THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:39

Bạo lực đối với phụ nữ bán dâm: Nước mắt người trong cuộc

 

Tâm sự cay đắng…

Hội thảo “Bạo lực giới đối với phụ nữ bán dâm - Thực trạng và giải pháp” do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 15/12 tại Hà Nội, nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bạo lực đối với người bán dâm (17/12).

Hội thảo đã chia sẻ kết quả nghiên cứu về vấn đề bạo lực giới đối với phụ nữ bán dâm tại Hà Nội, do Viện Nghiên cứu về xã hội và phát triển (ISDS) tiến hành. Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 5/2015 đến hết tháng 9/2015, với sự tham gia của gần 40 phụ nữ mại dâm tại Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Viện trưởng ISDS, đa phần phụ nữ từng bán dâm lựa chọn nghề này vì có rất ít cơ hội lựa chọn công việc với thu nhập đủ sống. Nhiều người trong số họ là nạn nhân của buôn bán người, nạn nhân bị bạo hành gia đình, lạm dụng tình dục.

Một phụ nữ từng bán dâm chia sẻ tại hội thảo.        Ảnh: Chu Lương

Tại hội thảo, một phụ nữ (29 tuổi) kể về nguyên nhân chị phải đi bán dâm: “Em trai tôi đi học bị tai nạn giao thông, nằm ở Việt Đức một thời gian dài trong tình trạng sống thực vật. Gia đình quá khó khăn, bố mẹ tôi không thể kiếm đâu ra tiền chữa trị cho con trai. Đường cùng, tôi đành làm cái nghề mạt hạng để giúp bố mẹ lo thuốc thang cho em”. Trường hợp khác, chị Ng (36 tuổi) có hai đứa con “mang họ mẹ”. Không nhớ chính xác mình bước vào “nghề” năm bao nhiêu tuổi, nhưng Ng lại không thể quên cái ngày chị bị mẹ mắng chửi nên tự ái bỏ nhà ra đi. Xuống Hà Nội, Ng mở quán nước chè, khi nào có khách gọi thì nhờ người trông hộ khoảng 30 phút rồi đi. Mỗi lần "tàu nhanh" thỏa thuận 100.000 đồng, khách đưa 50.000 đồng chị cũng đành chấp nhận.  "Nhiều lần muốn bỏ nghề nhưng chỉ dám nghĩ trong đầu, vì phận đàn bà đã có tuổi, tôi biết kiếm đâu ra việc có thu nhập ít nhất phải 3-5 triệu mỗi tháng để trang trải cuộc sống cho ba mẹ con”, chị Ng buồn bã nói.

Còn khoảng trống trong chính sách

Bà Nguyễn Thị Vân Anh cho biết, phụ nữ mại dâm phải chịu mọi hình thức bạo lực từ thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế từ trong gia đình, nơi làm việc, cộng đồng. Một số hình thức bạo lực chị em thường gặp phải như bị chủ, bảo kê, khách hàng, chồng, bạn tình, đầu gấu đánh đập, gây chấn thương, tổn thương cơ thể; cưỡng ép quan hệ tình dục, cưỡng hiếp tập thể; không cho sử dụng bao cao su; khách qụyt tiền...

Phụ nữ bán dâm đường phố dễ bị bạo lực từ khách hàng nhiều hơn phụ nữ bán dâm trong cơ sở. Tuy nhiên, phụ nữ bán dâm trong cơ sở lại đối mặt với nguy cơ bạo lực từ chủ, bảo kê. Mặc dù vậy, đa số phụ nữ mại dâm không dám đứng lên tố cáo, trong đó có các vấn đề về chính sách như phòng, chống bạo lực giới đối với nhóm phụ nữ bán dâm ở Việt Nam chưa được chú ý...

 “Bị quỵt tiền còn nhẹ. Có nhiều chị bị 5-6 tên ma cô đánh đập giữa đường, bao nhiêu người đi qua, khi nhìn những cô gái ăn mặc hở hang, phản cảm... thì nghĩ ngay tới những phụ nữ bán dâm, thế nên họ chẳng thiết can ngăn, thương xót. Nhiều lúc cảm thấy nhục nhã, nhưng từ bỏ nghề thì liệu có cách nào kiếm được việc làm? Nghĩ tới gia đình lại phải nhắm mắt đưa chân...” - Một phụ nữ từng bán dâm chia sẻ.

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho biết, không ít phụ nữ bán dâm luôn có tâm lí cố gắng trốn tránh, có nhiều chị tuy bị bạo hành nhưng vẫn phải bám trụ với “nghề”. Để bảo vệ những phụ nữ yếu thế này, các khuyến nghị tại hội thảo chỉ ra rằng, cần thiết lập cơ chế để phụ nữ bán dâm có thể phản ánh về những vấn đề bạo lực mà họ phải đối mặt, từ đó họ có thể yêu cầu được bảo vệ và hỗ trợ thực hiện quyền của mình. Cùng với đó là thiết lập đường dây nóng, hỗ trợ phụ nữ bán dâm phản ánh các trường hợp bị bạo lực; lập diễn đàn vận động chính sách bảo vệ quyền không bị xâm hại thân thể của phụ nữ bán dâm.

Ngoài ra, cũng cần xây dựng dịch vụ xã hội, hệ thống trợ giúp pháp lý giúp chị em bán dâm tiếp cận công lý, các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực giới, bạo lực gia đình. Nghiên cứu, thu thập bằng chứng, xây dựng tài liệu về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ bán dâm để làm cơ sở cho vận động chính sách và xây dựng các chương trình can thiệp...

CHU LƯƠNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh