THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:33

Kỷ niệm 25 năm Ngày báo Lao động và Xã hội ra số đầu tiên: Nghĩ về làm ấn phẩm phụ

 

Nguyên TBT Trần Thị Lộc trong chuyến công tác tại Điện Biên. (Ảnh Mạnh Dũng)

 

Khi tôi về báo Lao động - Xã hội (2004), báo chỉ có một tờ chính. Thực ra, trước đó báo có thời kỳ có tới 3 ấn phẩm (tờ chính ra 1 tuần 3 số, tờ cuối tuần và tờ cuối tháng). Nhưng sau đó vì nhiều lý do, chỉ còn lại 1 tờ, nên công việc có vẻ thong thả nhưng nguồn thu hạn chế. Đời sống cán bộ, phóng viên khó khăn. Nhiều vấn đề lao động, xã hội chưa được phản ánh hết, vì tờ báo chính viết có tính chính luận, nghiêm túc, tập trung vào tuyên truyền đường lối chính sách về các vấn đề lao động việc làm, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo … còn các vấn đề về lao động xã hội “mềm” hơn chưa có “đất” để viết.

Nhìn sang các báo bạn khi đó, có cơ quan báo chí có tới vài số phụ, một số ít báo lúc đó bắt đầu ra báo điện tử. Tôi đọc khá kỹ các tờ gọi là phụ đó thì thấy có tờ hay, có tờ dở, báo điện tử thì chỉ có Vietnamnet.vn, VNExpress là được. Nghĩa được ở đây là: Về nội dung phải đi theo tôn chỉ mục đích của tờ báo, có tính định hướng tích cực, nếu có phản biện cũng phải có tinh thần xây dựng, nếu có giải trí cũng phải lành mạnh, cách thể hiện hấp dẫn, ảnh đẹp, thu hút người đọc; về tài chính phải có nhiều quảng cáo, số lượng bán lớn, đem lại nguồn thu cho báo để cải thiện đời sống anh em. Trên thực tế, nhiều tờ phụ này lại là “chính” về nguồn thu. Còn những ấn phẩm dở là ở chỗ, nội dung yếu, nghèo nàn, bài hay ít, hiếm, lôi kéo bạn đọc kiểu lá cải, “hiếp, giết, cướp”. Mở tờ báo ra toàn thấy màu sắc tiêu cực, gây tác dụng xấu cho bạn đọc. Ti - a - ra thấp, không lấy được quảng cáo. Thu không đủ chi. Những tờ này không tồn tại lâu được, dễ “chết yểu”.

Thực tế khi đó, những tờ phụ hay thì ít và khó làm, chỉ những cơ quan báo chí mạnh mới có được. Điển hình như tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn, mặc dù trực thuộc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, nhưng nó đã thành một Group có mấy tờ phát hành ra cả nước ngoài và nhiều hoạt động đào tạo, sự kiện đình đám; tờ Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động, Pháp luật, Phụ nữ … Báo điện tử thì VNExpess. Vietnamnet.vn… vẫn luôn dẫn đầu với số lượng view và nguồn thu từ quảng cáo rất lớn, kể cả bây giờ.

 

 

Tôi rất trăn trở, suy nghĩ về việc này và thấy báo ngành ít tờ mạnh do đối tượng bạn đọc hẹp, mọi cố gắng trong nhiều năm để ra sạp đều thất bại, cho nên “yên tâm” bán trong ngành. Báo Lao động - Xã hội cũng vậy. Số phụ có thể ra sạp được, nhưng cần cân nhắc kỹ. Đã có vài nhóm người đến đề nghị liên doanh làm tờ cuối tháng. Họ là những người làm quảng cáo khá mạnh. Nhưng về nội dung thì chưa đủ độ tin cậy. Thêm nữa, họ đang lấy quảng cáo cho số chính, nay nếu để họ làm số phụ, quảng cáo sẽ chạy về đó hết, tờ chính sẽ bị ảnh hưởng.  Nếu tự mình làm nội dung thì cần tăng biên chế, nuôi thêm chục người không phải dễ.

Đang lúc băn khoăn thì thấy Chính phủ có dự án báo chí cho miền núi về xóa đói giảm nghèo, lúc đó dự án này đã chạy được vài năm rồi. Tôi rất thắc mắc là tại sao ngành LĐ - TB&XH thường trực về Chương trình mục tiêu XĐGN mà báo Lao động - Xã hội lại không được tham gia dự án. Tôi bàn với anh Trung Chính, chị Chử Hà, chị Thu Hằng sang đặt vấn đề với UBDT miền núi. Anh Thanh, Vụ trưởng Tuyên truyền, anh Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban lúc đó ủng hộ ngay, sau có Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng, Thứ trưởng Đàm Hữu Đắc giúp đỡ, chúng tôi làm Đề án và năm 2006 Chuyên đề Xóa đói giảm nghèo ra hàng tuần của báo Lao động - Xã hội ra đời với lượng phát hành khá lớn đã đến tay bạn đọc. Tờ Chuyên đề đúng chuyên ngành, đúng sở trường của báo, nên bài tương đối hay, ảnh đẹp, trình bày chất lượng, đi đúng chủ trương XĐGN của Đảng và Chính phủ. Chuyên đề được đưa đến tận thôn bản của các tỉnh (trong dự án) miền núi, vùng sâu, vùng xa. Báo không tăng biên chế vẫn bảo đảm làm cả 2 tờ. Đời sống của anh em được  nâng lên rõ rệt. Ban biên tập, cán bộ, phóng viên rất phấn khởi. Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo UBDT tỏ ý khen ngợi.

 

Xóa đói giảm nghèo luôn là ấn phẩm thiết thực giúp đồng bào DTTS thoát nghèo. (Ảnh Trung chính)

 

Cùng với đó chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng và tăng cường quảng cáo cho số chính. Doanh thu tăng đều hàng năm.

Năm 2008, Ban biên tập bắt đầu đặt nền móng cho Báo điện tử vì thấy báo điện tử thông tin rất nhanh, là xu hướng của báo chí. Chị Chử Hà đã nhanh chân đi mua tên miền Lao động - Xã hội cho báo điện tử. Thứ trưởng Đàm Hữu Đắc ủng hộ ra báo điện tử. Ban biên tập đã bắt đầu thuê thiết kế giao diện tờ báo. Vụ Kế hoạch tài chính Bộ cũng hứa hẹn sẽ đầu tư ban đầu… Ban biên tập đi tìm nguồn tài trợ, nguồn thu. Tuy nhiên, tôi cũng nhìn thấy nuôi tờ báo điện tử cần chi phí khá lớn, lấy quảng cáo và tài trợ không dễ. Có người nói, tôi học Kinh tế quốc dân ra nên cân nhắc kỹ vấn đề tài chính, cầu toàn.

Theo thời cuộc, đến nay báo Lao động - Xã hội đã có báo điện tử Dân sinh, cái tên thật hay, nhiều view, bắt đầu có nguồn thu. Thật đáng mừng.

Mỗi giai đoạn có những cơ hội và thách thức khác nhau, có những thuận lợi và khó khăn khác nhau, cho nên có cách làm khác nhau. Chỉ có đích đến là giống nhau. Đó là nâng cao chất lượng thông tin của các ấn phẩm, tăng nguồn thu để quay trở lại phục vụ tờ báo hay hơn, đẹp hơn và đời sống cán bộ, phóng viên được nâng cao hơn, giúp họ trang trải cuộc sống và ngày càng gắn bó với ngôi nhà chung “Báo Lao động - Xã hội”. Nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập, xin chúc Ban biên tập và toàn thể cán bộ, phóng viên thật nhiều sức khỏe, nhiều năng lượng để xây đắp ngôi nhà chung của chúng ta ngày càng to, đẹp hơn.

Trần Thị Lộc (Nguyên Tổng biên tập báo Lao động - Xã hội)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh