Bạo lực gia đình: Nỗi đau con trẻ
- Y học 360
- 12:49 - 05/06/2016
Vết thương tâm hồn khó lành
Thường xuyên phải chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình có tác động rất lớn đến suy nghĩ và phát triển nhân cách của những đứa trẻ. Theo các chuyên gia tâm lý, những bé gái sống trong môi trường bạo lực, khi trưởng thành khó đặt niềm tin vào đàn ông và thường gặp trắc trở trong tình yêu. Họ luôn có thái độ hoài nghi với đối tượng khác giới.
Ở tuổi 27, với dáng người cao ráo, xinh xắn, ăn nói nhẹ nhàng, đang là kế toán của một Công ty lớn, nhưng L.T.N, ở Thái Nguyên mãi không chịu yêu ai. Lý do khiến N hàng ngày vẫn lẻ bóng đi về, bởi em không quên được cảnh người cha say rượu đánh đập mẹ của gần chục năm về trước. Trong một lần say rượu, giữa đêm khuya cha đánh mẹ đến vỡ đầu. Nhìn thấy cảnh đó, N. chỉ biết khóc, ôm lấy mẹ rồi la lớn nhờ hàng xóm giúp đỡ đưa đi bệnh viện. Sau lần bị chồng đánh thừa sống thiếu chết, mẹ dắt N. về nhà ngoại ở luôn cho đến tận bây giờ. Mặc dù chuyện đã qua rất lâu, nhưng mỗi khi nhớ lại N đều rùng mình sợ hãi. N chia sẻ: “Trải qua bao khó khăn, em cũng đã học xong có công việc ổn định với mức lương khá nên hai mẹ con không còn vất vả như trước nữa. Cũng có vài người thích, nhưng em không thấy có tình cảm với ai. Em thấy cứ sống như hiện tại là hạnh phúc lắm rồi, lấy chồng không may phải người vũ phu thì không biết sẽ ra sao? Em sợ cảnh ấy lắm rồi”.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.
“Tôi rất khó có xúc cảm với người khác phái, chỉ vô tình bắt gặp một đặc điểm gợi nhớ đến… bố tôi là tôi rùng mình sợ hãi. Tôi sợ hôn nhân, sợ giẫm phải vết xe đổ của mẹ. Chính bởi vậy giờ đây tôi không dám lấy chồng cho dù đã 32 tuổi” - đó là lời tâm sự của N.T.H, quê Thái Bình.
Gia đình H có 3 anh chị em, H là con gái út. Ngay từ hồi còn nhỏ, H đã phải chứng kiến cảnh bố thường xuyên rượu chè và đánh đập mẹ con tôi mỗi khi không vừa ý chuyện gì. Từ hồi học lớp 2, những trận đòn kinh hoàng mà bố đánh mỗi khi anh em H bị điểm kém đến giờ vẫn còn in đậm trong tâm trí. H nghẹn ngào nhớ lại: “Bố đánh rất đau, bạ đâu đánh đấy mà toàn dùng thắt lưng da để vụt. Đau chết điếng mà cố nhịn không dám khóc bởi nếu khóc ông càng đánh đau hơn. Mỗi lần như vậy mẹ đã khóc lóc thảm thiết để van xin nhưng bố không tha. Chỉ khi nào ông nguôi giận thì ông mới dừng. Còn với mẹ thì ông còn dã man hơn nhiều, chỉ cần mẹ cãi lại ông vì bất cứ lý do gì dù đúng dù sai là ông “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” ngay lập tức. Có lần ông đòi mẹ tôi nấu món này món nọ. Mẹ tôi đi làm về cũng mệt nên chỉ nói với giọng hơi khó chịu một chút, ấy vậy mà ông ấy tát mẹ tôi nổ đom đóm mắt, trước ánh mắt sững sờ của mấy anh em tôi. Má mẹ tôi sưng vù và in hằn 5 đầu ngón tay sau cái tát trời giáng đó...”
Trải qua quá nhiều biến cố nên có lẽ H già dặn hơn so với tuổi. H nói: “Người ta yêu thì phải nhắm một mắt nhưng tôi không làm thế được. Người ta nhìn đời bằng lăng kính màu hồng thì tôi nhìn đời bằng lăng kính không số. Tôi khó mà rung động được trước người khác phái. Chỉ một hoặc vài lần tiếp xúc, tôi đã có thể “đọc vị” người đó tốt hay xấu, hiền lành hay gia trưởng, đến với tôi vì mục đích gì”.
Ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ
Là những đứa trẻ ngây thơ, lẽ ra các em phải được lớn lên trong sự quan tâm, thương yêu, chăm sóc của cha mẹ, gia đình, song thật đáng buồn là không ít những đứa trẻ hàng ngày phải sống trong nỗi buồn tủi, sợ hãi bởi những hành vi bạo lực từ chính người cha của mình gây ra. Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ đã chỉ ra rằng, bạo lực gia đình là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với cuộc sống của trẻ em. Những trẻ em sống trong những gia đình mà mẹ bị cha bạo hành sẽ có nhiều khả năng có các vấn đề về hành vi hơn so với những đứa trẻ khác.
Những ảnh hưởng tiêu cực đối với trẻ em là cảm giác buồn chán, tách mình ra khỏi những người khác trong trường, buồn bã, chán học. Một người phụ nữ bị bạo hành vô cùng đau xót khi chứng kiến cảnh đứa con trai 3 tuổi của chị tự cô lập mình trong lớp mẫu giáo: “Khi tôi đến nhà trẻ đón con, tôi thấy cháu tách riêng một mình. Cháu ngồi im một chỗ, không chơi với những đứa trẻ khác. Nhìn con thấy nó khổ thân quá”.
Đối với các trẻ trai, khi lớn lên các em có thể bắt chước các hành vi bạo lực với người vợ trong tương lai. Bà Henrica A.F.M Jansen, Trưởng nhóm nghiên cứu về bạo lực đối với phụ nữ Việt Nam cho rằng: “Những người chồng bạo hành có nhiều khả năng đã từng chứng kiến mẹ mình bị cha đánh đập hoặc chính họ đã từng bị đánh đập khi còn nhỏ. Những điều đã trải qua thời thơ ấu chính là một yếu tố quan trọng liên quan đến việc bản thân họ sau này trở thành người gây ra bạo lực gia đình”.
Các nghiên cứu tâm lý cũng chỉ ra rằng, trẻ em có tuổi thơ sống trong hoàn cảnh bạo lực hoặc là nạn nhân của bạo lực, có hành vi bạo lực cao hơn nhiều so với trẻ em bình thường. Trẻ em sinh ra và lớn lên trong gia đình thiếu vắng sự yêu thương chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên có thể sinh ra tổn thương tâm lý và dẫn tới những phản ứng gây bạo lực, thích gây gổ, đánh nhau…
Số liệu khảo sát điều tra xã hội học cho biết: Bạo lực gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ chiếm 91,0%, gây tổn hại về sức khỏe, thể chất: 87,5%, gây tổn thương về tâm lý, tinh thần: 89,4%, gây tan vỡ gia đình: 89,7% và làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội: 89%. Với tuổi thơ hậu quả là hết sức nguy hại vì nó làm cho các em mất niềm tin vào các thành viên gia đình, từ đó chán học, sa ngã vào các tệ nạn xã hội hoặc có hành vi phạm pháp. |