THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:44

Báo Lao động và Xã hội đồng hành cùng ngành LĐ-TB&XH

 

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội: “Thông tin trên Báo ngày càng sinh động, bám sát thực tế”
Nhiều năm qua, Báo Lao động và Xã hội đã gắn bó mật thiết và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng, chống TNXH. Thông tin trên báo ngày càng đa dạng, nhanh, nhạy, chính xác, nhiều bài có chất lượng sâu sắc về mọi mặt trong công tác PCTNXH thuộc lĩnh vực của ngành cả về mặt lý luận và thực tiễn. Nhiều bài viết được độc giả đánh giá công phu, có nhiều phát hiện, có sức sống lan tỏa. Tờ báo còn như một diễn đàn để nhân dân và các cán bộ trực tiếp làm công tác PCTNXH đón chờ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, dân chủ luận bàn để thấu đáo nhiều mặt của vấn đề, từ đó có giải pháp xử lý phù hợp nhất.

Vai trò của báo với công tác PCTNXH ngày càng khẳng định vững chắc. Trong cuộc sống xã hội, ít có lĩnh vực nào khó khăn phức tạp như phòng chống ma túy, mại dâm vì nó đã tồn tại dai dẳng hàng nghìn năm, liên quan mật thiết đến tội phạm, lợi nhuận, quan niệm sống, lối sống, hoàn cảnh sống, điều kiện sống của mỗi cá nhân qua từng thời kỳ. TNXH để lại những hệ lụy ghê gớm, lâu dài, có thể tàn phá cả một thế hệ trẻ, làm suy nhược giống nòi nếu không có chiến lược phòng chống tốt. 
Việc thông tin nhanh đã góp phần đưa hoạt động báo chí, tuyên truyền của ngành trở nên sôi động, có sức lan tỏa toàn xã hội, được người dân quan tâm, chú ý. Đặc biệt trong lĩnh vực PCNXH luôn là những lĩnh vực quan trọng được Báo Lao động Xã hội thường xuyên đề cập, tuyên truyền trên các trang mục quan trọng nổi bật. 
Nhờ có những phóng viên tâm huyết lăn lộn với thực tế, không sợ hiểm nguy đến tận các vùng hẻo lánh, xâm nhập thực tế để quần chúng tiếp cận  nhanh nhất các thông tin sinh động về hiểm họa ma túy, mại dâm, mua bán người, phản ánh những mô hình làm tốt, những cá nhân tiêu biểu, những người cai nghiện quyết tâm vượt qua lỗi lầm trở thành người thực sự có ích cho xã hội...
Công tác PCTNXH hiện có nhiều đổi mới cả về quan điểm và giải pháp. Bám sát nhiệm vụ chính trị, báo chí ngày càng đi sâu phản ánh các giải pháp mang tính khoa học và thực tiễn về phòng ngừa, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên và các giải pháp khắc phục có hiệu quả TNXH. Và biết bao cán bộ, tổ chức từ thông tin của báo chí đã giác ngộ, làm giàu tri thức của mình, quyết tâm đóng góp công sức cho công tác PCTNXH. Báo chí đã tạo ra phong trào quần chúng rộng rãi.
Chu Lương (ghi)
Ông Nguyễn Trí Lạc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh: “Tờ báo chính sách”
Gắn bó với ngành bao nhiêu năm, cũng là chừng ấy thời gian gắn bó với Báo Lao động và Xã hội. Tờ báo luôn mang đến cho bạn đọc những cái mới về cuộc sống, về đời sống xã hội, đặc biệt là công tác tuyên truyền các chính sách của ngành LĐ-TB&XH. Năm 2017, Hà Tĩnh lũ chồng lũ, các phóng viên của báo đã không quản khó khăn, không quản nguy hiểm, cùng ăn ở, sinh hoạt với bà con vùng lũ Kỳ Anh, đưa tin bài kịp thời, thường xuyên trên Báo Lao động và Xã hội, báo điện tử Dân sinh. Năm đó, trước những thông tin báo đưa, các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương đã kịp thời quan tâm đến người dân vùng lũ, vùng thiên tai, nên chỉ bị thiệt hại về tài sản không ảnh hưởng đến tính mạng con người.

Đặc biệt, các phóng viên của báo đã luôn đi thực tế, bám sát địa bàn, gắn bó với người dân, với đối tượng chính sách, với đồng bào dân tộc thiểu số, với vùng khó, vùng nghèo… đưa tin, bài đăng tải thường xuyên đến với bạn đọc một cách khách quan, trung thực. Bạn đọc tiếp nhận các chính sách của ngành dễ hiểu hơn, quan tâm hơn, sát thực với cuộc sống của người dân.  
Những năm gần đây, báo ngành đã có nhiều đổi mới cả về hình thức và nội dung trên cả báo giấy và báo điện tử. Các chuyên mục cũng phong phú hơn, hấp dẫn hơn. Nhiều bài viết sâu sắc, chân thực với đời sống xã hội, tin tức, sự kiện về ngành, về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước được cập nhật nhanh hơn, thông tin chính xác, trung thực, khách quan, thu hút nhiều bạn đọc trong và ngoài nước đến với tờ báo nhiều hơn. Nhân kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúc báo luôn là tờ báo hàng đầu về công tác tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ. 
Thu Hương (ghi)
Bà Phan Thị Thúy Linh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng: “Báo luôn song hành trong các hoạt động của ngành”
Ngành LĐ-TB&XH đảm nhiệm công việc tham mưu giúp UBNDTP.Đà Nẵng quản lý nhà nước trên rất nhiều lĩnh vực về an sinh xã hội. Đà Nẵng là địa phương có nhiều chương trình đột phá như “5 không, 3 có”, “Thành phố 4 an”… Những năm qua, Sở LĐ-TB&XH đã tích cực tham mưu cho thành phố triển khai hiệu quả các chương trình trên, góp phần ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Ngoài sự nỗ lực của ngành, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên…  thì sự đồng hành chia sẻ, hỗ trợ của các cơ quan báo chí của Trung ương và thành phố đóng vai trò rất quan trọng trong công tác truyền thông, kịp thời đưa những chủ trương, chính sách mới đến với người dân, giúp người dân hiểu và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về việc làm, lao động, đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Thành ủy và UBND thành phố giao.
Các thông tin trên báo, đài đã phản ánh đời sống của các tầng lớp nhân dân, trong đó nhiều hoàn cảnh khó khăn của các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế khác… Qua đó, các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân hiểu, chia sẻ và thiết thực giúp đỡ để họ vươn lên, ổn định hơn trong cuộc sống. Những tấm gương điển hình thông qua báo chí đã được nhân lên rất nhiều, lan tỏa trong cộng đồng những giá trị nhân văn, những nghĩa cử cao đẹp.  
 Thời gian tới, nhất là dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - liệt sĩ 27/7, đặc biệt là 6 tháng cuối năm 2019, Sở LĐ-TB&XH tập trung nhiều nhiệm vụ trọng tâm trên tất cả các lĩnh vực công tác về an sinh xã hội, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành.  
Để đạt được kết quả như mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, Sở LĐ-TB&XH rất mong muốn các cơ quan báo chí, nhất là báo ngành và báo địa phương quan tâm hỗ trợ mạnh hơn nữa công tác truyền thông như: đăng tải những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước kịp thời, thường xuyên; nêu những tấm gương tập thể, cá nhân về thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ của ngành, biểu dương những tổ chức, cá nhân, những doanh nghiệp chung tay vì cộng đồng, có nhiều hoạt động thiện nguyện, nhân đạo,  đồng thời phản ánh, phê phán những hiện tượng tiêu cực làm ảnh hưởng đến ngành và toàn xã hội. 
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, thay mặt ngành LĐ-TB&XH TP.Đà Nẵng xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông, các anh chị nhà báo, phóng viên trên địa bàn thành phố và đặc biệt Báo Lao động và Xã hội lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. 
Giang Sơn (ghi)
Ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hoá: “Luôn mang hơi thở cuộc sống đến với bạn đọc”
Báo Lao động và Xã hội không chỉ là tờ báo thuộc ngành, các tin, bài viết về các lĩnh vực của ngành, mà còn là tờ báo mang hơi thở cuộc sống đến với bạn đọc bằng những bài điều tra, phóng sự về đời sống của người dân, về các lĩnh vực xã hội được bạn đọc quan tâm. Những bài viết ấy được các phóng viên viết lại một cách chân thực nhất, sống động nhất, bằng chính ngòi bút khách quan, trung thực của mình.

Tôi còn nhớ, trong chuyến đi Thanh Hoá về chương trình giảm nghèo của các huyện miền núi, các phóng viên của báo đã không quản đường xa, đường rừng, men theo đường mòn về bản Khó, bản Nghèo của huyện Quan Hoá gần một ngày đường. Hai bản này, cuộc sống bà con rất khó khăn, vì nằm cách xa trung tâm huyện nên việc giao thương không được thuận lợi, bà con đơn thuần sống bằng chăn nuôi gia súc, gia cầm đơn lẻ, trồng lúa, trồng luồng, phát triển rừng… cố gắng vươn lên thoát nghèo. Phóng viên của Báo LĐ&XH đã xuống tận bản tìm hiểu cuộc sống, phong tục tập quán của bà con bản Khó, bản Nghèo… bằng chính những bài viết đã được đăng trên báo trung thực và khách quan, mang đến cho bạn đọc những cái nhìn mới hơn về đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây Thanh Hoá. Nhờ vậy, qua công tác tuyên truyền, qua những bài viết của phóng viên, bản Khó, bản Nghèo nói riêng, các huyện miền Tây Thanh Hoá nói chung được quan tâm nhiều hơn. 
Mấy năm gần đây, các huyện miền núi Thanh Hoá đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Nhân kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam xin được gửi đến các nhà báo, các phóng viên sức khoẻ, luôn là những cây bút sắc bén, khách quan trên mọi mặt trận kinh tế, văn hoá, xã hội.
Ngô Thu Hương (ghi)

 

 

Ông Trần Phú Hùng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk:“Báo chú trọng tuyên truyền về lao động, việc làm và an sinh xã hội”
Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên. Kinh tế của tỉnh chủ yếu dựa vào sản xuất và xuất khẩu nông, lâm sản. Tỉnh có tiềm năng về du lịch sinh thái, có diện tích và sản phẩm cà phê, hồ tiêu xuất khẩu lớn nhất nước, với diện tích 182.343ha và sản lượng thu hoạch hàng năm đạt trên 400.000 tấn, chiếm 40% sản lượng cả nước. Tỉnh cũng là nơi trồng bông, cacao, cao su, điều lớn của Việt Nam. Đồng thời là nơi phát triển các loại cây ăn trái khác, như bơ, sầu riêng, chôm chôm, xoài...

Cùng với việc phát triển kinh tế tại địa phương, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk đã tích cực tham mưu với các cấp chính quyền, đặc biệt với UBND tỉnh xây dựng các đề án về chuyển dịch cơ cấu lao động để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sự phát triển mạnh về quy mô chất lượng đào tạo. Các cơ sở đào tạo nghề đã từng bước đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cung cấp cho các doanh nghiệp, tạo việc làm nâng cao đời sống cho người lao động. Bên cạnh vấn đề lao động, các chính sách về người có công, bảo vệ chăm sóc trẻ em, an sinh xã hội, giảm nghèo đã được ngành LĐ-TB&XH quan tâm giải quyết kịp thời đầy đủ. Đồng thời kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ các gia đình có công, các hộ nghèo xây dựng nhà ở hỗ trợ vốn phát triển sản xuất.
Đạt được kết quả trên có phần  đóng góp quan trọng của các cơ quan thông tấn báo chí, đặc biệt là Báo Lao động và Xã hội, Báo điện tử Dân sinh, đã bám sát công tác của ngành tại địa phương và đã phản ánh kịp thời các hoạt động của ngành. Đây là tờ báo ngành chuyên đưa tin về lĩnh vực lao động và việc làm, người có công, an sinh xã hội, đúng tôn chỉ, mục đích. Tuy nhiên, để lượng thông tin đến với nhiều bạn đọc hơn nữa, tạo được thương hiệu thời gian tới Báo Lao động và Xã hội cần phản ánh những thông tin thời sự nhanh, đảm bảo tính chính xác, khách quan trung thực. Với vấn đề của ngành cần những bài viết sáng tạo trong việc phản ánh nhân tố điển hình; những bài viết phân tích sâu sắc hơn nữa, trên tinh thần xây dựng các chính sách của ngành ngày một hoàn thiện và đi vào cuộc sống.
Lê Nhuận (ghi)
Bà Chu Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo: “Báo luôn phát huy vai trò định hướng thông tin về lĩnh vực giảm nghèo”
Thời gian qua, Báo Lao động và Xã hội, Báo điện tử Dân sinh đã có nhiều bài báo đạt chất lượng cao về lĩnh vực giảm nghèo. 
Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối 2018 còn 5,23%, đã giảm 1,47% so với năm 2017. Tỷ lệ nghèo ở các huyện nghèo còn 33,78%, giảm 5,78% so với 2017. Mục tiêu năm 2019 sẽ tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 - 1,5%/năm. Riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3 - 4% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5% lần so với cuối năm 2015. Riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt. 

Để đạt được kết quả trên cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự vươn lên của chính hộ nghèo và đặc biệt có vai trò không nhỏ của các cơ quan truyền thông, trong đó có Báo Lao động và Xã hội, Báo điện tử Dân sinh.
Theo đó, Báo đã tuyên truyền về việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; các vấn đề đặt ra và định hướng đề xuất các phương án điều chỉnh chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, Báo có nhiều bài viết về các mô hình, điển hình tiên tiến tại địa phương, cơ sở cũng như vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong lĩnh vực giảm nghèo nhằm góp phần vào đánh giá sơ kết kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Có những bài viết về giải pháp giảm nghèo cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công; các giải pháp hạn chế tình trạng tái nghèo, nghèo phát sinh. Tuyên truyền về đổi mới cơ chế điều hành, chủ trì, phần công, phân cấp, phối hợp trong công tác giảm nghèo ở Trung ương và địa phương. Báo đã kịp thời thông tin nhanh, có phân tích đánh giá và định hướng để tạo đồng thuận trong dư luận; phản ánh sâu mọi lĩnh vực của Ngành đặc biệt là lĩnh vực giảm nghèo và việc thực hiện chính sách tại các địa phương được cán bộ làm công tác lao động, thương binh, xã hội ở các tỉnh đánh giá tuyên truyền hiệu quả.
Báo Lao động và Xã hội, Báo điện tử Dân sinh đã thật sự là cầu nối để đưa chính sách về giảm nghèo đến với người dân. Đồng thời ghi nhận, phản ánh thực tiễn thực hiện chính sách giảm nghèo tại cơ sở giúp những người làm công tác xây dựng chính sách có những định hướng, điều chỉnh phù hợp. Qua đi công tác địa phương cho thấy, Báo Lao động và xã hội, Báo điện tử Dân sinh đã trở thành kênh thông tin nhanh, hiệu quả đối với cán bộ làm công tác LĐ - TB&XH và người dân trên cả nước. 
Trong 2 năm gần đây, Báo Lao động và Xã hội, Báo điện tử Dân sinh có nhiều tác phẩm tham dự cuộc thi Các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 -2020 và có nhiều tác phẩm chất lượng đạt giải cao, đã góp phần tạo nên sự thành công của cuộc thi. 
Trong thời gian tới, Báo cần tiếp tục khẳng định vai trò định hướng thông tin về ngành đặc biệt là lĩnh vực giảm nghèo. Khi cán bộ là công tác LĐ-TB&XH và người dân trên cả nước muốn tìm hiểu thông tin về giảm nghèo tìm ngay đến Báo Lao động và Xã hội, Báo điện tử Dân sinh. Hy vọng trong thời gian tới, báo sẽ có nhiều hơn nữa những bài ghi nhận, phản ánh thực tiễn thực hiện chính sách giảm nghèo tại địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế cũng cần được nhìn nhận khách quan để chính sách giảm nghèo thực sự đạt được mục tiêu đề ra, đúng đối tượng được thụ hưởng.
VÂN KHÁNH (ghi)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh