THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:39

Bạo hành, xâm hại trẻ em: Luật quy định nhưng chưa có lãnh đạo nào bị xử lý

 

Luật Trẻ em 2016 có hiệu lực từ 1/6/2017 và Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Chủ tịch UBND cấp xã, huyện, tỉnh là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra việc xâm hại trẻ em trên địa bàn. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc để xảy ra tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn; không kịp thời hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.

Vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại trường mầm non Mầm Xanh,TP Hồ Chí Minh (ảnh báo Tuổi trẻ)

 

Mặc dù đã có đầy đủ chế tài xử phạt, nhưng tình trạng bạo hành trẻ em vẫn diễn ra thường xuyên. Một phần là do ý thức của người chăm sóc trẻ em, sự thờ ơ của cộng đồng xung quanh và một phần cũng do trẻ không dám lên tiếng vì người bạo hành đôi khi lại chính là cha, mẹ. Bên cạnh đó, việc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 5 đến 10 triệu đồng là quá thấp, chưa đủ sức răn đe.

Vụ trưởng vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) Hà Đình Bốn cho biết, tổng kết Nghị định 144 của Thủ tướng Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho thấy, trong 5 năm qua, Hà Nội không xử phạt bất cứ trường hợp nào. Báo cáo các địa phương khác cũng tương tự, hầu như không xử lý hành chính. Với khung pháp luật như hiện nay, nhiều địa phương vẫn chưa làm hết trách nhiệm. 

Ông Hà Đình Bốn cho rằng, dù hệ thống luật pháp về trẻ em đã tương đối hoàn thiện và đồng bộ nhưng vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa theo hướng quy định rõ hơn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Theo ông Bốn, để Luật Trẻ em mới được triển khai có hiệu quả và đi vào cuộc sống cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó phải ưu tiên tạo điều kiện để mọi trẻ em được phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Cùng với đó là khắc phục hạn chế trong việc đầu tư, phân bổ nguồn lực cho các trương trình, mục tiêu về trẻ em vì rất nhiều chương trình không bố trí được kinh phí để thực hiện.

Theo ông Hà Đình Bốn, cần có những rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật từ Luật Trẻ em, luật Hình sự, Dân sự để đảm bảo tính đồng bộ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức của cộng đồng. “Nếu cứ chờ chỉ đạo của cấp trên mới xử lý thì chúng ta làm chưa hết trách nhiệm, ai làm chưa hết trách nhiệm thì chúng ta lại chưa xử lý. Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính, hầu hết các địa phương không xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trẻ em. Nhiều địa phương, chính quyền, tổ dân phố không xử lý, không có trường hợp nào bị xử lý. Hà Nội cũng báo cáo là  cơ bản Nghị định này không bị xử lý. Như vậy, chúng ta thực hiện chưa hiệu quả. Muốn thực thi có hiệu quả thì phải quy định cụ thể, chặt chẽ hơn nữa, phải thanh tra, kiểm tra và phải xử lý kiên quyết”, ông Hà Đình Bốn nhấn mạnh.

Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng khẳng định, luật pháp hiện nay quy định khá đầy đủ về trách nhiệm của các cơ quan khi để xảy ra các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện, đưa luật vào đời sống vẫn là vấn đề cần quan tâm.

Theo bà Ngô Thị Minh, để công tác bảo vệ trẻ em được tốt hơn, đặc biệt là công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em rất cần phát triển đội ngũ cộng tác viên trẻ em tại các thôn/ bản/ tổ dân phố. Bởi đây là cánh tay nối dài của hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các địa phương. Hơn ai hết, các cộng tác viên này hiểu rõ hoàn cảnh từng gia đình, biết nhu cầu các em ở địa phương cần hỗ hỗ trợ gì. Chính những cộng tác viên trẻ em ở địa phương có nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện, tố giác các hành vi xâm hại trẻ em. Bà Minh cũng cho rằng: “Các Bộ liên quan phải có sự kết nối mạnh mẽ, chặt chẽ, rõ trách nhiệm. Hệ thống văn bản chỉ đạo cũng phải thể hiện một cách xuyên suốt. Vừa qua, Chính phủ cũng đã quyết định thành lập Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với 3 số: 111 rất dễ nhớ, góp sức trong việc cung cấp kịp thời thông tin và kết nối xử lý những vụ xâm hại, bạo lực trẻ em. Quan trọng hơn là thành lập Ủy ban Quốc gia bảo vệ trẻ em, quy trách nhiệm đến tận cấp xã, có quan hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau để ngăn chặn tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em”.

Bà Ngô Thị Minh cũng cho biết, hiện nay Ủy ban đang đề nghị Chính phủ có kế hoạch tổng thể để chỉ đạo về công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội và người dân về trách nhiệm trong công tác phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trước nạn bạo hành trẻ em đang gây bức xúc trong xã hội thời gian vừa qua.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh