 2014, chị L. đã gửi đơn ly hôn ra tòa. Đến tháng 2/2015, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã chấp thuận cho hai anh chị ly hôn và phân chia tài sản.

Theo đó chị L. có quyền nuôi đứa con thứ 2 là cháu Nguyễn Minh Ch. (6 tuổi), còn anh P. sẽ nuôi cháu Nguyễn Tuấn A. (9 tuổi). Hai chiếc xe máy là tài sản chung của cả 2 vợ chồng nên tòa quyết định chia cho mỗi người một chiếc. Thế nhưng không chấp nhận bản án của tòa, P. vẫn tiếp tục không để cho mẹ con chị L được yên. Mới đây, P. đã chặn đường đánh chị L khiến chị bị bị ngất xỉu ngoài đường với vết rách trên mặt phải khâu 7 mũi.

Chia sẻ về cuộc hôn nhân đầy bạo lực của mình, chị  L. cho biết:  “Bản thân tôi thường xuyên rơi vào cảnh sợ hãi và lo sợ chồng cũ bạo hành khiến mình không giây phút nào được yên phận. Tôi không mong gì hơn là được bắt đầu một cuộc sống mới, được nuôi đứa con theo đúng phán quyết của tòa. Chồng tôi không biết còn làm những chuyện khủng khiếp nào nữa. 7 năm qua tôi đã chịu nhiều cay đắng rồi".

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trung bình một năm trên cả nước có tới 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân do bạo lực gia đình. Cũng theo số liệu thống kê của bệnh viện, các trung tâm, phòng cấp cứu lớn của cả nước, có hơn 27% phụ nữ bị ngược đãi nhập viện, hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng hằng năm do nguyên nhân bạo lực gia đình.  Tòa án ở một số địa phương thống kê, số vụ ly hôn xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình hằng năm chiếm trên 60%. Ngoài ra, còn có những vụ án người trong cuộc không khai thật những chuyện bạo lực mà họ phải gánh chịu trong gia đình, mà chỉ nói chung chung "tính tình không hợp".

Thực tế cho thấy, những vụ án liên quan đến bạo lực gia đình những năm gần đây có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan điều tra, trên cả nước cứ khoảng 2-3 ngày lại có một vụ án mạng liên quan đến bạo lực gia đình.

 

 

Cơn bão ngầm sau mỗi cánh cửa gia đình

Theo một nghiên cứu mới đây về bạo lực gia đình, Tổng cục Thống kê công bố một thực tế đáng buồn: Gần 60% phụ nữ từng bị bạo lực đã biết về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, thế nhưng 87% phụ nữ bị bạo lực chưa hề tìm đến sự hỗ trợ từ các dịch vụ, hoặc những người có thẩm quyền giúp đỡ; 50% trong số ấy thì chọn giải pháp an toàn bằng cách im lặng.

Tại hội nghị quốc gia về tình dục và sức khỏe, một con số thống kê đã được Trung tâm Ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên  (CSAGA)  đưa ra. Đó là hơn 37% phụ nữ được khảo sát cho biết họ bị ép quan hệ tình dục trong giai đoạn từ 1 đến 3 năm chung sống cùng nhau;  60% phụ nữ cho biết buộc phải quan hệ tình dục ngay cả trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc lúc đang đau ốm. Tuy nhiên, 83 % phụ nữ bị bạo lực chấp nhận và cam chịu, chỉ 13% chị em là phản ứng quyết liệt và cương quyết cự tuyệt khi bị ép quan hệ. 49% trong số đối tượng khảo sát đã từng có ý nghĩ sẽ tự tử vì phải chịu đựng các hình thức bạo lực tình dục. 40% trong số đó đã thực hiện các hành vi kết thúc cuộc sống bằng những hình thức khác nhau như mua thuốc trừ sâu, uống thuốc ngủ, treo cổ tự tử, nhảy cầu, nhảy sông… nhưng không thành.

Theo bà Nguyễn Thu Thúy, Điều phối viên mạng lưới phòng chống bạo lực giới Việt Nam – GBVNet, những người phụ nữ bị bạo hành khi nhờ người thân, anh em, họ hàng giúp đỡ nhưng sự can thiệp của bố mẹ chồng, các thành viên khác trong gia đình và hàng xóm thường không mấy hiệu quả. Ở Việt Nam, việc chấp nhận quan niệm cho rằng bạo lực gia đình là một vấn đề riêng tư chính là lý do để người ngoài không can thiệp vào.

Một số ít người bị bạo hành nghiêm trọng mới tìm đến sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc xử lý và can thiệp của chính quyền tại các địa phương cũng chưa hiệu quả, không hỗ trợ cho phụ nữ mà thậm chí còn đổ lỗi cho họ, mang nặng định kiến giới, giải quyết vụ việc theo quan điểm cá nhân mà không áp dụng các chế tài pháp luật khi tiến hành can thiệp, hoà giải, thiếu các kỹ năng và kiến thức khi xử lý vụ việc. Điều này khiến cho người bị bạo lực không tin tưởng vào hệ thống trợ giúp tại địa phương, lại tự tìm con đường của mình và loay hoay giải quyết. Việc người gây bạo lực khi không bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm, họ dường như đang có môi trường "nuôi dưỡng" để tiếp tục các hành vi bạo lực của mình.

Đồng quan điểm, bà Hoàng Tú Anh – Giám đốc Trung tâm Sáng kiến, sức khoẻ và dân số cho rằng,  cũng cần phải nhìn nhận là dù có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nhưng cơ quan chức năng còn thờ ơ. Khi quá sức chịu đựng, một số phụ nữ đã tìm đến chính quyền địa phương can thiệp thì lại không được giải quyết nên họ không còn tin tưởng, nhiều trường hợp còn làm cho tình hình trở nên tệ hơn. “Nhưng im lặng trong chuyện này đồng nghĩa với nguy hiểm. Nhiều phụ nữ nghĩ điều đó là bình thường và phải cố chịu. Thực tế, họ đang cố “bình thường hoá” sự việc để sống. Nhưng nếu không nói, họ sẽ không bao giờ cải thiện được tình trạng này và ngày càng bị chà đạp, bị đối xử thô bạo” – bà Tú Anh khẳng định.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh