Báo Lao động và Xã hội luôn bám sát tôn chỉ, mục đích về ngành
- Tây Y
- 14:00 - 25/08/2018
Nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hằng.
Báo LĐ&XH: Có người nói: “...ký ức luôn là những kỷ niệm đáng nhớ bởi ở đó không những là tâm huyết, trách nhiệm và tình yêu thương mà còn là một phần cuộc sống của mình…”. Trong những năm mới thành lập, là thời kỳ khó khăn nhất của Báo LĐ&XH, ở cương vị Lãnh đạo Bộ Bà đã luôn quan tâm chỉ đạo dõi theo từng bài viết, từng số báo, vậy Bà sẽ có rất nhiều kỷ niệm với Báo LĐ&XH.
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng:
Thời kỳ ấy, đời sống kinh tế - xã hội của đất nước đang trên đà phát triển với những chuyển biến mạnh mẽ, nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH cũng rất nặng nề... Trước yêu cầu phải giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của xã hội, nhất là trong các lĩnh vực người có công, dạy nghề, việc làm, xóa đói giảm nghèo… Bộ đã quyết định phải có một tờ báo, phải tập trung quan tâm chỉ đạo làm sao để tờ báo chuyển tải nhiều thông tin đến với người lao động, người dân về các Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua như pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và pháp lệnh người có công với nước vào năm1994; cải cách chế độ tiền lương, lao động xa hội, xuất khẩu lao động...
Nhớ về những năm đầu mới thành lập, tôi cho rằng thời điểm sự ra đời của Báo LĐ&XH là đúng lúc và cần thiết bởi đã truyền thông tốt nhiệm vụ chính trị của ngành giai đoạn này. Mặt khác đối tượng phục vụ của báo rất đông đảo không chỉ là những cán bộ trong ngành mà là toàn xã hội với rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu phát huy tốt thì đây sẽ là tờ báo của người lao động, của công chúng.
Ấn tượng sâu đậm trong tôi về Báo LĐ&XH thời kỳ ấy là:
Thứ nhất: Lúc mới ra đời, điều kiện cơ sở, vật chất nhất là cán bộ hết sức khó khăn, Báo LĐ&XH đã nổ lực, tự cường xây dựng nền tảng ban đầu. Anh, chị em đã tập trung làm tin, bài đến phát hành và quảng cáo để duy trì lượng xuất bản và tờ báo đã quán triệt và thể hiện rất rõ quan điểm chỉ đạo của Bộ là “Là báo ngành, có tôn chỉ mục tiêu rõ ràng, truyền thông hiệu quả các lĩnh vực công tác của ngành và nhu cầu của người dân. Nghề báo không phải ai cũng có thể làm tốt, phải nhiệt huyết, có trình độ, có nhận thức và sự nhạy cảm chính trị và quan trọng nhất phải có tâm-đức…”, Báo LĐ&XH phải lấy nhiệm vụ phục vụ chính trị là chính, không chạy theo xu hướng thị trường. Bởi vậy, tuy mới nhưng Báo LĐ&XH đã đứng vững và điều quan trọng nhất là đến được với bạn đọc.
Thứ hai: Thời gian ấy nội dung đề tài và diện phản ánh của Báo LĐ&XH rất rộng và hết sức phong phú, phản ánh được phần nào tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Tham gia truyền thông kịp thời những chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của đất nước, của xã hội và những vướng mắc thực tiễn để Chính phủ nghiên cứu, giải quyết và đặt ra những chính sách phù hợp. Ví dụ như y vấn đề tiền lương, việc làm, đặc biệt là nông nghiệp, nông dân và nông thôn đang nổi lên nhiều bức xúc, vấn đề xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ đối tượng yếu thế và giải quyết việc làm luôn là điểm nóng của toàn xã hội, vấn đề đền bù đất đai khi xây dựng các đề án khu công nghiệp, việc làm cho con em người dân, dạy nghề và an sinh xã hội… đòi hỏi nhà nước phải bổ xung sửa đổi chính sách cho phù hợp. Để làm được việc này tập thể anh, chị em Báo LĐ&XH phải bám sát cơ sở, tìm hiểu căn kẽ mọi đối tượng của ngành, phản ảnh trung thực thông tin và truyền thông đầy đủ đến đến bạn đọc của Báo. Thời kỳ ấy có rất nhiều phóng viên của Báo LĐ&XH lăn xả với công việc, xuống cơ sở và có nhiều bài phản ánh chất lượng giúp cho chính sách về LĐ-TB&XH được nhân dân hiểu và đón nhận.
Báo LĐ&XH: Bà có kỳ vọng và lời nhắn nhủ nào về sự phát triển của Báo LĐ&XH trong thời gian tới .
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng:
Thời gian qua tôi thấy Báo LĐ&XH phát triển phù hợp với xu thế báo chí hiện đại, ngoài việc liên tục củng cố cải tiến, nâng cao chất lượng. Gần đây, Báo LĐ&XH, đã có thêm bản điện tử Dân sinh, tạo được ảnh hưởng lớn đến đông đảo bạn đọc trong và ngoài ngành; những vấn đề nóng, có thể khảo sát để phản biển, góp ý.
Tôi nghĩ, để tờ báo phát triển nhanh và bền vững phải đầu tư nâng cao chất lượng thường xuyên, trước hết tờ báo phải vững về mặt chính trị, nhạy bén, trung thực về thông tin, tăng cường tính chiến đấu trên quan điểm xây dựng. Cần phát hiện, tuyên truyền nhân tố mới, điển hình. Đồng thời, tờ báo nên có tính xã hội hóa cao, đặc biệt là thể hiện tính nhân văn, nhân đạo một cách sâu sắc. Tôi luôn tin tưởng vào bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và trách nhiệm với ngành LĐ-TB&XH của tập thể lãnh đạo, phóng viên của báo hiện nay. Các đồng chí có đủ nhiệt huyết, kimh nghiệm và năng lực để làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị mà các các hệ lãnh đạo Bộ đã tin tưởng, đáp ứng yêu cầu của đông đảo bạn đọc trong và ngoài ngành và toàn xã hội.
Xin cảm ơn bà!